Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

"Chợ người" nhọc nhằn kiếm tiền ngày giáp Tết

Thứ năm, 09/01/2014 - 14:21

(Thanh tra) - Dưới cái rét tăng cường vào những ngày giáp Tết, chợ lao động (hay còn gọi là "chợ người") ở đường Bưởi, Hà Nội vẫn nhộn nhịp, cái rét như không hề hấn gì đối với tinh thần "khát" việc của họ. Thu nhập những ngày cận Tết này gấp đôi, gấp ba ngày thường thế nên việc cực khổ mấy, khó mấy cũng nhận.

Công việc vất vả gì lao động tại "chợ người" cũng nhận. Ảnh: Tràng An

Việc khổ mấy cũng làm

"Bê, bốc vác, dọn nhà, chuyển nhà, thợ xây, phụ hồ, trộn xi măng... việc cực khổ mấy chúng tôi cũng làm. Tháng Tết này nhiều việc hơn so với ngày thường. Có ngày chỉ làm vài ba tiếng, có ngày thì làm cả ngày tùy nhu cầu khách thuê. Trung bình một tháng trở lại đây thu nhập cũng được 7 - 8 triệu đồng, so với các tháng trong năm thì tiền kiếm được nhiều gấp đôi", anh Bình chia sẻ.

Cái tuổi 30 của anh Đào Duy Sơn (Nghệ An) như bị sương gió và những sự nhọc nhằn của công việc làm già đi hơn nhiều. Anh Sơn tâm sự, chỉ học hết lớp 7, ruộng ở nhà không đủ để cấy và không đủ kiếm tiền nuôi 4 miệng ăn, thế là lang bạt ra Hà Nội rồi vào Nam rồi lại trở ra Hà Nội làm thuê đủ nghề để kiếm sống.

Theo anh Sơn, vì làm lâu có nhiều mối quen hơn người mới ra đứng "chợ người" nên cũng hay có người gọi đi làm hơn. Những tháng nhiều việc có thể kiếm gần 10 triệu đồng, nhưng cũng có lúc 2 - 3 ngày liền không có việc gì làm, nên tối anh tranh thủ chạy xe ôm đến nửa đêm. Dù kiếm được bao nhiêu thì tháng nào cũng phải gửi về quê 3 triệu đồng, còn lại trên Hà Nội trả tiền nhà hết 500 nghìn đồng/người/tháng, cộng với tiền tàu xe về quê, tiền ăn... có khi đói vẫn phải chắt bóp để gửi về quê vì 2 đứa con phải đi học, vợ thì không có nghề gì.

Đối với những "lão làng" ở "chợ người" thì họ còn kiêm luôn cả công việc như đấu mối với nhiều người có nhu cầu thuê các dịch vụ dọn dẹp, sửa nhà, bốc vác quen rồi tổ chức lực lượng đi làm. Những người này thuộc dạng nhanh nhẹn hơn có thể tính toán khối lượng công việc, "làm giá" tốt với người thuê. Có thể nhận hầu như bất cứ công việc khó nào cần sức vóc rồi kết nối, liên hệ với người làm được, do vậy thu nhập cũng khá cao. Tuy nhiên, đa phần ra đứng tại "chợ người" đều chỉ kiếm được từ 2 - 3 triệu đồng/tháng, có người ít việc không ai thuê thì tranh thủ làm theo ngày, ngày nào có việc thì tối về thuê trọ ngủ qua đêm 14.000 - 15.000 đồng/người/đêm, không thuê trọ theo tháng để tiết kiệm chi phí.

Theo khảo sát của chúng tôi, ngoài "chợ người" tại dốc Bưởi có quy mô khá lớn thường trực khoảng 30 - 40 lao động, thì lao động tự do di chuyển tản mát về các khu vực "chợ người" khác như Trung Hòa - Nhân Chính, Trần Nhân Tông, Đê La Thành - Giảng Võ, Đường Thành và len lỏi khắp gần các công trình xây dựng, bến xe, nhà ga. Và có thể được huy động tới hàng trăm người chỉ trong vòng nửa giờ đồng hồ qua các "lão làng" là đầu mối. Nhìn chung, mặc dù kinh tế khó khăn khiến việc làm ở chợ người cũng suy giảm thế nhưng vào thời điểm giáp Tết này nhu cầu dọn dẹp, chuyển nhà cửa, khuân vác đồ theo thời vụ vẫn tăng cao. Vì vậy, vẫn là thời điểm tốt để lao động tự do kiếm tiền.

Lao động tự do tìm mọi cách để di chuyển đến nơi làm việc, kiếm tiền. Ảnh: Tràng An

Trong những câu chuyện ở "chợ người" mà tôi được chia sẻ, ngoài bộn bề, nhọc nhằn của công việc chân tay còn xen lẫn cả những lo lắng hiển hiện trước mắt. Với anh Bình, chỉ còn mấy tuần nữa là đến Tết nhưng hiện tại vẫn không biết có kiếm đủ tiền về quê sắm Tết cho gia đình hay không, rồi ra Tết việc ít lấy gì gửi về nuôi con ăn học. Còn với anh Sơn, cái bấp bênh của nghề này đã hơn một lần khiến anh bỏ sang làm việc khác song cũng không ổn định lại quay trở lại. Trở về quê thì 1 - 2 sào ruộng không nuôi nổi một người chứ nói gì nhà 4 - 5 miệng ăn.

Thực tế, anh Sơn là một thanh niên có nghề lái xe nhưng chạy xe được 5 năm thì công ty chuyển hướng làm ăn và không còn nhu cầu thuê nữa, thất nghiệp khiến anh phải ra đứng "chợ người". Ở Hà Nội, anh không biết tìm đâu ra đầu mối để xin việc mặc dù đã có kinh nghiệm 5 năm lái xe. Đối với đa phần lao động tự do khác thì không được đào tạo nghề gì nên kiếm một công việc ổn định là điều vô cùng khó khăn.

Kết thúc những chia sẻ ngắn ngủi, anh Sơn, anh Bình và những người đàn ông khỏe mạnh khác không quên cho tôi số điện thoại và nhắn nhủ, "nếu lên báo có công ty nào cần người có việc ổn định như lái xe, phụ hồ... lương tháng khoảng 4 triệu anh giới thiệu cho chúng tôi đi làm nhé. Từ giờ đến Tết thì ráng sức, chịu khổ bốc vác, dọn nhà mong kiếm được tiền lo cái Tết, còn để dành nuôi các con ăn học. Đời mình đã khổ chỉ hy vọng con cái học hành nên người, phụng dưỡng lại thôi anh ạ".

                                                                                                                                                                                                                                       Tràng An

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hóa: Đẩy nhanh thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Thanh Hóa: Đẩy nhanh thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

(Thanh tra) - Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn nhiều hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), nhất là các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở, gây khó khăn, chậm trễ trong việc hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 30/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ khó khăn về nhà ở trong năm 2024 - 2025.

Văn Thanh

13:59 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm