Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ II: Đừng để nhà đầu tư thất vọng!

Thứ sáu, 05/08/2011 - 08:11

(Thanh tra)- Nhận thấy đối tác có các biểu hiện thiếu minh bạch, ngày 29/7/2010, Cty TNHH Chính xác An Thái (Cty An Thái) đã có công văn đề nghị Cty TNHH Thiết bị Khai khoáng và Xi măng GERMAN (Cty GERMAN) cùng xem xét, chuyển việc mua - bán giữa 2 bên từ hình thức cho thuê tài sản, đất đai (việc mà pháp luật không cho phép) thành việc chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất (việc mà pháp luật cho phép). Ngày 28/8/2010, Cty GERMAN mới chấp thuận gặp mặt, nhưng với lý do “chưa làm thủ tục quyết toán và ghi nhận giá trị công trình” nên từ chối việc chuyển nhượng tài sản (nhà điều hành, nhà xưởng) cho Cty An Thái.

Mua đất không xong, gần 5 năm nay, Cty An Thái vẫn phải thuê địa điểm sản xuất với giá gần 50.000 USD/năm

Tiến thoái lưỡng nan, nếu chính thức ký kết và thực hiện hợp đồng thuê nhà xưởng trong khi Cty GERMAN vẫn là chủ đất đai, chủ tài sản thì không có gì bảo đảm cho sự ổn định và an toàn trong thời gian thuê đất 44 năm. Bởi, trong trường hợp Cty GERMAN phá sản, giải thể, nội bộ mất đoàn kết, hoặc thủ đoạn cho thuê nhà xưởng trá hình của họ bị phát hiện và bị xử lý theo các quy định của pháp luật, thì thiệt thòi luôn thuộc về Cty An Thái. Mặt khác, nếu không tiếp tục thực hiện hợp đồng nguyên tắc đã ký kết, Cty An Thái sẽ đứng trước nguy cơ mất trắng 4 tỷ đồng tiền đặt cọc. Trước tình thế đó, Cty An Thái đã tham khảo ý kiến của rất nhiều chuyên gia pháp lý chuyên ngành và thấy rằng, quyết định dừng thực hiện Hợp đồng nguyên tắc về việc thuê nhà xưởng đã ký kết với Cty GERMAN là hoàn toàn đúng, bởi nội dung Hợp đồng nguyên tắc này trái với các quy định pháp luật về quản lý đất đai hiện hành, vì thế, bị vô hiệu ngay từ khi ký kết.

Từ tháng 10/2010, Cty An Thái liên tiếp có các công văn đề nghị Cty GERMAN cùng xem xét, chấm dứt việc thực hiện hợp đồng nguyên tắc đã ký kết, hoàn trả Cty An Thái số tiền đã đặt cọc, tránh những hậu quả không cần thiết cho cả 2 bên. Tuy nhiên, phía Cty GERMAN cho rằng, Cty An Thái đã chủ quan, áp đặt một phía, thiếu cơ sở pháp lý khi đề nghị như trên. Đồng thời, viện cớ phải tham vấn các cơ quan hữu quan nên chưa thể trả lời chính thức… nhằm trì hoãn, kéo dài thời gian thương thảo giữa 2 bên. Bởi vậy, Cty An Thái buộc phải nhờ đến sự can thiệp của Ban Quản lý các Khu công nghiệp - chế xuất (KCN-CX) TP Hà Nội.

Nhờ sự vào cuộc của Ban Quản lý, ngày 1/4/2011, lãnh đạo 2 Cty đã có cuộc gặp mặt và thể theo nguyện vọng của Cty An Thái, đại diện Cty GERMAN nhất trí “sẽ xem xét đến khả năng chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất”! Nhưng sau đó, với lý do “đang trong thời gian nhờ tư vấn thẩm định giá trị tài sản trên đất”, Cty GERMAN vẫn không chịu đưa ra phán quyết chính thức.

Tuy nhiên, trước phản ứng ngày càng quyết liệt của Cty An Thái, ngày 27/6/2011, qua điện thoại, đại diện Cty GERMAN đã đưa ra giá chuyển nhượng tài sản cuối cùng, nhưng lại “vọt” lên tới… 30 tỷ đồng để đẩy nhà đầu tư nước ngoài vào thế bí. Việc đưa ra cái giá có tính chất “đánh đố” của Cty GERMAN là hoàn toàn thiếu thiện chí, đẩy Cty An Thái vào thế cùng đường, bởi nỗ lực tìm mua đất không thành, tiền đặt cọc có nguy cơ mất trắng trong khi đang phải tạm thời đặt trụ sở làm việc và tổ chức sản xuất trong một nhà xưởng cũ kỹ vẻn vẹn chưa đầy 3.000m2 tại một khu đất khuất cuối thị trấn Đông Anh (Hà Nội) với giá thuê lên tới gần 50.000 USD/năm.

Nguyện vọng của Cty An Thái là mong muốn được các cơ quan chức năng xem xét, phân xử để lấy lại được số tiền đã đặt cọc cho Cty GERMAN và được thuê (mua), sử dụng ổn định, lâu dài một diện tích đất nhất định để đầu tư, mở rộng sản xuất.

Xin chuyển nguyện vọng chính đáng kể trên đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo TP Hà Nội chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai tại các KCN-CX nói chung, việc sử dụng đất tại KCN Quang Minh của Cty GERMAN nói riêng; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chế độ, chính sách khuyến khích đầu tư của Nhà nước và các “kẽ hở” của pháp luật để buôn bán đất đai, làm giàu bất chính.

Hợp đồng nguyên tắc đã ký là vô hiệu

                                                                                      Luật gia Trần Hà
 
Căn cứ nội dung đăng trên Báo Thanh tra và các tài liệu đang có trong tay, chúng tôi có thể khẳng định: Cả 2 Hợp đồng nguyên tắc về việc thuê nhà xưởng ký vào 2 ngày 12 và 28/6/2010 giữa Cty GERMAN và Cty An Thái là vô hiệu toàn bộ ngay từ khi ký kết vì các lý do sau đây:
          
1/ Cả 2 Hợp đồng được thiết lập và ký kết trên cơ sở Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số hiệu AD 93594, do Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cấp cho Cty Cổ phần Quan Đô (tiền thân của Cty GERMAN) ngày 20/8/2008. Tuy nhiên, vị trí văn phòng, nhà xưởng và khoảng 8.000m2 đất mà Cty GERMAN có dự kiến cho Cty An Thái thuê và đã bàn giao tại thực địa (nhưng Cty GERMAN vẫn quản lý, sử dụng) không thuộc GCNQSDĐ nói trên. Vì thế, 2 hợp đồng nguyên tắc không có cơ sở để thực hiện cả trên phương diện pháp lý và thực tiễn.
            
2/ Đa phần diện tích văn phòng, nhà xưởng, tường rào, đường giao thông nội bộ mà Cty GERMAN sẽ mang cho thuê được xây dựng hết sức tạm bợ, chỉ có tuổi thọ tối đa từ 10 - 15 năm, không thể tồn tại suốt 44 năm theo thời gian thỏa thuận giữa 2 bên tại các bản hợp đồng nguyên tắc đã ký kết.
            
3/ Toàn bộ văn phòng, nhà xưởng của Cty GERMAN chưa đủ các điều kiện để được phép mang cho thuê theo quy định của Ban Quản lý KCN-CX Hà Nội (tính đến thời điểm 2 bên ký hợp đồng nguyên tắc, chưa có các thủ tục bắt buộc về phòng cháy, chữa cháy, cấp thoát nước, bảo vệ môi trường…).
            
Giải pháp đúng để giải quyết trường hợp trên là 2 bên cần ngồi lại với nhau thương thảo, tháo gỡ vướng mắc trên cơ sở thực hiện đúng quy định tại điểm 2 Điều 137 Bộ luật Dân sự 2005: “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”. Cụ thể trong trường hợp này, chỉ cần 2 bên thỏa thuận chấm dứt thực hiện Hợp đồng nguyên tắc, Cty GERMAN trả lại Cty An Thái số tiền đã nhận đặt cọc là xong (vì đất đai, nhà xưởng vẫn do Cty GERMAN quản lý, sử dụng). Việc bồi thường không đặt ra vì chưa bên nào bị thiệt hại.   

   












































Hà Bắc
 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm