Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đại án Vinashinlines: Quan lộ kỳ lạ của Giang Kim Đạt

Thứ bảy, 18/02/2017 - 12:30

Giang Kim Đạt công tác tại Vinashinlines trong thời gian ngắn, ngắt quãng nhưng đã kịp “bỏ túi” 250 tỷ đồng qua các tài khoản của bố mình. Tại tòa, cả hai bố con đều nhận đó là tiền của mình, nói rằng lời khai của người kia là sai.

Bị cáo Giang Văn Hiển.

Ngày 17/2, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án tham nhũng tại Cty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines). Theo cáo trạng, việc Giang Kim Đạt làm việc tại Vinashinlines gặp nhiều biến cố. Cụ thể, tháng 5/2006, Đạt được nhận vào làm tại Phòng khai thác 2 của Vinashinlines. Tháng 8 cùng năm, Đạt giữ chức Quyền trưởng phòng Kinh doanh và Quan hệ quốc tế. Tháng 10/2006, Đạt giữ chức Quyền trưởng phòng Kinh doanh nhưng đúng 1 năm sau bị chấm dứt hợp đồng. Tháng 4/2008, Vinashinlines nhận Đạt làm cố vấn cấp cao cho Tổng Giám đốc nhưng chỉ 9 ngày sau lại bị cắt hợp đồng. Tiếp đó, tháng 5/2008, Đạt được bổ nhiệm làm Quyền trưởng phòng Kinh doanh và lại bị chấm dứt hợp đồng lao động sau hơn 1 tháng công tác.

Giải thích việc này, Giang Kim Đạt khai trước khi vào Vinashinlines, Đạt làm việc cho một Cty chuyên môi giới về hàng hải. Sau khi gặp Trần Văn Liêm, Đạt được Liêm mời ra Hà Nội làm việc. “Thấy tôi nhanh nhẹn và có năng lực nên anh Liêm đã mời tôi ra ngoài Hà Nội giúp anh ấy. Tôi cắp cặp theo anh Liêm, không có bảo hiểm xã hội hay được bổ nhiệm gì. Khi làm Quyền trưởng phòng Kinh doanh tôi cũng không có chế độ lao động”, Đạt trả lời HĐXX.

Giang Kim Đạt còn nói thêm mình là người môi giới tự do, không thích bó buộc thời gian khi làm việc ở cơ quan Nhà nước nên tháng 10/2007, anh ta xin nghỉ việc. Tháng 4/2008, Liêm lại mời Đạt quay lại Cty để tham gia đàm phán việc tàu của Vinashinlines bị bắt giữ. Quyết định tuyển dụng đầu năm 2008 chỉ là để hợp thức hóa để Đạt có thể xuất ngoại, tham gia đàm phán. Sau đó, cũng vì giải quyết việc tàu của Vinashinlines bị bắt giữ, Đạt lại được tuyển dụng và chấm dứt hợp đồng nhưng không hề được hưởng bất kỳ chính sách nào của Cty.

Tiền công, không phải tiền tham nhũng?

Sau khi công bố cáo trạng, HĐXX yêu cầu cách ly các bị cáo để tiến hành xét hỏi riêng. Giang Kim Đạt khai toàn bộ gần 16 triệu USD mà đối tác nước ngoài gửi về các tài khoản của bố mình (tức Giang Văn Hiển) là tiền công do Đạt giúp họ. Đạt khai số tiền đó có nhiều mục, gồm tiền Đạt ứng trước cho các Cty thuê tàu để thanh toán việc kiểm dịch với hàng hóa là gạo, tiền thuê tàu… Ngoài ra, Đạt cho biết mình còn làm các dịch vụ hàng hải và dịch vụ thương mại tức là đi bán hàng giúp các đối tác thuê tàu của Vinashinlines hoặc cung ứng các dịch vụ như cẩu hàng, nước ngọt, dầu…

“Bị cáo ứng tiền trước hoặc làm dịch vụ cho họ (đối tác nước ngoài của Vinashinlines - PV), được việc thì họ phải trả. Tiền này gửi về tài khoản của bố bị cáo, bị cáo cho bố bị cáo” - Giang Kim Đạt nói. Đạt khai thêm: “Theo thông lệ quốc tế, lệ phí công ty môi giới được hưởng từ 1 - 5,75% tùy theo thỏa thuận giữa bên bán và môi giới. Việc trích lại hoa hồng, bị cáo hoàn toàn không báo cáo bị cáo Liêm… Bị cáo chuyển cho anh Liêm 150.000 USD, nói là môi giới được hưởng họ trích ra cho em, em cho anh. Theo bị cáo, anh Liêm có thể hiểu là lệ phí môi giới trích ra làm quà… Đó là tiền người ta cho bị cáo. Anh Liêm không quan tâm chuyện đó, không chỉ đạo bị cáo”.

Khi được hỏi về lời khai tại CQĐT thể hiện Đạt đưa tiền môi giới cho Liêm, bị cáo này nói lời khai đó là sai. “Điều tra viên nói anh Liêm đổ cho bị cáo mua tàu Hoa Sen (trong vụ án tàu Hoa Sen, Trần Văn Liêm nhận 19 năm tù, Giang Kim Đạt được đình chỉ điều tra - PV). Do áp lực nên bị cáo đổ hết cho anh Liêm. Nội dung trước đây tôi khai về anh Liêm không đúng, tôi xin lỗi anh Liêm” - Giang Kim Đạt trình bày.

Về câu hỏi việc Đạt làm cho các Cty nước ngoài có hợp đồng hay không? Đạt khẳng định có: “Bị cáo có hợp đồng môi giới hoặc dịch vụ với phía nước ngoài nhưng hiện giờ đã quá lâu chỉ các đối tác nước ngoài vẫn còn giữ… Trong giai đoạn điều tra, bị cáo có nói với điều tra viên nếu các anh sang đó lấy tài liệu thì sẽ thấy ngay những hợp đồng này”. Bị cáo Đạt cũng muốn HĐXX cho thu thập những tài liệu thể hiện mình làm việc giúp các Cty đó.

Tiền sạch, không phải rửa?

Giang Kim Đạt được dẫn giải tới tòa.

Ngược lại, bị cáo Giang Văn Hiển lại khai tiền gần 16 triệu USD các Cty nước ngoài gửi về là tiền của mình. Bị cáo này cho biết mình từng công tác trong ngành hàng hải, về hưu năm 2001 với mức lương 5 - 6 triệu/tháng, làm thêm môi giới bất động sản và hàng hải. Về thời điểm mở các tài khoản ngân hàng, bị cáo Hiển nói không nhớ nhưng khẳng định là để giao dịch với đối tác nước ngoài. Với số tiền gần 16 triệu USD nói trên, ông Hiển khẳng định đó là tiền họ gửi cho ông, không phải cho Đạt vì ông có công môi giới.

Giang Văn Hiển nói: “Con trai tôi mới ra trường, đi làm nó làm gì có đối tác nước ngoài. Nó về bảo tôi bố có quen đối tác thì giới thiệu cho con. Toàn bộ tiền đó là tiền phía đối tác trả công môi giới cho tôi, không liên quan đến con tôi… Toàn bộ 250 tỷ đó là tiền sạch từ Mỹ gửi về, Mỹ chống rửa tiền rất tốt. Về Việt Nam, tiền phải qua Ngân hàng Nhà nước, ở đó có Cục chống rửa tiền, có phần mềm chống rửa tiền nên tiền đó là tiền sạch… Thế nên tôi mới rút ra tiêu, mua bất động sản”. Tuy nhiên, khi thẩm phán đặt câu hỏi tại sao trong giai đoạn điều tra bị cáo lại thừa nhận đó là tiền của Đạt thì Giang Văn Hiển không nói rõ được. Thay vào đó, ông Hiển cho rằng mình bị huyết áp cao, di chứng của thủy lôi nên thần kinh không được ổn định. Đồng thời bị cáo này cũng xin thay đổi toàn bộ lời khai tại CQĐT.

Hôm nay (18/2), HĐXX sẽ tiếp tục xét hỏi các bị cáo.

Theo cáo trạng, từ năm 2006 đến 2008, Trần Văn Liêm - nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines đã chỉ đạo Giang Kim Đạt – nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines đàm phán với doanh nghiệp môi giới để mua 3 tàu vận tải biển, Trần Văn Khương - nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines có trách nhiệm làm thủ tục thanh toán, chuyển tiền cho các bên. Qua việc này, cả ba chiếm đoạt hơn 11,4 tỷ đồng. Ngoài ra, Đạt còn gửi giá và hợp đồng của Vinashinlines cho đối tác thuê 9 tàu biển, chiếm đoạt gần 250 tỷ đồng. Nhằm hợp thức số tiền trên, bố đẻ của Đạt là Giang Văn Hiển đã lập 22 tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau, nhận qua đó gần 16 triệu USD.


Theo Xuân Ân/Tiền Phong

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Không nên tin lời mời đầu tư lợi nhuận khủng, sau vụ TikToker lừa đảo hơn 5.200 tỷ đồng

Không nên tin lời mời đầu tư lợi nhuận khủng, sau vụ TikToker lừa đảo hơn 5.200 tỷ đồng

(Thanh tra) - Ngày 12/12, Công an quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) vừa phát đi thông tin khuyến cáo người dân không nên tin lời mời đầu tư lợi nhuận khủng, sau vụ Phó Đức Nam (còn gọi TikToker Mr Pips, 30 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu) lừa đảo hơn 5.200 tỷ đồng khiến hàng nghìn người dân bị mất trắng tài sản.

TK

13:56 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm