Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Triệt xóa 232 vụ mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy

Lan Vy

Chủ nhật, 27/02/2022 - 08:00

(Thanh tra) - Năm 2021, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức triệt xóa 232 vụ, bắt xử lý 364 đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ 78,786 kg ma túy các loại; khởi tố 207 vụ, 290 bị can; xử lý hành chính 15 vụ, 48 đối tượng; đang điều tra 07 vụ, 17 đối tượng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Báo cáo công tác phòng, chống AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2021 cho biết, toàn tỉnh hiện có 8.225 trường hợp nhiễm HIV; trong đó, 3.218 trường hợp đã chuyển sang AIDS và 1.599 trường hợp tử vong, 100% xã/phường/thị trấn đã có người nhiễm HIV. Tỷ lệ người nhiễm HIV được phát hiện không tăng so với cùng kỳ.

Năm 2021, lực lượng chức năng đã tổ chức triệt xóa 232 vụ, bắt xử lý 364 đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ 78,786 kg ma túy các loại; khởi tố 207 vụ, 290 bị can; xử lý hành chính 15 vụ, 48 đối tượng; đang điều tra 07 vụ, 17 đối tượng.

Thủ đoạn nổi lên hiện nay là lợi dụng dịch vụ bưu chính để vận chuyển ma tuý. Người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý 1.840 người (tăng 185 người so với cuối năm 2020).

Tình hình hoạt động mại dâm diễn biến phức tạp. Các lực lượng chức năng thường xuyên phối hợp triệt xóa các điểm hoạt động mại dâm; hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn, thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh kịp thời hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm. Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.856 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Lực lượng chức năng kiểm tra 1259 lượt, phát hiện, xử lý 826 cơ sở vi phạm.

Phát hiện, triệt xoá 11 vụ hoạt động mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, bắt 44 đối tượng, trong đó: 08 chủ chứa, môi giới, 18 gái mại dâm và 18 khách mua dâm; xử phạt vi phạm hành chính 44 đối tượng. Các đối tượng bán dâm đa số là các cô gái còn trẻ, trình độ học vấn thấp, không nghề nghiệp hoặc nghề nghiệp không ổn định, chủ yếu là tiếp viên trong các quán cà phê giải khát, nhà hàng, khách sạn, karaoke, masage.

Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh, công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm được tổ chức thực hiện hiệu quả; ban chỉ đạo các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Các cơ quan thường trực ban chỉ đạo đã phát huy tốt vai trò nòng cốt, tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo chặt chẽ, quyết liệt và huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

Công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống AIDS và ma túy, mại dâm đã được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn; công tác kéo giảm xã, phường, thị trấn có ma túy được quan tâm thực hiện hiệu quả (có 09 xã không có ma túy được giữ vững và kéo giảm 06 xã có ma túy); kiểm soát và quản lý chặt các loại tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần không để các đối tượng lợi dụng hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy.

Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đạt được những kết quả đáng kể; số người sử dụng ma túy trái phép giảm số lần tiêm chích và sử dụng ma túy với số lượng ít hơn bình thường; giúp người nghiện ma túy từ bỏ ma túy, ổn định cuộc sống, làm người hoàn lương, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm.

Bên cạnh ưu điểm như trên, vẫn còn một số hạn chế như: Tình hình người nghiện còn tăng, tình trạng vận chuyển ma túy với số lượng lớn qua biên giới còn xảy ra.

Công tác quản lý người nghiện ma túy tại cộng đồng chưa đạt hiệu quả cao; công tác quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện có thực hiện nhưng kết quả mang lại chưa nhiều.

Tình hình bán hàng rong ngoài trước cổng trường vẫn tiếp diễn, các cơ sở giáo dục, nhà trường không đủ thẩm quyền giải quyết, có nhiều nguy cơ ma túy len lỏi vào thức ăn, nước giải khát cho học sinh sử dụng.

Kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS hiện nay do viện trợ quốc tế cắt giảm dẫn đến các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở tuyến huyện cũng gặp nhiều khó khăn.

Công tác triển khai và tổ chức thực hiện công tác phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống mại dâm có lúc, có nơi còn hạn chế; công tác quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ còn hạn chế nên một số cơ sở vi phạm, tạo kẻ hở cho hoạt động tệ nạn xã hội, nhất là hoạt động mại dâm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm