Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần triển khai đồng bộ các giải pháp an toàn sinh học và chế phẩm vi sinh

Thứ sáu, 12/07/2019 - 17:03

(Thanh tra) – Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị triển khai các giải pháp tổng hợp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) diễn ra ngày 11/7.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: LP

Đây là hội nghị lần thứ 4 của Bộ NN&PTNT tổ chức để triển khai giải pháp ứng phó với DTLCP vẫn đang tiếp tục lây lan, hoành hành trên diện rộng.

Theo Cục Thú y, DTLCP đã được ghi nhận xảy ra tại 4.442 xã, 513 huyện của 62 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy đã tăng lên trên 3,3 triệu con. Đến thời điểm hiện tại, Ninh Thuận là tỉnh duy nhất chưa bị DTLCP tấn công.

Cũng theo Cục Thú y, DTLCP có xu hướng tái phát trở lại ở nhiều địa phương sau một thời gian dài không ghi nhận có lợn chết vì dịch. Theo thống kê, cả nước có 106 xã thuộc 23 tỉnh, thành phố có các ổ dịch đã trải qua 30 ngày, nhưng sau đó lại phát sinh trở lại các ổ dịch mới.

Tại Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, đến nay, dịch bệnh nguy hiểm này đã gây thiệt hại rất lớn đối với ngành chăn nuôi của TP. Tính đến ngày 11/7, DTLCP đã xảy ra tại 27.689  hộ chăn nuôi (chiếm 34,3% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi)/ 2.295 thôn, tổ dân phố/445 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện có chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội; làm mắc bệnh và tiêu hủy 481.649 con (chiếm 25,7% tổng đàn lợn toàn TP), với trọng lượng 33.151 tấn.

Đến nay, ước tính TP đã chi tới 1.500 tỷ đồng cho công tác phòng, chống DTLCP. Trong đó, kinh phí hỗ trợ lợn tiêu hủy khoảng 1.300 tỷ đồng, các hoạt động phòng chống dịch bệnh khác là 200 tỷ đồng.

Nguyên nhân khiến DTLCP lây lan trên địa bàn Hà Nội, theo ông Tường là do TP có đàn lợn đứng thứ 2 cả nước với 1,87 triệu con. Chăn nuôi của Hà Nội vẫn chủ yếu theo hướng nhỏ lẻ, tận dụng sản phẩm nghiệp (tới 60%). Hệ lụy của chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi tận dụng là hoạt động giết mổ nhỏ lẻ (có tới 988 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, cơ sở giết mổ lợn nhỏ lẻ là 259 cơ sở).

Để phòng chống DTLCP có hiệu quả, thời gian qua, TP đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT… Trọng tâm là đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho người chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy. Hỗ trợ ngày công cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó với dịch bệnh như: Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi phát hiện dịch bệnh; Tuyên truyền để người dân áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học; Thực hiện tốt công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng… 

Còn tại tỉnh Quảng Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Huy Hậu cho biết, cần phải thay đổi lại tập quán chăn nuôi, bởi DTLCP xảy ra chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Do đó, cần phải giảm dần các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ sang chăn nuôi tập trung. Bên cạnh đó, cần ưu tiên đầu tư các cơ sở giết mổ tập trung, bởi hiện nay phần lớn vẫn là các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ, mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây cũng chính là nguyên nhân mầm bệnh phát tán.

Quảng Ninh chưa thực hiện việc tái đàn mà hướng dẫn người dân chuyển sang chăn nuôi các vật nuôi khác và thủy sản. Bên cạnh đó, Quảng Ninh, đang thực hiện việc di dời các hộ chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: LP

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, sau khi bùng phát tại tỉnh Hưng Yên tháng 2/2019, đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 5.422 xã thuộc 513 huyện của 62 tỉnh, thành phố. Hiện, cả nước chỉ còn tỉnh Ninh Thuận là chưa phát hiện có DTLCP. Tổng số lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh buộc phải tiêu huỷ là 3.306.038 con, chiếm khoảng 11% tổng đàn lợn cả nước.

Ngay từ khi bệnh DTLCP bùng phát, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT cũng như các bộ ngành, tỉnh, thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khống chế dịch bệnh lây lan. Nhờ đó, đến nay, đã có 854 xã thuộc 226 huyện của 40 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày chưa phát sinh thêm lợn mắc bệnh.

DTLCP là dịch bệnh nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị và vắc-xin phòng bệnh. Chính vì vậy, các cấp uỷ, chính quyền từ T.Ư đến các địa phương cần xây dựng và tổ chức kế hoạch tổng thể để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhằm sớm khống chế DTLCP trên tinh thần của Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư, cũng như các Chỉ thị, Công điện, Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… 

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, DTLCP đã trải qua 160 ngày được phát hiện chính thức tại Việt Nam, tính từ khi ổ dịch đầu tiên được giám định tại Hưng Yên. Bộ NN&PTNT ghi nhận, trong suốt nhiều năm qua, chưa có một loại dịch nào gây tác hại lớn, khó khăn và vất vả cho việc phòng, chống dịch như DTLCP vừa qua.

“Chưa có loại dịch bệnh nào mà toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương phải vào cuộc đồng bộ như đối với DTLCP thời gian qua. Đến nay còn một tỉnh duy nhất là Ninh Thuận chưa có dịch, còn lại hầu hết dịch xảy ra cục bộ ở các tỉnh. DTLCP gây thiệt hại rất lớn chủ yếu ở các hộ nhỏ lẻ, liên quan đến sinh kế người dân và liên quan đến kinh phí hỗ trợ... Nhưng DTLCP không đáng sợ nếu chúng ta nắm chắc nguyên lý. Vũ khí duy nhất hiện nay trong phòng chống DTLCP là triển khai đồng bộ các giải pháp an toàn sinh học và chế phẩm vi sinh”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thực tiễn cho thấy có nhiều cách làm rất sáng tạo trong phòng, chống DTLCP. Các trang trại, cơ sở chăn nuôi lợn lớn vẫn an toàn trong dịch bệnh nhờ triển khai hiệu quả các giải pháp an toàn sinh học kết hợp chế phẩm vi sinh có lợi. Đây vẫn sẽ là nhóm giải pháp cần nhân rộng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, chăn nuôi an toàn sinh học cũng là hướng đi bền vững, lâu dài cho cả ngành chăn nuôi, chứ không chỉ đối với chăn nuôi lợn. Trong thời gian tới cần đẩy nhanh nghiên cứu vắc-xin, chế phẩm sinh học phòng DTLCP. Nơi nào thực sự an toàn mới tái đàn, không tái đàn bừa bãi để tránh người dân bị thiệt hại kép.

Lê Phương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm