Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tại sao Telegram được coi là “vùng đất màu mỡ” của các hoạt động tội phạm?

Hoàng Nam

Chủ nhật, 15/09/2024 - 18:48

(Thanh tra) - Telegram là một ứng dụng nhắn tin mã hóa nổi tiếng với tính bảo mật cao, phương thức đăng ký, đăng nhập đơn giản nên ngày càng thu hút được đông đảo người sử dụng. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiều đối tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi phạm tội.

Các hội, nhóm có trên Telegram có thể có từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn thành viên. Ảnh: CMH

Nguy cơ đến từ tính năng bảo mật mạnh mẽ

Theo các chuyên gia an ninh mạng, một trong những nguy cơ lớn nhất trên ứng dụng, phần mềm Telegram là bị lợi dụng phục vụ cho các hình thức lừa đảo tài chính. Tính năng mã hóa và bảo mật cao của Telegram giúp bảo vệ thông tin cá nhân và cuộc trò chuyện của người dùng như: Với việc mã hóa end-to-end, sẽ chỉ có người gửi và người nhận mới có thể đọc được nội dung tin nhắn; các cuộc trò chuyện bí mật sử dụng mã hóa end-to-end và không được lưu trữ trên máy chủ của Telegram…

Những tính năng này khiến Telegram trở thành công cụ lý tưởng cho các giao dịch phi pháp thông qua việc phát tán virus, malware, ransomware hoặc các phần mềm độc hại gây hại cho thiết bị của người dùng, đánh cắp thông tin cá nhân hoặc khóa thiết bị để đòi tiền chuộc…

Ngoài ra, các hội, nhóm còn sử dụng nền tảng ứng dụng này để tổ chức các hoạt động, như: Mại dâm, ma túy, cờ bạc, tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy, mua bán dữ liệu cá nhân, lôi kéo, dẫn dụ đầu tư tài chính… mỗi nhóm có thể có từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn thành viên. Hệ thống điều phối hoạt động trên nhiều tỉnh thành, khi người dùng có nhu cầu, họ có thể trao đổi riêng và thỏa thuận với các đối tượng thông tin liên lạc, dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hệ lụy cho gia đình và xã hội.

Trong khi các ứng dụng như Facebook hay X (trước đây là Twitter) có các chính sách để vô hiệu hóa các tài khoản nhóm quảng bá hoạt động bất hợp pháp, nhưng Telegram thì lại không có.

Chính kết cấu đơn giản và tính năng bảo mật mạnh mẽ của Telegram đã tạo nên lựa chọn lý tưởng cho các nhóm tin tặc, đối tượng lừa đảo một “vùng đất màu mỡ” để thực hiện và quản lý các hoạt động bất hợp pháp.

Cảnh báo từ cơ quan chức năng

Theo Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, đơn vị này liên tục ghi nhận phản ánh của người dân về các cuộc gọi từ các số điện thoại lạ mời tham gia hội nhóm Telegram, Zalo để tư vấn đầu tư tài chính, tặng miễn phí tài liệu tham khảo… với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dùng.

Đây là hình thức lừa đảo đã diễn ra khá phổ biến trước đây, dù chiêu trò của các đối tượng không mới, nhưng ngày càng tinh vi, nếu người dùng không cảnh giác, rất có thể sẽ bị sập bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Các đối tượng lợi dụng tính năng tạo nhóm của các ứng dụng nhắn tin để dụ dỗ, lôi kéo người dùng tham gia vào các nhóm đầu tư tài chính, tiền ảo, hoặc các dự án hứa hẹn lợi nhuận cao. Những lời mời này thường đi kèm với các hình thức như tham gia sẽ có thưởng, giới thiệu bạn bè để nhận hoa hồng.

Nhiều hội nhóm trên mạng xã hội thường sử dụng những chiêu trò để tạo lòng tin như đưa ra bằng chứng giả về các thành công tài chính, tiền thưởng từ những người tham gia trước.

Bất kỳ lời mời tham gia đầu tư nào hứa hẹn lợi nhuận cao mà không có cơ sở pháp lý rõ ràng đều có thể là dấu hiệu của lừa đảo - Cục An toàn thông tin cảnh báo.

Đối với tình trạng trên, Cục An toàn thông tin đã liên tục đưa ra nhiều cảnh báo và khuyến cáo về các hoạt động lừa đảo trên mạng xã hội như Zalo, Telegram, khi người dùng bị kéo vào các nhóm đầu tư tài chính hoặc mời tham gia các chương trình có thưởng thông qua việc xây dựng Điểm tin hàng tuần với các tin tức về lừa đảo trực tuyến nổi bật.

VNCERT/CC cũng cập nhật các tin tức hàng ngày và thường xuyên đưa ra cảnh báo cũng như các khuyến cáo kịp thời trên kênh thông tin Cổng không gian mạng quốc gia.

Đồng thời, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên chủ động tìm hiểu, nâng cao kỹ năng, kiến thức để phòng tránh lừa đảo trực tuyến và các chiêu trò nêu trên, như: Cần cẩn trọng với những lời mời đầu tư không rõ ràng; khi muốn tham gia đầu tư tài chính, người dùng nên lựa chọn các sàn giao dịch uy tín, tuyệt đối không tham gia vào các hội nhóm được chào mời trên mạng xã hội;

Tuyệt đối tỉnh táo, không nên dễ dàng tin vào những lời mời tham gia vào các hội nhóm đầu tư, nhất là khi có những lời hứa hẹn về lợi nhuận khổng lồ trong thời gian ngắn; người dùng nên kiểm tra kỹ nguồn thông tin và chỉ tham gia các hoạt động đầu tư có sự giám sát của cơ quan chức năng và pháp luật; không chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc bất kỳ dữ liệu quan trọng nào cho các tổ chức hoặc cá nhân lạ; không truy cập các đường dẫn lạ hoặc tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc để tránh nguy cơ bị lộ lọt thông tin và chiếm đoạt tài sản;

Nếu chưa có kiến thức về việc đầu tư tài chính, người dùng cần tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc người thân quen có kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư để học hỏi, không nên sử dụng các dịch vụ trên mạng xã hội…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quảng Nam: Kiểm tra việc huy động vốn của chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Cầu Hưng - Lai Nghi

Quảng Nam: Kiểm tra việc huy động vốn của chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Cầu Hưng - Lai Nghi

(Thanh tra) - Ngày 13/12, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng đã ký văn bản về việc kiểm tra việc huy động vốn tại Dự án (DA) Khu dân cư và dịch vụ (KDC&DV) Cầu Hưng - Lai Nghi (giai đoạn 1), thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, do Công ty Cổ phần Đầu tư nông nghiệp Sài Gòn Thành Đạt (Cty Sài Gòn Thành Đạt) làm chủ đầu tư.

P. B

16:05 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm