Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bãi tắm 0 đồng giữa lòng Hà Nội

 Hoàng Hiệp - Mạnh Tiến

Thứ bảy, 26/10/2024 - 11:06

(Thanh tra) - Mới 4 giờ chiều nhưng Câu lạc bộ (CLB) thể dục thể thao cựu chiến binh sông Hồng đã tấp nập người đến, bất kể độ tuổi, nghề nghiệp. Họ đều có điểm chung là tới đây để tận hưởng niềm vui được hòa mình với con sông lịch sử, thỏa mãn khát khao bơi lội sau những ngày hè oi bức.

Trải qua gần 10 năm nhưng đằng sau cánh cổng vẫn là điểm đến quen thuộc của nhiều người dân Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hiệp

Sức sống mới từ bãi sông hẻo lánh 

Những ngày đầu khi quyết định thành lập CLB, ông Nguyễn Văn Thắng (60 tuổi) nhớ như in khung cảnh một vùng đất bỏ hoang. “Đường vào khó, nền đất yếu nên cái cổng này cứ xây lên là sập. Sập tôi lại xây, gia cố không biết bao nhiêu lần mới hoàn thành được tâm nguyện cho mọi người một không gian rèn luyện sức khỏe”, ông Thắng kể.  

Những năm 2010, ông Thắng cùng nhiều anh em lên kế hoạch “phủ xanh” bãi sông. Nhiều giống cây là do cả nhóm đem về trồng, nhiều loại khác không biết từ đâu trôi về, không rõ tên. Mấy tháng hè vừa qua mưa lũ nhiều hơn, mấy cây bàng Singapore được ông đem về trồng chết hết cả, tiếc lắm. Sau này, ông tìm hiểu kĩ hơn xem loại nào chịu được nước, nhưng với ông, “bây giờ còn sống được mấy cây như này cũng là kỳ tích rồi”, “Chủ tịch” Thắng lạc quan. 

Trong suốt nhiều năm qua, con sông Hồng còn trở thành nơi ghi dấu nhiều thảm kịch đau lòng. Dòng nước cuồn cuộn, đặc biệt vào mùa mưa lũ, đã không ít lần cuốn trôi những mảnh đời bất hạnh. Nhận thấy người đến bãi sông cựu chiến binh ngày càng đông, nguy cơ tai nạn càng tăng cao, ông Thắng ấp ủ thành lập một đội cứu hộ. Đến năm 2017, đúng dịp sinh nhật Bác, ông lập ra Đội cứu hộ tình nguyện Long Biên. Tính đến hiện tại, thành viên tham gia Đội đã lên đến hàng chục người. Chẳng ai bảo ai, ông Thắng và mọi người đều đặn mỗi ngày đều thay phiên nhau túc trực dọc con sông với tâm niệm “cứu được một người đã là tốt rồi!”

Nói về một lần cứu hộ thành công, ông Thắng kể: “Hôm đấy là 5 rưỡi chiều, tôi định cất thuyền đi về mà cứ cảm giác có gì níu lại. Nhờ vậy mà tôi may mắn cứu được một học sinh rơi từ trên cầu Long Biên xuống. Thằng bạn nó chạy xuống dưới hô hoán thì tôi chỉ kịp nhảy lên thuyền mà cứu ngay chứ chẳng nghĩ ngợi gì. Trên cạn chậm tí không sao, dưới sông nước chậm một chút là tôi không cứu được người rồi.” 

Không có thiết bị chuyên nghiệp, người dân đến bơi tận dụng những đồ dùng có sẵn để đảm bảo an toàn khi bơi dưới sông. Ảnh: Hoàng Hiệp

Từ đó đến nay, mỗi khi có người muốn bơi ở bãi sông đều phải tuân thủ những quy định an toàn. Ông Sơn (55 tuổi), làm công việc trông nom người đến bơi ở bãi sông giải thích thêm: “Ai đến bơi đều phải mặc áo phao hoặc buộc cái can rỗng trên người, ai cũng phải tuân theo, để có đang bơi mà đuối sức thì còn cứu kịp. Nếu không tuân thủ tôi nhất định không cho xuống nước. Trẻ con dưới 10 tuổi thì chỉ được bơi hôm nước lặng, nước thấp.” 

Song, theo ông Sơn, quy định có chặt chẽ thế nào cũng không bằng ý thức của mọi người. “Cái quan trọng là tình cảm của anh em bơi lội với nhau, mỗi người một chân một tay, tự bảo vệ lẫn nhau. May mắn là từ khi thành lập đến nay, chưa có thành viên nào của CLB gặp tai nạn đuối nước thương tâm ở bãi sông này”, ông Sơn cho hay. 

Vì một Thủ đô năng động, lành mạnh 

Ở độ tuổi lục tuần, ông Thắng, một lính trinh sát đã giải ngũ vẫn duy trì thói quen rèn luyện thân thể đều đặn như trước đây. Cho nên khi chứng kiến thanh niên ở khu phố Tạ Hiện chưa có phong trào thể dục thể thao phát triển mạnh, lại ngày đêm ăn uống, chơi bời, ông Thắng càng quyết tâm phải hành động để góp phần thay đổi thói quen sinh hoạt của họ. 

Tuy nhiên, Hà Nội đất chật người đông. Đi đến đâu cũng thu phí, “nhiều gia đình muốn cho con cái đi tập luyện, vào bể bơi được 1 tiếng đã mất tiền trăm. Tôi muốn một chỗ văn minh để cho người già, phụ nữ, trẻ em sân chơi miễn phí giữa cộng đồng. Nhưng mà không có, cũng rất khó để có. Thế là tôi lập ra luôn sân chơi này cho mọi người sinh hoạt thể thao văn minh, quan trọng nhất là ít tốn kém”, ông Thắng bộc bạch. 

Đều đặn từ 4 giờ sáng đến 8 giờ tối, bất kể mùa đông hay hè, bãi bơi cựu chiến binh đều nhộn nhịp với sự có mặt của hàng chục thành viên. Người nhỏ nhất còn đang đi học, mới 7 tuổi, người già nhất năm nay đã ngoài 80. Nhiều người đến đây đã thành thói quen, cứ đúng giờ là có mặt. 

Anh Quang (30 tuổi) đã trở thành thành viên CLB được 2 năm nay. Đúng 4 rưỡi chiều, anh di chuyển từ Cầu Giấy, cách đây tận 10km, chỉ để tắm sông. Đối với anh, việc bơi lội không chỉ là rèn luyện sức khỏe mà còn là cách thư giãn sau hàng giờ căng thẳng trong văn phòng. Những buổi chiều như thế dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của anh, giúp anh cân bằng giữa công việc và cuộc sống. 

Các thành viên trong CLB cùng nhau khởi động bài bản trước khi xuống nước để tránh các rủi ro không đáng có. Ảnh: Hoàng Hiệp

Không chỉ những người Hà Nội, bãi sông còn thu hút cả du khách thập phương đến trải nghiệm. Anh Phú (28 tuổi), sinh sống ở TP HCM nhưng đã duy trì thói quen đến bãi sông cựu chiến binh sau vài tháng đến Thủ đô công tác.

“Nghe lời giới thiệu của mọi người trong cộng đồng bơi lội, bản thân tôi cũng rất thích bộ môn này nên lựa chọn ra đây bơi”, anh Phú cho hay. Là một cán bộ y tế với điều kiện tài chính dư dả nhưng anh không tìm đến những hồ bơi thu phí trong nhà với đầy đủ tiện nghi. “Ai bảo tắm sông là ô nhiễm chứ tôi không nghĩ vậy. Nước sông ngày nào cũng được ‘làm mới’, cảm giác tắm vừa gần gũi với thiên nhiên, vừa thấy trong người khỏe hơn.” 

Thật vậy, theo quan sát của phóng viên, đa phần những cụ ông ở bãi sông đều trông có bề ngoài trẻ hơn nhiều so với tuổi thật. Bên cạnh bơi lội, một góc trên bờ của bãi sông được thiết kế thành phòng tập gym “ngoài trời”. “Khách tập” hầu hết đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn thừa sức đẩy những thanh tạ nặng bằng cả một người trưởng thành. Theo lời kể của dân quanh đây, nhiều bác lớn tuổi nhờ bơi lội và tập luyện đều đặn tại bãi sông mà khỏi cả bệnh lâu năm. 

Bãi sông với đủ thành phần người nhưng vẫn duy trì được nề nếp, văn minh. Theo ông Thắng, nguyên nhân sâu xa chính là từ nhu cầu thể dục thực tế và ý thức chung của tất cả mọi người. “Xuống bãi sông này là mọi người tự bảo nhau, quy định cũng ghi rõ ràng ở đấy, nhưng rất ít ai vi phạm. Cái hay của môn bơi lội là kết nối mọi người, tạo nên sự gắn bó đặc biệt mà ít môn thể thao nào có được”, ông Thắng lý giải. 

Không rầm rộ, không chuyên nghiệp, quy củ như nhiều CLB bơi lội khác, từ thói quen thể dục thể thao mà cộng đồng bãi sông cựu chiến binh dần hình thành văn hóa sinh hoạt tập thể vừa điềm đạm, tích cực, vừa lành mạnh, đoàn kết.

Mấy năm tới, “ông Thắng cứu hộ” vẫn chưa có nhiều dự định phát triển CLB. Với người cựu chiến binh này, nỗ lực suốt chục năm qua của bản thân mới chỉ là nền móng, để rồi CLB sẽ phát triển hoàn thiện hơn trong tương lai chính nhờ sự chung tay góp sức của tất cả mọi người chứ không riêng mình ai.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bãi tắm 0 đồng giữa lòng Hà Nội

Bãi tắm 0 đồng giữa lòng Hà Nội

(Thanh tra) - Mới 4 giờ chiều nhưng Câu lạc bộ (CLB) thể dục thể thao cựu chiến binh sông Hồng đã tấp nập người đến, bất kể độ tuổi, nghề nghiệp. Họ đều có điểm chung là tới đây để tận hưởng niềm vui được hòa mình với con sông lịch sử, thỏa mãn khát khao bơi lội sau những ngày hè oi bức.

 Hoàng Hiệp - Mạnh Tiến

11:06 26/10/2024

Tin mới nhất

Xem thêm