Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bàn Văn Kim - Trưởng thôn người Dao gương mẫu trong phong trào hiến đất làm đường

Bùi Bình

Thứ sáu, 05/11/2021 - 16:34

(Thanh tra) - Không những hiến hàng nghìn m2 đất, góp hàng chục triệu đồng, ông còn vận động nhân dân trong thôn tham gia góp đất, công, của để xây dựng tuyến đường bê tông dài 7km. Đó là tấm gương mẫu mực của ông Bàn Văn Kim, Trưởng thôn Làng Câu, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Trưởng thôn Làng Câu Bàn Văn Kim bên tuyến đường mới hoàn thành. Ảnh: Bùi Bình

Những năm 2015 trở về trước, đời sống nhân dân thôn Làng Câu gặp vô vàn khó khăn. Nguồn thu nhập chính của người dân từ trồng quế, trong khi đó, đường giao thông chính vừa nhỏ, vừa xuống cấp nên việc tiêu thụ sản phẩm gặp không ít khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn cao, tình trạng thiếu đói xảy ra thường xuyên tại một số hộ.

Ông Nguyễn Hữu Nghị, Bí thư Chi bộ thôn Làng Câu cho biết, trước đây, đường vào thôn rất nhỏ, đi qua nhiều đoạn dốc cao, cua “tay áo”, có đoạn phải lội qua suối, hầu như không phương tiện nào đi được. Ai có việc phải ra trung tâm xã thì đi bộ mất nửa ngày, để đưa người ốm đi bệnh viện phải khiêng võng, nhiều khi ốm nằm ở nhà cả tuần vì không thể đi ra ngoài được, thiệt thòi nhất là việc đi lại, học hành của các cháu học sinh, nhiều cháu bỏ học từ sớm. Đời sống nhân dân khi đó rất khó khăn, quế thu hoạch chỉ bán được mỗi vỏ.

Khi Nhà nước có chủ trương làm đường, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất, đóng góp hàng chục triệu đồng và tham gia hàng trăm ngày công, tính ra bình quân mỗi hộ đóng góp khoảng 30 triệu đồng, hộ nhiều nhất 42 triệu đồng, điển hình, gia đình ông Bàn Văn Kim đã hiến hơn 1.000m2 đất để làm đường, làm nhà văn hóa thôn, xây dựng trường học, đóng góp hơn 40 triệu đồng và nhiều ngày công. Đến năm 2020 thì hoàn thành con đường “hạnh phúc” dài 7km từ trung tâm xã vào thôn.

Từ ngày làm xong con đường, bà con rất phấn khởi, đời sống kinh tế khá hơn, vận chuyển thuận lợi nên hàng hóa bán được giá hơn, tăng thu nhập cho gia đình, cây quế bán được cả vỏ, lá và thân, các cháu học sinh đi học tập trung ngoài xã nên chất lượng tốt hơn, vận chuyển vật liệu làm nhà thuận lợi hơn… Đến nay, thôn có hơn 60 hộ thì tỷ lệ nhà xây nhà 2 tầng đạt hơn 60%, nhiều nhà xây hết hơn 1 tỷ đồng, nhiều nhà sắm được ô tô con để đi lại, ông Nghị thông tin.

Cuộc sống người dân thôn Làng Câu khá giả hơn từ khi hoàn thành tuyến đường. Ảnh: Bùi Bình

Ông Triệu Quốc Toản, Chủ tịch UBND xã Tân Hợp cho biết, nhắc đến ông Bàn Văn Kim người dân xã Tân Hợp ai cũng biết, với bản tính hiền lành, chất phác, hay giúp đỡ mọi người, tham gia nhiệt tình trong công tác xã hội ở địa phương. Những năm gần đây, ông Kim càng được nhiều người biết đến vì ông là người tự nguyện hiến nhiều đất, và nhiều tiền nhất xã trong phong trào hiến đất làm đường, không chỉ vậy ông còn phát huy được vai trò của người trưởng thôn trong công tác vận động nhân dân cùng tham gia đóng góp để mở đường.

Tấm gương của ông Kim đã lan tỏa và khích lệ tinh thần hưởng ứng của bà con trong thôn và trong xã, từ đó phong trào hiến đất làm đường đã trở thành “cuộc thi” để đến nay, xã Tân Hợp đã bê tông hóa được 32km đường trục thôn, trục xóm, nhân dân đóng góp và san gạt mặt bằng với giá trị hơn 3,3 tỷ đồng, hiến 15 nghìn mét vuông đất, dự kiến cuối năm 2021, xã Tân Hợp về đích nông thôn mới.

Ông Kim cho hay, mỗi khi thôn tổ chức buổi họp để phổ biến về kế hoạch làm đường luôn nhận được sự quan tâm và tham gia đầy đủ của bà con, hầu hết các hộ đều nhận thức được ý nghĩa của con đường mang lại nên việc vận động nhân dân hiến đất, đóng góp công, của diễn ra thuận lợi. Ngoài góp đất,  góp tiền, nhân dân trong thôn còn bỏ công, thành lập các tổ giám sát thi công, mỗi ngày cử 5 hộ luân phiên vừa giám sát vừa thi công nên khi hoàn thành tuyến đường đảm bảo theo tiêu chuẩn về độ dày bê tông, bề ngang mặt đường và chất lượng bê tông...

“Tuyến đường có khoảng hơn một cây số chạy song song đồi quế nhà tôi, tiêu chuẩn để làm đường là phải có đủ 3m mặt bê tông chưa kể lề đường, trong khi đó, đường cũ có chỗ chỉ 2m. Lúc làm tôi nói với đội thi công, cứ vướng chỗ nào thì lấy chỗ đó, miễn sao đủ kích thước đường thì thôi, các hộ khác trong thôn cũng hiến đất như nhà tôi. Về việc đóng góp tiền thì chia theo khẩu, đóng làm nhiều đợt, nhà tôi có 10 người đợt nhiều thì đóng 12 triệu đồng, năm 2020 đóng hơn 800 nghìn đồng/khẩu, từ lúc làm đường đến nay nhà tôi đóng góp khoảng hơn 40 triệu đồng”, ông Kim chia sẻ.

Ông Kim vình dự được Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tặng bằng khen. Ảnh: Bùi Bình

Với sự nhiệt tình, gương mẫu trong phong trào làm đường giao thông nông thôn, mới đây, ông Bàn Văn Kim được Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án Phát triển giao thông nông thôn tỉnh Yên Bái giai đoạn năm 2016 - 2020.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm