Theo dõi Báo Thanh tra trên
Lê Phương
Thứ tư, 05/06/2024 - 20:58
(Thanh tra) - Chiều ngày 5/6, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học "Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số".
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: TT
Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, các lãnh đạo, quản lý các ban, bộ, ngành, các cơ sở đào tạo, cơ quan báo chí - truyền thông nghiên cứu trao đổi, thảo luận nhằm làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số.
Đồng thời, đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng, chia sẻ các kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp, khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân cho biết, trong gần 100 năm qua, công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ báo chí luôn được Đảng ta quan tâm, coi trọng. Trước những thách thức và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/5/2023 phê duyệt Chiến lược "Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Mục tiêu nhằm xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và đổi mới đất nước; đảm bảo vai trò định hướng dư luận, giữ vững chủ quyền trên không gian mạng; đổi mới trải nghiệm của độc giả, thúc đẩy ngành công nghiệp nội dung số.
Theo ông Minh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu rộng, làm thay đổi căn bản nhiều mặt hoạt động của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động báo chí - truyền thông.
Chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà là nhiệm vụ đặt ra đối với từng cơ quan báo chí, cơ sở truyền thông, để vừa phục vụ tốt nhất, nhanh nhất nhu cầu thông tin của công chúng, vừa phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại, đồng thời tối ưu hóa các nguồn lực cho sự phát triển của báo chí - truyền thông nước nhà.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông không chỉ dừng lại ở việc đẩy mạnh tin học hóa và số hóa dữ liệu trong hoạt động báo chí, mà còn là sự thay đổi toàn diện hoạt động báo chí - truyền thông trên nền tảng công nghệ số.
Do vậy, ngoài nền tảng công nghệ và nguồn lực tài chính dồi dào, thì khả năng thích nghi của mỗi cơ quan báo chí, truyền thông với một tương lai kỹ thuật số sẽ tùy thuộc vào việc phát triển được hay không một thế hệ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ người làm công tác báo chí - truyền thông với kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm lao động nghề nghiệp chuyên nghiệp trong môi trường số.
Điều này đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao hơn đối với công tác đào tạo báo chí - truyền thông hiện nay, để có thể theo kịp xu thế phát triển chung và đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao kịp thời cho xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số.
Cũng theo ông Minh, thời gian qua, các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông đã sớm tích hợp, đưa các nội dung của chuyển đổi số vào chương trình đào tạo; thường xuyên cập nhật, hoàn thiện các chương trình khung, chương trình chi tiết của từng ngành phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn.
Tuy nhiên, bối cảnh chuyển đổi số hiện nay đang đặt ra đối với các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông cần xác định lại triết lý, mục tiêu đào tạo phù hợp với xu thế mới, sớm xây dựng một khung chương trình chuẩn về đào tạo báo chí, truyền thông gắn với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
"Đây là những thách thức đặt ra đối với công tác đào tạo báo chí - truyền thông trong nước, nhất là trong bối cảnh chất lượng đào tạo có nơi chưa đáp ứng được hoặc chậm được đổi mới về phương pháp. Việc đầu tư cơ sở vật chất và nguồn lực, xây dựng cơ chế riêng cho đào tạo báo chí - truyền thông còn nhiều bất cập", ông Minh nhấn mạnh.
Tại hội thảo, chia sẻ về chuyển đổi số trong báo chí, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, hội thảo có ý nghĩa rất thiết thực trong bối cảnh những người làm báo trên cả nước đang hướng tới chào mừng kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ đặt ra rất nhiều mục tiêu cho nền báo chí Việt Nam đến năm 2025. Cụ thể, có 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số; 50% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số…
Cả nước hiện có 9 cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông chủ lực, đều là các trường đại học, học viện công lập… Ngoài ra còn có các cơ sở dân lập, trường liên kết quốc tế đào tạo ngành truyền thông, quan hệ công chúng, quảng cáo - là những lĩnh vực gần với đào tạo báo chí.
Thời gian qua, nhìn chung các trường đào tạo báo chí - truyền thông đều có sự đổi mới về tư duy đào tạo, chú trọng thiết kế nội dung và chương trình theo hướng bám sát yêu cầu thực tế. Công tác tổ chức và quản lý đào tạo, bồi dưỡng, công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo ngày càng chặt chẽ, được chuyên nghiệp hóa, tin học hóa; chú trọng đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại, đưa các công nghệ báo chí - truyền thông mới vào thực hành sử dụng.
Đổi mới phương pháp giảng dạy hiện đại, tăng cường tính tích cực, chủ động của người học… qua đó góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo chí, truyền thông thế hệ mới, có phẩm chất chính trị vững vàng, thành thạo về kỹ năng, tinh thông về nghiệp vụ, thích ứng ngày càng tốt hơn và nhanh hơn với bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Trong không khí náo nhiệt và đầy sôi động của Hội thi An toàn Vệ sinh viên (ATVSV) giỏi năm 2024 do Công đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức trong 2 ngày ngày 25-26/10 tại Tp.Vũng Tàu, đội tuyển Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã xuất sắc giành Giải Đặc biệt toàn đoàn.
(Thanh tra) - Trong hoàn cảnh mưa lũ ngập lụt và mất điện diện rộng do ảnh hưởng của bão số 6 tại Thừa Thiên Huế, một câu chuyện nhân ái đã diễn ra, ghi dấu ấn đặc biệt về tinh thần "vì nhân dân" của người Viettel.
Lê Hữu Chính
20:08 30/10/2024Hoàng Nam
16:40 30/10/2024Kim Thành
16:32 30/10/2024Hương Trà
16:00 30/10/2024Trần Quý
Theo Chinhphu.vn
Phương Thảo
T.Thanh
Phương Anh
N. Phê - L. Bình