Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiều biện pháp cụ thể để dẹp nạn “cát tặc”

Thứ hai, 16/07/2018 - 18:50

(Thanh tra) - Kể từ ngày 1/7, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề ra nhiều biện pháp cụ thể nhằm siết chặt việc quản lý khai thác cát, sỏi trên sông Vu Gia và Thu Bồn. Tuy nhiên, bên cạnh việc tuân thủ đúng quy định vẫn còn tình trạng doanh nghiệp (DN) chấp hành theo kiểu “qua loa chiếu lệ”....

Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Nam đã bắt và xử lý hàng chục ghe, thuyền hút cát lậu trên sông Thu Bồn. Ảnh: NP

Quảng Nam là địa phương có nguồn cát, sỏi khá dồi dào nhờ lợi thế nhiều dòng sông lớn từ thượng nguồn đổ về hạ lưu nên hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ở các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn kéo dài. Ngoài những thủ đoạn tinh vi của bọn “cát tặc”, còn có tình trạng bao che, tiếp tay của một bộ phận chức năng trong bộ máy Nhà nước và chủ DN được cấp phép.

Một số bến bãi không có giấy phép, hồ sơ môi trường, không nằm trong quy hoạch vẫn ngang nhiên hoạt động. Các đối tượng lợi dụng bến thủy nội địa và bãi tập kết để khai thác, tàng trữ cát, sỏi trái phép. Việc đăng ký, đăng kiểm, quản lý người và phương tiện vận tải trên sông nước còn nhiều hạn chế, bất cập...

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết, để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi tràn lan là do công tác quản lý Nhà nước còn bất cập. Tại nhiều địa phương, chính quyền cơ sở còn buông lỏng trách nhiệm, thiếu kiên quyết trong kiểm tra, xử lý và có biểu hiện dung túng, bao che cho hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân. Trong khi đó, việc khai thác trái phép cát, sỏi mang lại lợi nhuận cao nên nhiều đối tượng bất chấp pháp luật, ngang nhiên vi phạm... 

Lợi dụng trời mưa gió và đêm khuya nhiều ghe, thuyền hút cát trái phép. Ảnh: NP

Để lập lại trật tự trong việc khai thác cát, sỏi trên địa bàn, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề ra nhiều biện pháp tăng cường quản lý chặt chẽ kể từ ngày 1/7, như: Buộc các DN được cấp phép khai thác và tập kết cát, sỏi phải lắp đặt camera giám sát (có niêm phong, đảm bảo hoạt động ổn định, liên tục) tại vị trí mỏ khai thác và bãi tập kết để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát.

Các bến, bãi tập kết cát, sỏi phải nằm trong quy hoạch, có giấy phép hoạt động, hợp đồng thuê đất, hồ sơ bảo vệ môi trường.

Chỉ được lắp đặt hệ thống máy bơm, hút cát sỏi trên phao, bè và luôn neo đậu tại khu vực khai thác; tuyệt đối không lắp đặt hệ thống bơm, hút cát, sạn trên bất kỳ loại ghe, thuyền nào. Nếu vi phạm sẽ bị tịch thu phương tiện, máy móc và đình chỉ khai thác. Đồng thời, chủ các mỏ, bến, bãi phải thông báo bằng văn bản về tên, chủng loại, số hiệu, biển kiểm soát, công suất máy, mục đích sử dụng, chủ sở hữu thiết bị, phương tiện khai thác, vận chuyển khoáng sản, vị trí bãi tập kết...

Thời gian hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi chỉ diễn ra từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày (từ tháng 1 đến hết tháng 9) và từ 6 giờ đến 17 giờ hàng ngày (áp dụng từ tháng 10 đến hết tháng 12 Dương lịch hàng năm). Trong quá trình hoạt động có vi phạm thì các mỏ, bến, bãi vi phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động.

Nhiều bãi tập kết cát kiêm tiêu thụ cát lậu. Ảnh: NP

Đối với chính quyền địa phương và ngành chức năng có liên quan, UBND tỉnh yêu cầu phải kiểm tra, xử lý nghiêm hoạt động khai thác, vận chuyển, lập bến bãi mua bán cát, sỏi trái phép. Nếu để xảy ra sai phạm sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu địa phương, kể cả đến cấp thôn, xã.

Ngay trong nữa tháng đầu tiên thực hiện các quy định mới, UBND huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn đã có buổi gặp mặt các DN khai thác cát, sỏi trên địa bàn để triển khai thực hiện kế hoạch của tỉnh và lắng nghe ý kiến phản ánh của DN hoạt động trên lĩnh vực này.

Hầu hết các chủ DN đều thống nhất với biện pháp quản lý mới của UBND tỉnh đưa ra, đồng thời mong muốn chính quyền các cấp tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những bến, bãi hoạt động trái phép để tạo công bằng trong hoạt động kinh doanh giữa các DN.

Tuy vậy, vào ngày 5/7, khi chúng tôi vào khu vực mỏ cát lộ thiên Kiểm Lâm (xã Duy Hòa, Duy Xuyên) của Cty Phạm Thăng Long được chứng kiến chừng 5 - 6 xe tải và 2 xe múc đang lấy cát từ mỏ đưa về bãi tập kết rồi sau đó bán cho các xe vận chuyển đi tiêu thụ nơi khác.

Ông Phạm Thăng Long, Giám đốc Cty cho biết, DN đã có đầy đủ thủ tục như: Giấy phép khai thác, đánh giá tác động môi trường, camera... nên Cty hoạt động bình thường và xuất bán cát tại mỏ với giá 100 ngàn đồng/m3.

Dù chưa tuân thủ đúng quy định nhưng Cty Phạm Thăng Long vẫn khai thác và tiêu thụ cát rầm rộ. Ảnh: NP 

Ngày 13/7, ông Huỳnh Ngọc Bá - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cùng Đoàn Công tác của huyện đã đi kiểm tra thực tế tại hai bến bãi khai thác cát, sạn là Cty Tân Phước Yên và Cty Phạm Thăng Long trong việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam tại Công văn số 3219/UBND-KTN ngày 15/6/2018 về tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về khoáng sản.

Đoàn phát hiện tại mỏ khai thác cát của Cty Phạm Thăng Long lắp đặt hệ thống camera giám sát chưa đảm bảo theo quy định.

Theo quy định phải lắp đặt camera giám sát từ ngày 1/7, nếu không đảm bảo sẽ bị đình chỉ hoạt động. Song, đến ngày 12/7, Cty Phạm Thăng Long mới thực hiện lắp đặt camera giám sát tại mỏ nhưng mang hình thức đối phó cho có, vì dữ liệu lưu trữ không xem được.

Đoàn Kiểm tra đã lập biên bản và yêu cầu Cty nhanh chóng lắp đặt hệ thống camera mới, đồng thời tạm dừng mọi hoạt động khai thác, mua bán cát tại mỏ đến khi nào hệ thống camera đạt yêu cầu mới được phép hoạt động trở lại.

Trước đó, Công an tỉnh Quảng Nam và Công an huyện Duy Xuyên đã lập biên bản vi phạm đối với Cty Phạm Thăng Long về việc khai thác và tập kết cát trái phép.

Nói về việc giá cát xây dựng tăng lên mức 100 ngàn đồng xuất tại một số mỏ ở Quảng Nam gần đây, nhiều DN khai thác cát dưới lòng sông cho rằng, trong thời gian từ đầu tháng 7 đến nay họ phải tuân thủ đúng các quy định của tỉnh mới tiếp tục hoạt động trở lại; chỉ có những mỏ khai thác lộ thiên mới dám làm liều chứ không có tình trạng “găm hàng làm giá”. Sau khi đủ điều kiện hoạt động trở lại trong nay mai, giá cát sẽ được bình ổn và quay về mức xuất tại mỏ là 60 ngàn đồng/m3.

Được biết, Tỉnh ủy Quảng Nam đang có kế hoạch giám sát công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, trong đó tập trung vào việc khai thác cát, sỏi, đất đồi gò...

Ngọc Phó

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quảng Nam: Kiểm tra việc huy động vốn của chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Cầu Hưng - Lai Nghi

Quảng Nam: Kiểm tra việc huy động vốn của chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Cầu Hưng - Lai Nghi

(Thanh tra) - Ngày 13/12, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng đã ký văn bản về việc kiểm tra việc huy động vốn tại Dự án (DA) Khu dân cư và dịch vụ (KDC&DV) Cầu Hưng - Lai Nghi (giai đoạn 1), thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, do Công ty Cổ phần Đầu tư nông nghiệp Sài Gòn Thành Đạt (Cty Sài Gòn Thành Đạt) làm chủ đầu tư.

P. B

16:05 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm