Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Cao Bằng: Tập trung mọi nguồn lực khắc phục hậu quả bão lũ

Trung Hà

Thứ ba, 15/10/2024 - 23:58

(Thanh tra) - Hiện nay, tỉnh Cao Băng đang khẩn trương huy động mọi nguồn lực để ổn định đời sống nhân dân, khôi phục hệ thống giao thông, hạ tầng cơ sở, hỗ trợ xây nhà cho các hộ bị sập nhà, hộ có người tử vong và di dời các hộ dân có nguy cơ sạt lở cao do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Ông Hoàng Xuân Ánh - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Nguyên Bình. Ảnh: TH.

Theo thống kê đến ngày 29/9/2024, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã làm 55 người chết, 19 người bị thương, 3 người mất tích; có 2.290 ngôi nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng, trong đó: 68 nhà sập đổ, cháy, hư hỏng hoàn toàn (trên 70%); 265 nhà hư hỏng rất nặng (từ 50 - 70%); 178 nhà hư hỏng nặng (từ 30 - 50%); 715 nhà bị hư hỏng một phần (dưới 30%); 1.064 nhà bị ngập nước; 796 nhà có nguy cơ sạt lở phải di dời.

Làm 2.252,4 ha diện tích lúa, hoa màu, cây hàng năm, cây lâu năm bị thiệt hại và 3.291 con gia xúc, gia cầm bị chết do sạt lở, cuốn trôi…

Cùng với đó, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, công nghiệp, cơ sở y tế… hư hỏng do sạt lở đất, ngập nước, tốc mái. Tổng thiệt hai ước tính gần 920 tỷ đồng.

Ngay sau khi bão lũ xảy ra, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cao Bằng đã tập trung chỉ đạo khẩn trương khác phục hậu quả với tinh thần nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Qua rà soát các khu vực nguy cơ sạt lở cao đã vận động được một số hộ dân di dời đến vị trí an toàn, đồng thời tiến hành tuyên truyền, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, cắm biển cảnh báo và lên phương án tổ chức di dời các hộ dân có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn.

Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Cao Bằng đã tổ chức vận động, kêu gọi và tiếp nhận, cấp phát hàng cứu trợ của các tổ chức, nhà hảo tâm đến người dân các địa phương bị ảnh hưởng nhanh nhất có thể.

Tính đến ngày 27/9/2024, tỉnh đã tiếp nhận được gần 160 tỷ đồng, 142 tấn gạo và 301 tấn hàng nhu yếu phẩm, đã phân bổ đến các huyện, thành phố 99,47 tấn gạo và 301 tấn hàng nhu yếu phẩm…

Riêng tại huyện Nguyên Bình, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất do mưa lũ, trong cơn bão số 3, toàn huyện có: 54 người chết, 2 người mất tích, 18 người bị thương, 30 nhà bị sập đổ, hư hỏng hoàn toàn, 293 nhà có nguy cơ sạt lở cao, cần di dời khẩn cấp, nhiều nhà bị hư hại một phần…

Công tác khắc phục hậu quả, đảm bảo đời sống nhân dân đang thực hiện khẩn trương nhất có thể. Tại xã Yên Lạc, nơi xảy ra vụ sạt lở cả một mảng đồi rạng sáng 9/9/2024, vùi lấp 6 căn nhà, người dân chủ động tìm mặt bằng mới hoặc đổi đất để có chỗ làm nhà mới. 130 hộ nằm trong diện nguy cơ sạt lở cao cần phải di dời khẩn cấp cũng đã tìm được đất, khi có kinh phí sẽ triển khai thực hiện.

Đối với 6 hộ bị sập nhà, có người tử vong, chính quyền sẽ cấp kinh phí và huy động nhà hảo tâm xây nhà mới cho gia đình. Hiện nay, chính quyền và các nhà hảo tâm cấp lương thực đủ sử dụng trong 6 tháng.

Khu tái định cư xóm Lũng Lỳ,xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình đang được khẩn trương xây dựng. Ảnh: Internet.

Tại điểm tái định cư xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành, có 6 hộ dân bị mất nhà ở hoàn toàn do ảnh hưởng của cơn bão số 3, việc xây dựng nhà ở cho các hộ tái định cư đang được khẩn trương thực hiện với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, chung tay giúp sức người dân trong xóm và sự ủng hộ vật chất, tinh thần của các nhà hảo tâm trong cả nước. Phấn đấu đến ngày 30/10/2024, hoàn thành khu tái định cư để bàn giao cho người dân sử dụng.

Theo báo cáo của tỉnh Cao Bằng, trong quá trình ứng phó và phục hậu quả của mưa lũ, do gặp một số khó khăn vướng mắc, và thiệt hại rất lớn khoảng 1.000 tỷ đồng, tỉnh Cao Bằng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và một số bộ liên quan các nội dung, như:

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét về diện tích Quy hoạch Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén huyện Nguyên Bình tại Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 11/1/2018, vì hiện nay có 781,39 ha diện tích đất nông nghiệp, đất thổ cư của nhân dân trồng lấn với diện tích quy hoạch Vườn quốc gia.

Đối với Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Quốc phong, chính quyền địa phương nghiên cứu, khảo sát, đánh giá toàn bộ khu vực sạt lở, sụt lún, đặc biệt là các vị trí trọng yếu của Khu di tích để tỉnh có phương án đề xuất khắc phục, sửa chữa đảm bảo an toàn và kịp thời phục vụ các hoạt động kỷ niệm 80 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024).

Hỗ trợ kinh phí để khắc phục khẩn cấp công trình cơ sở hạ tầng (giao thông, giáo dục, y tế…) bị thiệt hại do mưa lũ sau bão số 3, đảm bảo kịp thời ổn định dời sống sinh hoạt của nhân dân, khôi phục phát triển kinh tế, với tổng kinh phí dề xuất 700 tỷ đồng…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm