Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 11/02/2021 - 06:35
(Thanh tra)- Một thời, nhắc đến Ba Chẽ, người ta thường nghĩ đến hình ảnh của một huyện nghèo, khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh. Những năm gần đây, từ nguồn vốn Đề án 196, các thôn, bản đặc biệt khó khăn của huyện Ba Chẽ đã khoác lên mình diện mạo mới, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số cũng dần khấm khá...
Từ nguồn vốn Đề án 196, diện mạo mới của huyện Ba Chẽ đã đổi thay với nhiều công trình hạ tầng được đầu tư, xây dựng. Ảnh: Minh Đức
Vươn lên thoát nghèo
Ba Chẽ là huyện miền núi vùng cao của tỉnh Quảng Ninh, có 9 thành phần dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Với việc cụ thể hóa thực hiện Chương trình 135 bằng Đề án Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn, bản ra khỏi diện đặc biệt khó khăn (gọi tắt là Đề án 196), tỉnh Quảng Ninh đã "thổi" vào mảnh đất vùng cao Ba Chẽ một luồng gió mới, nuôi dưỡng khát vọng thay đổi và động lực vươn lên thoát nghèo để có cuộc sống ấm no.
Trong trí nhớ của Phó Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc Triệu Quý Làu, trước đây, Đồn Đạc nghèo lắm, người dân không có đủ cái ăn, cái mặc. Cả xã có 14 thôn nhưng chỉ có 2 thôn trung tâm. Thôn xa nhất là Nà Làng và Khe Vang, cách trung tâm xã khoảng gần 20km và đi mất cả ngày đường.
Những năm trở lại đây, từ nguồn vốn Đề án 196, huyện đã mở đường bê tông vào tận thôn, bản, người dân đi lại đỡ vất vả hơn. Có đường giao thông thuận lợi, bà con cũng mở rộng diện tích trồng trà, trồng hồi, trồng keo... Nhờ vậy, cuộc sống ấm no hơn, có của ăn, của để. Cả xã không còn nhà tranh tre, nứa lá; tỷ lệ hộ nghèo giờ chỉ còn 17%.
Con đường lên thôn Khe Vang bây giờ không còn là đường mòn cheo leo như xưa nữa, mà đã được bê tông hóa phẳng lỳ. Hai bên đường, thấp thoáng trong triền núi không còn những ngôi nhà tranh “phủ” màu thời gian, mà thay vào đó là những ngôi nhà ngói đỏ khang trang nổi bật giữa ngút ngàn màu xanh của núi rừng.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Vang Triệu A Hai hồ hởi khoe: "Một thời, người dân trong thôn khó khăn, bà con đau ốm muốn ra bệnh viện huyện đều phải nằm cáng khiêng bộ, đi mất cả ngày đường, vất vả lắm! Đề án 196 mang theo điện, theo đường. Tết này, bà con muốn đi chơi cũng không phải mỏi chân men theo những lối mòn nữa…".
Đứng bên đập thủy lợi Tài Lò, Trưởng thôn Nà Làng Triệu Quý Phúc xúc động nhớ lại, trước kia muốn có nước phục vụ sản xuất, người dân phải cùng nhau lấy đá, đất đắp lạch để lấy nước chảy vào ruộng. Năm 2017, bằng nguồn vốn từ Đề án 196, đập thủy lợi Tài Lò được đưa vào sử dụng, bà con thôn Nà Làng mừng lắm, không còn phải thấp thỏm lo thiếu nước như trước nữa. Sản xuất nông nghiệp nhờ vậy cũng thuận lợi hơn, người dân rất phấn khởi.
Cũng giống như Đồn Đạc, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn Đàm Văn Tằng đầy hào hứng khoe, trước đây cuộc sống, việc đi lại của bà con trong xã rất khó khăn. Từ khi có Đề án 196, người dân được hỗ trợ vay vốn làm ăn; đường liên thôn, nội thôn được đầu tư làm mới. Giờ có đường rồi, kinh tế khấm khá, bà con mua được xe máy, có nhà đã mua ô tô, so với trước thuận lợi hơn nhiều. Cả xã có 428 hộ, giờ chỉ còn 4 hộ nghèo; người dân từ ăn no giờ đã được ăn ngon rồi.
Như để minh chứng cho lời nói, cán bộ xã Thanh Sơn dẫn chúng tôi đi thăm mô hình trồng trà hoa vàng của gia đình anh Đàm Văn Cường, thôn Khe Lọng Ngoài. Trong căn nhà nhỏ giữa đồi trà bạt ngàn, anh Cường chia sẻ: "Trước kia, gia đình rất khó khăn. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, năm 2014, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi gần 10ha trồng hồi, quế, sa mộc sang trồng trà hoa vàng và các cây dược liệu khác. Sau hơn 5 năm, bước đầu đã có 3ha cho thu hoạch với hiệu quả kinh tế khoảng hơn 300 triệu đồng/năm. Giờ cuộc sống không còn vất vả như trước nữa, đã làm được nhà, mua được xe ô tô, chăm cho các con đi học; mỗi năm Tết đến cũng đầy đủ, tươm tất hơn xưa".
Trong dãy nhà hai tầng khang trang của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Nam Sơn, cô Đoàn Thị Hiền, giáo viên tâm sự, việc đầu tư thiết thực từ Đề án 196 đã làm vơi bớt nhọc nhằn trên con đường đến trường của các em học sinh vùng khó.
“Một ngôi trường mới khang trang với những dãy phòng học đầy đủ tiện nghi và khu phòng chức năng hiện đại đã được khánh thành đầu năm học 2019 - 2020. Giờ đây các em không phải học trong những lớp học tạm, phải chen chúc, co ro mỗi khi mưa, rét. Việc học của các em trở nên hứng thú, sôi nổi hơn, các em cũng tiếp thu bài nhanh hơn. Học sinh từ tất cả 5 thôn, bản xa xôi của xã đều đến học đông đủ, chăm chỉ và có ý thức tự giác...”, cô Đoàn Thị Hiền chia sẻ.
"Vẽ" lên những mùa Xuân sung túc
Trong câu chuyện về xóa đói, giảm nghèo của huyện vùng cao Ba Chẽ, Trưởng phòng Dân tộc Triệu Đức Phượng tâm sự, Chương trình 135, Đề án 196 đã tạo sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt về diện mạo nông thôn, miền núi các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; góp phần từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, các dân tộc trên địa bàn huyện.
Từ nguồn vốn, sự hỗ trợ của “bà đỡ 196”, số hộ nghèo của Ba Chẽ đã giảm từ 34,7% (năm 2016) xuống còn 2,13% (năm 2019). Nhiều xã như Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh đã không còn hộ nghèo. Đặc biệt, đã có 148 hộ dân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Giờ đây, nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn phát triển kinh tế khấm khá. Tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước đang dần được xóa bỏ; người dân đã biết tự lực, vận dụng các chính sách hỗ trợ để cải tạo sản xuất, gia tăng thu nhập, nhiều mô hình kinh tế giảm nghèo đã và đang được nhân rộng.
Không giấu nổi vui mừng về sự đổi thay của các xã, thôn, bản vùng cao, Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ Đỗ Khánh Tùng chia sẻ, 5 năm qua, bằng nguồn vốn từ Chương trình 135, Đề án 196, huyện đã đầu tư xây dựng được 118 công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân; phân bổ gần 22 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cho 2.617 hộ, với 98 dự án; thực hiện hỗ trợ 584/584 hộ tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn xây dựng nhà ở... Đến nay, đường giao thông đến các thôn, bản đã được cứng hóa; bà con ở vùng sâu, vùng xa đã được sử dụng điện lưới Quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Chủ tịch Đỗ Khánh Tùng cũng hồ hởi khoe: Ba Chẽ đã hoàn thành việc đưa các xã, thôn, bản ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Đề án 196 trước 1 năm so với kế hoạch. Nhờ "bà đỡ 196", diện mạo của huyện đã thay đổi nhanh chóng; nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã trực tiếp được hỗ trợ về sinh kế, tăng thu nhập. Những năm trước, việc lo Tết cho người nghèo cũng là một gánh nặng không nhỏ đối với các xã đặc biệt khó khăn. Năm nay, nhiều hộ đã thoát nghèo, không còn phải trông chờ vào quà, gạo hỗ trợ ăn Tết của chính quyền nữa. Cuộc sống đã bước sang trang mới.
Thoát nghèo, xóa thôn, xã đặc biệt khó khăn giờ đây không còn là khẩu hiệu của huyện vùng cao Ba Chẽ mà đã trở thành hiện thực. Hình ảnh những con đường lầy lội, trơn trượt sau mỗi trận mưa hay những thôn, bản "trắng" cơ sở hạ tầng dần chỉ còn trong ký ức của mỗi người dân, nhắc nhớ về tinh thần đoàn kết, chủ động vươn lên để xây dựng cuộc sống ấm no.
Trọng Tài
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 23/11, tại thị xã Cửa Lò, Uỷ ban Dân tộc Chính phủ phối hợp tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo, toạ đàm triển khai Quyết định 1220/QĐ-TTg của Chính phủ về đề án “Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc cho công chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, giai đoạn 2025 – 2030”.
Lợi Châu
19:47 23/11/2024(Thanh tra) - Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn 1 từ 2021 - 2025, thời gian qua Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Nghệ An đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp, nhất là đối với người dân ở các huyện miền núi, biên giới, có đồng bào DTTS sinh sống.
Đức Anh
19:47 23/11/2024Bùi Bình
22:58 22/11/2024Văn Thanh
22:01 22/11/2024Nam Dũng
21:38 22/11/2024Văn Thanh
Bùi Bình
Trung Hà
Bùi Bình
Lợi Châu
Đức Anh
Văn Thanh
Hương Giang
Hương Giang
Hương Giang
Minh Thắng