Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chủ nhật, 06/04/2014 - 09:22
(Thanh tra) - Cảng Phú Định tại quận 8, TP. Hồ Chí Minh ngày 28/3/2014 vắng ngắt, trên dãy cầu cảng dài tít tắp chỉ có 2 chiếc tàu tải trọng vài trăm tấn nằm uể oải chờ hàng. Ông Trần Hòa Lan Giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng sông TP. Hồ Chí Minh (Công ty Cảng sông TP. Hồ Chí Minh), đơn vị trực tiếp quản lý Cảng Phú Định cho biết, từ năm 2011 đến nay, Cảng mới khai thác được gần 50% công suất, lượng hàng hóa thông qua năm 2013 khoảng 900.000 tấn, trong khi công suất thiết kế Cảng trên 2 triệu tấn/năm. Nguyên nhân tại sao khi ngân sách Nhà nước bỏ vào công trình đến 400 tỷ đồng có thể trôi theo sông nước, là câu hỏi mà cơ quan chức năng nên sớm thanh tra để tìm ra người chịu trách nhiệm, nhất là khi UBND TP. Hồ Chí Minh đã có quyết định cổ phần hóa Công ty Cảng sông TP. Hồ Chí Minh trong năm 2014.
Trụ sở Cảng Phú Định.
Thi công quá chậm, gây thiệt hại hàng trăm tỷ
Khởi công từ năm 2003, Dự án Cảng Phú Định trên tổng diện tích 64 ha, theo kế hoạch giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào năm 2007. Với công suất hàng hóa thông qua trên 2 triệu tấn/năm, đây sẽ là Cảng sông lớn nhất TP. Hồ Chí Minh phục vụ di dời tất cả bến bãi, kho hàng trong nội thành ra ngoại thành về một mối. Tuy nhiên, đến cuối năm 2011, giai đoạn 1 dự án mới hoàn thành.
Theo Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP, việc Cảng Phú Định chậm trễ nhiều năm đã gây lãng phí hàng chục tỷ đồng lãi vay, làm công trình đội giá đến hàng trăm tỷ đồng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của TP. Có thể lấy ví dụ, tháng 9/2008, gói thầu đường nội bộ Cảng dài 800m đã đấu thầu với giá hơn 5 tỷ đồng, thời gian thi công hơn 3 tháng. Mãi đến cuối tháng 12/2008, con đường mới khởi công với giá phát sinh là 12 tỷ đồng, nhưng khi quyết toán lên đến gần 30 tỷ đồng. Lý do để hợp thức sự chậm trễ và đội giá có nhiều, tuy nhiên, đang có dư luận về một liên minh giữa chủ đầu tư với các nhà thầu, cũng như về một nhân vật của cả 7 gói thầu xây dựng, trong khi danh sách trúng thầu tới 3 doanh nghiệp (?).
Điều kỳ lạ là mặc dù một nhân vật chỉ huy công trình trước thi công quá chậm và gây thiệt hại ngân sách, nhưng đến gói thầu sau nhân vật này vẫn đại diện cho một đơn vị khác đấu thầu và lại… trúng thầu. Tất cả những hiện tượng này đều thể hiện trong các tài liệu thi công và nhật ký thi công công trình. Với những nghi vấn này, dư luận đã đặt ra vấn đề về chất lượng công trình, kéo theo những hệ lụy pháp lý mà Công ty Cảng sông TP. Hồ Chí Minh sẽ phải đối diện những ngày sắp tới.
Tranh chấp với Công ty TNHH Kho vận Việt Thăng Long
Do có quá ít các tàu vào bến xếp dỡ hàng hóa, Công ty Cảng sông TP. Hồ Chí Minh đã kêu gọi các doanh nghiệp hợp tác đầu tư kho bãi, khai thác quỹ đất. Ngày 22/4/2011, Công ty TNHH Kho vận Việt Thăng Long (Công ty Việt Thăng Long) ký Hợp đồng kinh tế số 17/11/HĐ với Công ty Cảng sông TP. Hồ Chí Minh thuê khoảng 50.000m2 mặt bằng tại Cảng Phú Định với đơn giá 20.000đ/m2 để xây dựng kho bãi chứa hàng hóa. Tại Điều 3.1 Hợp đồng quy định: Công ty Cảng sông TP. Hồ Chí Minh có trách nhiệm thi công hạ tầng hoàn chỉnh, bao gồm hệ thống đường đạt độ cao san lấp theo thiết kế, hệ thống phòng chữa cháy vòng ngoài, cấp thoát nước, điện… đảm bảo phục vụ khai thác kho bãi.
Tại Điều 4.2 quy định: Công ty Việt Thăng Long có trách nhiệm thanh toán tiền thuê mặt bằng đầy đủ và đúng thời hạn. Sau khi mới nhận bàn giao 13.000m2 mặt bằng, Công ty Việt Thăng Long đã chuyển trên 5 tỷ đồng tiền thuê đất cho Công ty Cảng sông TP. Hồ Chí Minh và đầu tư 28 tỷ đồng xây kho tại Cảng Phú Định. Tuy nhiên, theo Công ty Cảng sông TP. Hồ Chí Minh, đến ngày 30/3/2014, Công ty Việt Thăng Long đã nợ 1,8 tỷ đồng tiền thuê đất, là vi phạm Hợp đồng kinh tế. Ngày 25/3/2014, Công ty Cảng sông TP. Hồ Chí Minh đơn phương chấm dứt hợp đồng, cắt điện nước, đuổi toàn bộ nhân viên Công ty Việt Thăng Long ra khỏi khu vực Cảng. Ngược lại, Công ty Việt Thăng Long cho rằng, phía Công ty Cảng sông TP. Hồ Chí Minh không thực hiện đúng cam kết, hạ tầng Cảng không đảm bảo phục vụ khai thác kho bãi, mỗi khi triều cường lên nước ngập khu kho, môi trường ô nhiễm bởi mùi nước mắm và quá nhiều bụi. Vì thế Công ty Việt Thăng Long tạm ngừng trả tiền thuê đất, yêu cầu Công ty Cảng sông TP. Hồ Chí Minh tiếp tục khắc phục những vấn đề hạ tầng của Cảng.
Tại Cảng Phú Định, chúng tôi thấy hai đầu cầu cảng là 2 cơ sở nước mắm thuê đất làm kho, trong đó khu xếp dỡ lớn nhất nằm ngay trước cửa kho của Công ty Việt Thăng Long với mùi nước mắm nồng nặc khó chịu. Công ty Cảng sông TP. Hồ Chí Minh còn cho một số doanh nghiệp thuê bãi kinh doanh cát xây dựng, xe chở cát chạy suốt ngày đêm trên đường nội bộ trước và sau kho không tráng nhựa khiến bụi bay mù trời.
Với nghề kinh doanh kho, nếu môi trường ô nhiễm với mùi nước mắm và bụi bẩn, tất cả hàng hóa trong kho sẽ giảm chất lượng. Điều hết sức nghiêm trọng là, nước triều tràn vào kho và ngập đường vận chuyển, làm cho kho xây dựng xong không có khách đến thuê. Trước tình trạng này, Công ty Việt Thăng Long đề nghị Công ty Cảng sông tráng nhựa đường nội bộ để giảm bớt bụi, và nếu đồng ý thì sẽ cho Công ty Cảng sông TP. Hồ Chí Minh vay vốn. Mặc dù, Công ty Cảng sông đã trả lời đồng ý, nhưng lại đưa ra điều kiện tăng giá thuê đất lên gấp đôi, nên Công ty Việt Thăng Long không chấp nhận, bởi Hợp đồng vừa nêu quy định chỉ điều chỉnh giá thuê đất sau 5 năm.
Về đề nghị xử lý ô nhiễm do mùi nước mắm gây ra, Công ty Cảng sông TP. Hồ Chí Minh cho rằng, phía Công ty Việt Thăng Long phải làm việc với cơ sở nước mắm, trong khi chính Tổng giám đốc Công ty Cảng sông đã cho cơ sở này thuê đất, sau khi cho Công ty Việt Thăng Long thuê mặt bằng. Còn với chuyện kho và đường vào kho ngập nước, tại Văn bản 440/CV ngày 24/12/2013 của Công ty Cảng sông TP. Hồ Chí Minh do ông Trần Hòa Lan ký, thể hiện thái độ hài hước khi cho rằng “ngập nước là do triều cường bất khả kháng” và phải chấp nhận (!?).
Đạo đức kinh doanh và cơ sở pháp lý
Thứ nhất, nếu Công ty Cảng sông TP. Hồ Chí Minh đảm bảo điều kiện hạ tầng theo Hợp đồng kinh tế cho Công ty Việt Thăng Long hoạt động kinh doanh có hiệu quả, thì Công ty Việt Thăng Long mới có tiền trả tiền thuê đất cho Công ty Cảng sông TP. Hồ Chí Minh.
Thứ hai, mặc dù Hợp đồng kinh tế số 17/11/HĐ-KB có quy định điều khoản về chấm dứt hợp đồng, tuy nhiên việc chấm dứt hợp đồng phải tuân theo các quy định của pháp luật. Đơn phương chấm dứt hợp đồng, cắt điện nước, đuổi nhân viên, chiếm giữ tài sản là những hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại không chỉ cho Công ty Việt Thăng Long mà còn cho chính Công ty Cảng sông, bởi nếu ra Tòa án chắc chắn Công ty Cảng sông TP. Hồ Chí Minh sẽ phải đền bù thiệt hại cho phía bị thu giữ tài sản trái phép.
Thứ ba, theo quy định pháp luật, chỉ có Sở Tài nguyên Môi trường mới được cho thuê đất sau khi đã được UBND TP. Hồ Chí Minh cho phép. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, Công ty Cảng sông TP. Hồ Chí Minh không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả các cá nhân thuê đất xây nhà ở trên đất của Cảng.
Trước những diễn biến có dấu hiệu vi phạm cả về quy định pháp luật lẫn những tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh, tốt nhất là 2 doanh nghiệp sớm ngồi lại với nhau, thống nhất cách giải quyết mâu thuẫn để tiếp tục hợp tác kinh doanh có hiệu quả, phù hợp với các quy định pháp luật, góp phần thực hiện kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước của UBND TP. Hồ Chí Minh trên địa bàn.
Trúc Việt
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 13/12, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng đã ký văn bản về việc kiểm tra việc huy động vốn tại Dự án (DA) Khu dân cư và dịch vụ (KDC&DV) Cầu Hưng - Lai Nghi (giai đoạn 1), thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, do Công ty Cổ phần Đầu tư nông nghiệp Sài Gòn Thành Đạt (Cty Sài Gòn Thành Đạt) làm chủ đầu tư.
P. B
16:05 13/12/2024(Thanh tra) - Hôm nay (13/12), Bộ Công an phát động đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) trên phạm vi toàn quốc.
Trần Quý
15:58 13/12/2024Trần Quý
15:47 13/12/2024Trung Hà
15:36 13/12/2024Văn Thanh
15:18 13/12/2024Ngọc Giàu
13:51 13/12/2024Lê Hữu Chính
TC
Liên Hương
Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh