Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bao giờ chấm dứt nạn tảo hôn?

Thứ bảy, 27/06/2015 - 14:01

(Thanh tra) - Toàn huyện Mai Châu hiện có 20/23 xã, thị trấn có trường hợp tảo hôn, nhất là ở xã Hang Kia và Pà Cò, nạn tảo hôn đã trở thành vấn nạn. Nghịch lý là, trong các cặp tảo hôn, người chồng lại "rơi vào tội" tảo hôn nhiều hơn.

Hãy còn là chú bé, vậy mà đã đi tìm vợ

Ông Lộc Văn Panh, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Mai Châu thổ lộ: Vấn đề tảo hôn ở Mai Châu không còn là cá biệt một vài xã, mà đã lan rộng ra hầu hết các xã trong huyện. Theo con số mới đây nhất, toàn huyện có 20/23 xã, thị trấn có trường hợp tảo hôn, kể cả thị trấn huyện. Trong đó tập trung nhiều nhất là 2 xã đồng bào Mông là Hang Kia, Pà Cò. Hai xã trên, nạn tảo hôn đã có từ lâu đời. Bố, mẹ lấy vợ cho con như bỏ tiền "lấy" người về làm nương. Vì vậy, người được "lấy" về phải là người phụ nữ khỏe mạnh, biết làm nương, lấy củi, nuôi lợn, biết thức khuya, dậy sớm để xay ngô, đồ xôi cho cả nhà đi nương trên núi cao. Xôi phải được đồ chín trước lúc con gà rừng cất tiếng gáy. Ngược lại, ông chồng thì chỉ một việc là ngủ ngon, sáng dậy khoác túi sách đến trường tiểu học hoặc THCS.

Theo số liệu điều tra về tình trạng tảo hôn ở xã Hang Kia, nơi "lòng chảo" ma túy vùng núi Tây Bắc, năm 2011, toàn xã có 36 cặp vợ chồng tảo hôn, trong đó người chồng đang ở độ tuổi 13 - 15, kém vợ 4 - 5 tuổi. Cá biệt có 3 cặp vợ chồng tảo hôn khi người chồng mới tròn 13 tuổi, như: Vàng A Mo, Vàng A Nụ, Khà A Khua (xóm Hang Kia). Năm 2012, có 8 cặp, thì cả 8 người chồng mới bước vào tuổi 14. Năm 2013, có 6 cặp tảo hôn, có cặp người chồng mới 12 tuổi, còn lại là 14 - 16 tuổi. Năm 2014, số cặp vợ chồng tảo hôn tăng lên 8 cặp. Năm 2015, nạn tảo hôn có chiều hướng gia tăng. Trong 5 tháng, đã có 15 cặp tảo hôn (cả vợ lẫn chồng). Vào những tháng cuối năm, khi cây đào nở hoa, khoe sắc, ở vùng đồng bào Mông bắt đầu bước vào mùa "bắt vợ". Xem ra con số 15 chưa phải là số "chốt" cuối cùng.

Tuy nhiên, những con số trên chỉ thống kê được qua báo cáo của bệnh viện hoặc trạm y tế xã ghi lại khi người vợ đến đẻ. Còn con số thật thì không thể nắm được. Vì nhiều cặp vợ chồng "cưới" xong, người vợ lên nương ở cả tháng không về bản. Nhiều trường hợp con gái đi lấy chồng ở xã khác thì không thể biết được. Ông Khà A Váu, Chủ tịch UBND xã Hang Kia chia sẻ: Mấy năm nay, nạn tảo hôn đã trở thành phong trào. Những nhà có con gái, con trai bước vào tuổi 14 - 15 là tất bật lo dựng vợ, gả chồng cho con. Nhà có con trai lo lợn, gà. Nhà có con gái thì lo váy áo, chăn màn, vòng bạc...

Bọn trẻ thì ngày đi học, tối rập rình, tay điện thoại, tay đèn pin í ới gọi bạn gái đi ra đường, ra đồi "tâm sự". Một thầy giáo ở Trường Tiểu học Hang Kia "nói nhỏ": Có em học sinh mới 14 tuổi đã hai đời vợ rồi đấy. Lần đầu bị vợ "chê" vì tối chỉ biết ngủ, mà lúc ngủ vợ phải ru, phải vỗ như con. Lần thứ hai mới cưới, không biết thế nào. Nghe nói, người vợ hơn chồng 2 tuổi, nhưng khỏe mạnh. Đám cưới ở đây ăn to, kéo dài 2 - 3 ngày. Đám cưới nào phụ huynh cũng mời, nhưng thầy cô giáo nhà trường phải kiếm lý do mà vắng mặt. Thật khó xử!

Hệ lụy của những cặp vợ chồng tảo hôn để lại không chỉ khổ cho bản thân, gia đình mà còn là gánh nặng cho cả xã hội: Con cái nheo nhóc, ốm đau, suy dinh dưỡng. Người mẹ bị suy giảm sức khỏe, dẫn đến ốm đau triền miên.

Chúng tôi đã có dịp lên Hang Kia, đi chợ Pà Cò. Đến  chợ thấy vô số người mẹ địu con trên lưng lắt lẻo như chị cõng em. Có người mẹ chỉ mới 15 - 16 tuổi đã có 2 con.

Người mẹ như đứa trẻ, nhưng đã có 2 con

Không phải chính quyền các cấp ở huyện Mai Châu không vào cuộc. Ngược lại, từ huyện đến xã và các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh đều tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên gương mẫu, đi đầu trong việc xóa nạn tảo hôn. Ban Thường vụ Huyện ủy Mai Châu đã ra Chỉ thị số 10 ngày 6/10/2011 về tăng cường tuyên truyền phòng - chống mê tín, dị đoan, tảo hôn. Các xã thành lập ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 10. Đồng thời có hình thức xử phạt, "đánh vào kinh tế" nhà trai tảo hôn với mức phạt 500.000 đồng - 1 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, phạt không phải biện pháp hữu hiệu. Anh Hàng A Pha, bản Thung Mặn đủng đỉnh nói: Một gia đình chỉ mất 30 kg đến 50 kg mận (giá 1kg mận tại chợ Pà Cò từ 20.000 - 25.000 đồng/kg) mà lấy được vợ cho con thì không tiếc đâu. Chưa hết quả một cây mận nhà mình mà.

Thế đấy! Vấn đề ngăn chặn tảo hôn ở xã Hang Kia, Pà Cò nói riêng, các xã trong huyện Mai Châu nói chung là việc làm đầy khó khăn, thách thức, không phải ngày một ngày hai mà thành công. Vì nó đã trở thành phong tục, tập quán ăn sâu vào "cái đầu" của đồng bào. Song phải ngăn chặn. Tin rằng huyện Mai Châu sẽ ngăn chặn được nạn tảo hôn.

Hồng Bài

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm