Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bánh gai xứ Dừa

Thứ hai, 09/03/2015 - 13:03

(Thanh tra) - Bánh gai xứ Dừa là đặc sản nổi tiếng từ lâu đời ở xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An. Đất nghèo Tường Sơn đang đổi thay từng ngày, cuộc sống khấm khá lên nhiều nhờ vào món ăn đặc sản quê hương này...

Làm bánh tại cơ sở Đoài Loan. Ảnh: Lương Ý

Ở xã Tường Sơn, hầu hết gia đình nào cũng có người tham gia làm bánh. Nhà nào không tự mở lò làm ở nhà thì đi làm thuê cho các cơ sở làm bánh trong xã. Vì thế, ở xã này hiện nay có đến hàng nghìn người từ già, trẻ, gái trai... ai cũng biết làm ra sản phẩm đặc trưng của vùng quê này.

Nếu đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, người làm nhanh có thể mỗi ngày làm được trên 400 cặp bánh (800 chiếc bánh). Bà Nguyễn Thị Hồng (70 tuổi), người đã gắn bó với nghề làm bánh gai đã hơn nửa thế kỷ, chia sẻ: “Làm cái nghề này nhìn thì đơn giản lắm, thế nhưng để có được sản phẩm đặc trưng và có thương hiệu như bây giờ không phải là điều dễ dàng. Từ tất cả các khâu, chúng tôi đều phải làm hết sức cẩn thận và tỉ mỉ, kỳ công lắm”.

Cũng theo bà Hồng, bà không biết rõ, nghề làm bánh gai đã có từ bao giờ. Chỉ còn nhớ từ khi bà lớn lên đã thấy bánh gai, bóc ra ăn chiếc bánh thơm ngon do người mới làm ra. Bà thích thú với đặc sản quê hương mình từ đó...

Ngày xưa, nhà ai làm bánh gai thì sẽ làm luôn tất cả công đoạn như hái lá chuối khô, trồng đậu xanh, trồng cây gai... Bây giờ, ở xứ Dừa này nghề làm bánh gai cũng đã được “chuyên môn hóa”. Người làm bánh gai không tự hái lá chuối nữa mà tạo thêm công ăn việc làm cho những người nghèo khó. Người làm bánh gai thu mua lá chuối khô để tiết kiệm thời gian cũng như công sức.

Hiện nay, 1kg lá chuối khô từ 3.500 - 4.000 đồng, bình quân một ngày có người hái lá chuối đem bán được trên 100.000 đồng. Họ không chỉ hái trong huyện mà còn đi sang các huyện lân cận hái lá chuối khô về bán cho những người làm bánh gai ở xứ Dừa.

Chị Đỗ Thị Minh, ở xã Tường Sơn, người đã theo “nghề” hái lá chuối 5 năm nay, cho biết: “Trước đây gia đình làm nông chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên thu nhập không đủ để nuôi con ăn học. Nhận thấy làng làm bánh gai có nhu cầu mua lá chuối nên mình đã bàn với chồng liên hệ với các cơ sở làm bánh để kiêm khâu cung cấp lá chuối cho họ. Hiện tại, mỗi ngày lợi nhuận từ việc bán lá chuối của tôi cũng được khoảng 300 nghìn đồng”.

Ngoài việc đi thu mua lá chuối từ các khu vực lân cận thì gia đình chị Minh còn trồng thêm hơn 3 sào chuối để vừa lấy lá vừa có thu nhập từ bán chuối quả và cây chuối thì tận thu để làm thức ăn cho lợn và bò. Nhờ đó, thu nhập của gia đình từ mấy năm nay rất ổn định. “Tết này tiền bán chuối của gia đình cũng thu về gần chục triệu đồng. Tết này cả nhà ăn Tết vui rồi chú ạ” - chị Minh khoe thêm.

Nghề làm bánh gai ở Tường Sơn ngày càng phát triển, hiện đã có hàng chục hộ làm bánh chuyên nghiệp. Trong đó có 15 hộ sản xuất chuyên nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hàng chục công nhân địa phương. Có thể kể đến như cơ sở bánh gai của Đoài Loan, cơ sở Ngọc Giáp, cơ sở Hà Lương...

Chị Bùi Thị Lan, người đã gắn bó với nghề làm bánh gai được gần 20 năm nay  tâm sự về nghề mưu sinh của gia đình mình: “Cơ sở của tôi luôn giao động từ 6 - 8 công nhân làm công ăn lương theo ngày. Vào ngày bình thường tôi chỉ làm khoảng 50kg nguyên liệu là bột nếp, tương đương với 800 đến 1.000 chiếc bánh. Tuy nhiên, vào những ngày trước và sau Tết thì số lượng bánh làm ra phải gấp đôi, gấp ba thì mới đáp ứng được như cầu của khách hàng. Bình quân sau khi trừ hết mọi chi phí, mỗi ngày gia đình cũng thu nhập từ 700 đến 1,2 triệu đồng/ngày”.

Bà Ngô Thị Thanh Lịch, chủ một cơ sở vui mừng khoe với chúng tôi: “Năm nay lượng khách đặt mua bánh tăng đột biến nên dù tăng cường đến 20 công nhân nhưng vẫn phải dậy làm từ khi mới 4 giờ sáng tới tận 11 giờ đêm mới có thể cho ra sản phẩm kịp cho đơn hàng”. Nói rồi bà đưa cho chúng tôi xem đơn hàng trong ngày với hơn 10 nghìn chiếc bánh (hơn 5 nghìn cặp).

Ông Nguyễn Công Thắng - Phó trưởng Phòng Công thương huyện Anh Sơn cho biết: “Nghề làm bánh gai của địa phương đã có từ lâu đời. Mấy năm trở lại đây với uy tín của thương hiệu bánh gai xứ Dừa, nghề này càng phát triển. Nhu cầu của khách hàng cũng ngày càng lớn. Xác định được tầm quan trọng của nghề bánh gai, thời gian qua huyện rất quan tâm phát huy nghề làm bánh gai xứ Dừa ở Tường Sơn”.

Rời dốc Dừa trong buổi chiều muộn khi nắng Xuân đang yếu dần. Các cơ sở làm bánh đang náo nhiệt; người mua, kẻ bán thứ bánh đặc sản này vẫn tấp nập. Mong sao bánh gai xứ Dừa sẽ luôn giữ vững thương hiệu là đặc sản, là niềm tự hào của người dân Tường Sơn!

Lương Ý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm