Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 19/04/2012 - 09:36
(Thanh tra)- Cũng trong đơn gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng, ông Lê Minh Hải đã khiếu nại và tố cáo: Bản án của TAND Tối cao quyết định: Buộc Cty Tamexco bồi thường cho Ngân hàng Fristvinabank 137 tỷ đồng; Phạm Huy Phước, Trần Lịnh và 13 Cty phải liên đới với Tamexco bồi thường số tiền trên. Nhưng chấp hành viên Vũ Duy Bội của Cục Thi hành án (THA) dân sự TP Hồ Chí Minh chỉ buộc một mình Cty Dolphin phải trả toàn bộ 137 tỷ đồng cho Fristvinabank, trong khi Tamexco còn thừa tiền và tài sản để THA, là không đúng quy định pháp luật.
Giám đốc Cty Dolphin ông Lê Minh Hải (ngồi trên, bên trái) trong cuộc họp liên danh đầu tư.
>> Kỳ 1: Những “thực trạng quan ngại” trước bản án
>> Kỳ 2: Khi Dolphin lập phương án để thi hành án
>> Kỳ 3: Người từng bị “tuyên án tử hình” trở về tố cáo
>> Kỳ 4: Số tiền 743 triệu đồng “THA” đi đâu?
>> Kỳ 5: Hàng chục ha đất của Công ty Dolphin “bị mất” như thế nào?
>> Kỳ 6: Số tiền 46 tỷ đồng của Công ty Dolphin “biến” đi đâu?
•Trách nhiệm của Cơ quan thi hành án ở đâu?
Trước vấn đề này, tại Biên bản làm việc với Đoàn kiểm tra liên ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chấp hành viên Vũ Duy Bội cho rằng, ông “không có văn bản nào buộc Lê Minh Hải phải THA, mà chỉ có giấy báo yêu cầu ông Hải - Giám đốc Cty Dolphin liên đới THA trả cho Ngân hàng Fristvinabank 137 tỷ đồng” theo quyết định của bản án. Chúng tôi cho rằng, trong vấn đề này trách nhiệm không hoàn toàn thuộc về chấp hành viên Vũ Duy Bội, mà còn liên quan đến bản chất của vụ việc theo bản án, cũng như trách nhiệm của Cơ quan THA nói chung.
Thực tế với khoản tiền vừa nêu, án sơ thẩm đã buộc “các bị cáo và bị đơn dân sự phải bồi thường cho Fristvinabank 137.439.500.000 đồng, phân định cụ thể như sau: Phạm Huy Phước bồi thường 4 tỷ đồng, Trần Lịnh bồi thường 2 tỷ đồng, Cty Tamexco bồi thường 131.439.500.000 đồng” (trang 61 án sơ thẩm). Đối với 13 doanh nghiệp liên quan bao gồm cả Cty Dolphin, tòa cấp sơ thẩm kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm xử lý hành chính. Do án sơ thẩm có kháng nghị, nên tại Bản án phúc thẩm số 379/HSPT ngày 31/3/1997, TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh đã tuyên “buộc Cty Tamexco bồi thường cho Ngân hàng Fristvinabank 137 tỷ đồng; Phạm Huy Phước, Trần Lịnh và 13 Cty TNHH: Tân Hoàn Mỹ, Thuận Hưng, Song Phụng, Dolphin, Phong Điền, Tiền Phong, Thạnh Phú, Vạn Linh, Hoàng Long, Tiến Long, Sao Mai Vũng Tàu, Bêta, Sao Mai TP Hồ Chí Minh phải liên đới với Tamexco bồi thường số tiền trên”. Bản án phúc thẩm theo quy định pháp luật là có hiệu lực ngay, nên 13 Cty vừa nêu hết quyền kháng cáo, cho dù án sơ thẩm không buộc các Cty này phải trả cho Fristvinabank số tiền 137 tỷ đồng, mà chỉ kiến nghị các cơ quan chức xử lý hành chính.
Do phần xác định trách nhiệm liên đới của các Cty không rõ, kéo theo các lô đất ở Vũng Tàu vốn là của Cty Dolphin chậm được đưa vào sử dụng, nên ngày 21/4/2009, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo văn bản: “Việc bồi thường thiệt hại phải trên nguyên tắc gây thiệt hại đến đâu thì bồi thường đến đó, không thể buộc một người phải bồi thường thiệt hại không do họ gây ra. Mỗi Cty bị quy ký hợp đồng khống gây thiệt hại 1 triệu USD cho Fristvinabank, thì họ chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi 1 triệu USD, chứ không phải là liên đới trách nhiệm trong toàn bộ thiệt hại 13 triệu USD tương đương 137 tỷ đồng”.
Để giải quyết vướng mắc và hạn chế tối đa những thiệt hại xảy ra, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ: 1/ Giao Bộ Tư pháp làm việc với TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao làm rõ quyết định của bản án, để có hướng dẫn các cơ quan tổ chức thực hiện, hoặc xem xét đính chính bỏ từ “liên đới” trong Bản án phúc thẩm của TAND Tối cao. 2/ Hoặc giao Bộ Tư pháp chỉ đạo Cục THA dân sự, có phương án phân chia việc thực hiện nghĩa vụ liên đới tổng số tiền 137 tỷ đồng, đối với các doanh nghiệp có liên quan, để thực hiện nghĩa vụ dân sự.
Sau khi nhận được văn bản từ phía Văn phòng Chính phủ, ngày 17/8/2009, Bộ Tư pháp đã có văn bản báo cáo: “Bản án phúc thẩm số 379/HSPT ngày 31/3/1997 TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh đã tuyên 13 doanh nghiệp (trong đó có Cty Dolphin) phải liên đới với Tamexco bồi thường cho Fristvinabank. Đến nay, bản án đã hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, nên không có căn cứ để tổ chức cuộc họp với TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao đính chính hoặc bỏ từ “liên đới” theo kiến nghị của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”. Mặt khác: “Do bản án tuyên trách nhiệm của 2 cá nhân (Phước, Lịnh) và 13 Cty có trách nhiệm liên đới cùng với Tamexco bồi thường cho Fristvinabank, nên không có căn cứ để phân chia nghĩa vụ cụ thể cho các cá nhân và các Cty để buộc họ phải thi hành được”.
Cũng theo báo cáo của Bộ Tư pháp: “THA dân sự TP Hồ Chí Minh đã tổ chức xác minh điều kiện THA của các Cty liên quan (nhưng hiện có Cty đang hoạt động và có Cty đã giải thể), nếu có điều kiện THA thì kịp thời kê biên, xử lý tài sản để bảo đảm THA đúng như bản án đã tuyên. Cục THA thuộc Bộ Tư pháp đã làm việc với ông Lê Minh Hải và Fristvinabank, yêu cầu các bên có thể cung cấp địa chỉ và thông tin để cơ quan THA có biện pháp tổ chức thi hành”.
Cần chỉ ra rằng, tại các trang 47 và 48 Bản án phúc thẩm đã nhận định: “Biết chắc Tamexco không còn khả năng chi trả và việc Fristvinabank cho vay là trái pháp luật, nên Phạm Huy Phước - Giám đốc Tamexco thống nhất với Trần Lịnh - Phó Giám đốc Fristvinabank dùng các hồ sơ đất đem thế chấp ngân hàng để đảo nợ và vay thêm tiền. Tiếp theo, Phước đại diện Tamexco ký các Hợp đồng liên doanh, bảo lãnh cho 13 Cty vừa nêu để họ trực tiếp ký hợp đồng tín dụng với Fristvinabank, mỗi đơn vị vay 1 triệu USD chuyển cho Tamexco góp vốn liên doanh. Thực tế, Fristvinabank không giao đồng nào cho 13 Cty này, nhưng đã thu lãi trước hơn 1,5 triệu USD, số còn lại gần 12,5 triệu USD tương đương 137 tỷ đồng đã cấn trừ nợ cũ”. Và, “13 Cty đã trực tiếp ký hợp đồng vay vốn dù dưới hình thức nào, về mặt pháp lý cũng có lỗi và phải chịu trách nhiệm thi hành nghĩa vụ của mình. Nhưng xét các Cty này không nhận đồng nào của Fristvinabank, nên cần buộc Tamexco và 13 doanh nghiệp cùng Phước và Lịnh phải liên đới trách nhiệm bồi thường cho Fristvinabank. Theo đó, Tamexco phải chịu trách nhiệm chính trong việc bồi thường, khi Tamexco không trả đủ số nợ trên cho Fristvinabank thì Phước, Lịnh cùng 13 doanh nghiệp đã nêu phải liên đới bồi thường tiếp số nợ ở Fristvinabank”.
Như vậy, trách nhiệm chính và trước hết đối với khoản nợ 137 tỷ đồng của Fristvinabank phải thuộc về Tamexco. Tại quyết định tuyên bố phá sản Tamexco ngày 31/3/1999, TAND TP Hồ Chí Minh quy định: “Toàn bộ giá trị tài sản còn lại của Tamexco sau khi THA cho các bản án về trách nhiệm dân sự của Tamexco được phân chia theo thứ tự ưu tiên quy định tại Điều 39 Luật Phá sản doanh nghiệp”. Điều đó đồng nghĩa, tài sản của Tamexco sau khi giải thể phải ưu tiên trả nợ cho các ngân hàng, trong đó có Fristvinabank. Và, với số tài sản còn tồn đọng của Tamexco như chúng tôi đã phản ánh, hoàn toàn có khả năng, thậm chí còn thừa để trả nợ. Tuy nhiên đến nay, chưa có một báo cáo chi tiết nào của các cơ quan chức năng về việc THA, không biết đơn vị nào được ủy quyền thu và trả nợ cho các chủ nợ đến đâu khi Tamexco giải thể. Chỉ biết chắc một điều, đã có những khoản thu bằng tiền mặt, cũng như việc tịch thu và phát mại tài sản, trị giá hàng chục tỷ đồng hiện vẫn nằm tại cơ quan THA.
Đối với 13 Cty “liên đới trách nhiệm” trước khoản nợ tương đương 137 tỷ đồng, hiện Cơ quan THA chưa buộc được doanh nghiệp nào trả nợ cho Fristvinabank trong phạm vi 1 triệu USD ký khống, ngoại trừ việc liên tiếp “có giấy báo yêu cầu ông Lê Minh Hải - Giám đốc Cty Dolphin liên đới THA trả cho Fristvinabank 137 tỷ đồng”, như chấp hành viên Vũ Duy Bội của Cục THA dân sự TP Hồ Chí Minh xác nhận.
Trúc Lâm
Kỳ cuối: Hội Luật gia từng “đề nghị chuyển vụ việc” tố cáo đến Bộ Công an
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 13/12, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng đã ký văn bản về việc kiểm tra việc huy động vốn tại Dự án (DA) Khu dân cư và dịch vụ (KDC&DV) Cầu Hưng - Lai Nghi (giai đoạn 1), thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, do Công ty Cổ phần Đầu tư nông nghiệp Sài Gòn Thành Đạt (Cty Sài Gòn Thành Đạt) làm chủ đầu tư.
P. B
16:05 13/12/2024(Thanh tra) - Hôm nay (13/12), Bộ Công an phát động đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) trên phạm vi toàn quốc.
Trần Quý
15:58 13/12/2024Trần Quý
15:47 13/12/2024Trung Hà
15:36 13/12/2024Văn Thanh
15:18 13/12/2024Ngọc Giàu
13:51 13/12/2024Lê Hữu Chính
TC
Liên Hương
Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền