Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Công đoàn Tổng Cty Bưu chính Việt Nam mời luật sư vào cuộc

Thứ năm, 21/04/2011 - 05:08

(Thanh tra)- Thanh tra online có bài “ Cty Cổ phần Chuyển phát nhanh Bưu điện (CPCPN): Tổng Giám đốc (TGĐ) tham nhũng, trù dập người lao động?”, phản ánh những sai phạm liên quan đến hoạt động quản lý, thu, chi và sa thải người lao động (NLĐ) của bà Đặng Thị Bích Hòa, TGĐ Cty.

Sau khi phát hành, đường dây nóng Báo Thanh tra tiếp tục nhận được điện thoại của ông Trần Xuân Quý phản ánh việc bị bà Hòa cách chức Phó TGĐ, họp khai trừ khỏi Đảng, cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn Cty CPCPN.

Chúng tôi đã tiến hành xác minh những nội dung trên và tìm hiểu thêm việc bà Hòa sa thải 12 NLĐ của Cty. Trong buổi làm việc tại Tổng Cty Bưu chính Việt Nam (gọi tắt là Tổng Cty), ông Trần Văn Dinh, Chủ tịch Công đoàn cho biết: Sự việc bắt đầu từ ngày 5/11/2010, đến nay, Công đoàn Tổng Cty đã có 25 văn bản chỉ đạo Công đoàn Cty CPCPN tập trung giải quyết đơn kiến nghị của NLĐ theo thẩm quyền; chủ động gặp gỡ, nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng của cán bộ, công nhân viên, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng và giải thích động viên họ bình tĩnh, tập trung sản xuất trong thời gian chờ kết quả giải quyết đơn của các cơ quan có thẩm quyền.

Ngày 8/12/2010, Công đoàn Tổng Cty có Văn bản số 517/CĐBC đề nghị  bà Hòa gặp và làm việc để tìm ra hướng giải quyết các vấn đề liên quan đến đơn kiến nghị của NLĐ, nhưng bà Hòa không trả lời. Ngày 15/12/2010, Công đoàn Tổng Cty tiếp tục có Văn bản số 539/CĐBC đề nghị gặp và làm việc với TGĐ Cty CPCPN, nhưng bà Hòa lại có Công văn số 2657/CV-CPN với nội dung: Công đoàn không có trách nhiệm làm những việc này, họ sẽ đưa nhau ra tòa án lao động. Hiện nay đang bận, để hết tháng cao điểm sẽ làm việc sau.

Ông Dinh cho biết, đến nay, chúng tôi vẫn không thể làm việc với bà Hòa theo chỉ đạo của Công đoàn cấp trên (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông) là đi theo hướng hòa giải. Chúng tôi đã chỉ đạo Công đoàn Cty CPCPN, nhưng không thể ép được vì họ phải theo sự chỉ đạo của bà Hòa. Lúc đầu, 84 người làm đơn kiến nghị, về sau đã phải rút một loạt, bây giờ chỉ còn 12 người ký đơn và họ đều bị sa thải. Chúng tôi chỉ quan tâm đến hòa giải chứ không quan tâm đến những kiến nghị sai phạm về tham ô, tham nhũng, mua sắm xe cộ… vì sẽ có cấp thẩm quyền giải quyết. Hiện nay, 12 người này đã kiện bà Hòa ra tòa về tranh chấp lao động. Điều đáng nói là, TGĐ chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ mà không có biên bản họp xét kỷ luật. Sau đó, rút lại bằng cách ra văn bản hủy bỏ tất cả thông báo và quyết định kỷ luật trước đó, rồi lại tiếp tục kỷ luật. Chúng tôi khó vào được Cty CPCPN để tìm hiểu có lập hay không lập biên bản kỷ luật này. Chúng tôi đã mời Cty Luật TNHH InvestPro & Hoàng Giao (Cty Luật Hoàng Giao) tiến hành nghiên cứu tư vấn đánh giá một cách khách quan tình hình thực tế và đề xuất phương thức tiến hành hòa giải nhưng không thành.

Trong buổi làm việc tại Tổng Cty với mong muốn tìm hiểu thêm việc bà Hòa họp, đồng thời gửi công văn tới Đảng ủy Tổng Cty khai trừ ông Quý ra khỏi Đảng và một số vấn đề liên quan, nhưng chúng tôi đã không được cung cấp thông tin với nhiều lý do.

Tại Cty Luật Hoàng Giao, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Mai Hùng Thịnh - người đã theo dõi vụ việc ngay từ đầu.    
   
+ Hội nghị Ban Thường vụ của Công đoàn Cty CPCPN họp, sau đó đề nghị lên Công đoàn cấp trên ra quyết định cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn Cty đối với ông Trần Xuân Quý. Ông đánh giá sự việc trên như thế nào? 

 - Tôi xin khẳng định, việc này vi phạm về mặt trình tự, thủ tục theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về xử lý kỷ luật cán bộ Công đoàn.
      
Điểm 26.6 Hướng dẫn số 703/HD-TLĐ ngày 6/5/2009 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam quy định về việc xem xét kỷ luật và chấp hành kỷ luật đối với tổ chức Công đoàn, cán bộ, đoàn viên Công đoàn: “Xem xét quyết định kỷ luật hoặc đề nghị kỷ luật phải thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trường hợp bỏ phiếu nếu không đủ trên 50% (theo tổng số phiếu thu về) số phiếu tán thành kỷ luật hoặc hình thức kỷ luật thì phải báo cáo đầy đủ kết quả bỏ phiếu lên Công đoàn cấp trên để xem xét quyết định”.
    
Tuy nhiên, việc đề xuất kỷ luật đối với ông Trần Xuân Quý được quyết định tại Hội nghị Ban Thường vụ Công đoàn Cty CPCPN họp ngày 17/11/2010 bằng hình thức “hội nghị truyền hình trực tuyến tại 3 đầu cầu Hà Nội - TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng”. Cách thức bỏ phiếu tại hội nghị trực tuyến (nếu có) cũng không thể được coi là “bỏ phiếu kín” theo quy định của pháp luật. Đây là sự vi phạm quy định về thủ tục bỏ phiếu khi xem xét quyết định kỷ luật hoặc đề nghị kỷ luật.
         
+ Theo ông, bà Hòa, TGĐ Cty CPCPN có tuân thủ đúng với quy trình thủ tục theo quy định của Bộ luật Lao động (BLLĐ) và các văn bản hướng dẫn thi hành khi cách chức, sa thải NLĐ hay không?
 
- Ngay từ khi nhận được đơn kiến nghị, TGĐ đã vi phạm pháp luật khi không tiếp nhận và xem xét kiến nghị của NLĐ về các vấn đề thuộc quan hệ lao động được nêu trong đơn kiến nghị. Việc TGĐ không trả lời khiến tâm lý NLĐ (bao gồm cả những người viết đơn và những người không viết đơn) mất niềm tin vào sự lãnh đạo của TGĐ trong tương lai. Điều này ảnh hưởng bất lợi đến hiệu quả, uy tín lãnh đạo của TGĐ trong doanh nghiệp. Sau khi có đơn kiến nghị của NLĐ, TGĐ lại đề nghị công an vào Cty để tìm hiểu tình hình - là biểu hiện của hành vi “hình sự hóa” vụ việc lao động. Điều này, nhìn từ góc độ pháp lý và xã hội là rất khó được chấp nhận, đồng tình.
       
Để xử lý kỷ luật NLĐ, cần tuân thủ đầy đủ các quy định về trình tự thủ tục ban hành quyết định như: Có biên bản chứng minh vi phạm của NLĐ, phải thành lập hội đồng kỷ luật NLĐ, phải tham khảo ý kiến của ban chấp hành Công đoàn cơ sở, phải có mặt NLĐ trong cuộc họp xem xét kỷ luật NLĐ.... Còn, để đình chỉ công việc của NLĐ, phải tham khảo ý kiến của ban chấp hành Công đoàn cơ sở... Nếu các quyết định kỷ luật NLĐ được ban hành mà bỏ qua bất kỳ một trong những thủ tục nêu trên thì đều bị coi là văn bản ban hành trái pháp luật, phải bị bãi bỏ.

+ Ông đánh giá như thế nào về tính pháp lý trong quyết định của TGĐ Cty CPCPN về “bãi miễn” chức vụ và “đình chỉ” công tác đối với NLĐ?
 
- Tôi xin đơn cử trường hợp bị cách chức và sa thải ông Trần Xuân Quý, nguyên Phó Tổng Giám đốc Cty CPCPN. Tại Quyết định sa thải số 279/QĐ-CPN nêu rõ mức độ phạm lỗi của ông Trần Xuân Quý là: Soạn thảo đơn kiến nghị sai sự thật để lừa dối những NLĐ lâu năm, tâm huyết với ngành và một số NLĐ khác. Tổ chức họp kín với các nhóm lao động khác để bàn biện pháp khiếu kiện sai quy định. Có hành vi tiết lộ bí mật công nghệ kinh doanh, gây thiệt hại nghiêm trọng về uy tín, danh dự, tài sản lợi ích của Cty. Căn cứ hành vi vi phạm quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 85 BLLĐ.  
         
Đối chiếu với thực tế đã diễn ra ở Cty CPCPN, việc viết đơn, nội dung đơn và trình tự thực hiện kiến nghị là quyền của NLĐ. Hơn nữa, theo thông tin chúng tôi được cung cấp thì cho tới thời điểm này chưa có cơ quan có thẩm quyền nào kết luận việc kiến nghị của NLĐ là hành vi vi phạm pháp luật (tố cáo sai sự thật, làm lộ bí mật kinh doanh của Cty…) nên nếu ra quyết định sa thải NLĐ vì những nội dung họ đã kiến nghị là chưa có cơ sở pháp lý.
       T
ôi khẳng định rằng: Trong BLLĐ, Luật Doanh nghiệp cũng như các văn bản liên quan khác hiện nay không có các quy định liệt kê cụ thể những dấu hiệu của hành vi “tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh”, vì trong mỗi ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp có những thông tin thuộc diện bí mật công nghệ, kinh doanh khác nhau...

Đối chiếu với nội dung và trình tự gửi đơn kiến nghị của NLĐ ở Cty CPCPN, với những tài liệu và nội dung chúng tôi đã được cung cấp, tính đến thời điểm này chưa đủ căn cứ pháp lý để coi những thông tin được nêu trong “đơn kiến nghị” của NLĐ là “thông tin bí mật công nghệ, kinh doanh của Cty CPCPN”. Nghĩa là, hành vi viết và gửi đơn kiến nghị của NLĐ trong vụ việc này chưa thể bị coi là “tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh” của Cty CPCPN.

+ Ông có thể nói rõ hơn về một số lưu ý (có tính nguyên tắc) khi xử lý kỷ luật NLĐ nói chung (trong đó bao gồm cả sa thải)?

- “Không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động” (khoản 2, Điều 84 BLLĐ).

“Sau khi sa thải NLĐ, người sử dụng lao động phải báo cho cơ quan quản lý Nhà nước về lao động tỉnh, TP trực thuộc T.Ư biết” (khoản 2, Điều 85 BLLĐ).

“Khi tiến hành việc xử lý vi phạm kỷ luật lao động, người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của NLĐ” (khoản 1, Điều 87 BLLĐ).

“NLĐ có quyền tự bào chữa hoặc nhờ luật sư, bào chữa viên nhân dân hoặc người khác bào chữa” (khoản 2, Điều 87 BLLĐ).

“Khi xem xét xử lý kỷ luật lao động phải có mặt đương sự và phải có sự tham gia của đại diện ban chấp hành Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp” (khoản 3, Điều 87 BLLĐ).

“Việc xem xét xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản” (khoản 4, Điều 87 BLLĐ).

Qua xác minh, những hành vi của TGĐ Cty CPCPN Đặng Thị Bích Hòa dễ dàng được hiểu là nhằm mục đích vùi dập tiếng nói của NLĐ. Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông và Tổng Cty Bưu chính, Công đoàn các cấp, các cơ quan có thẩm quyền khác sớm vào cuộc làm rõ, tránh tình trạng khiếu kiện phức tạp, kéo dài.
 
Được biết, vụ việc sẽ được xét xử sơ thẩm tại TAND huyện Từ Liêm, Hà Nội trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi có những tình tiết mới.

                                                                Tố Hoa - Chu Tuấn

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Họp báo cưỡng chế Dự án Trường Tiểu học và THCS của Cty Tây Đô

Họp báo cưỡng chế Dự án Trường Tiểu học và THCS của Cty Tây Đô

(Thanh tra) - Chiều ngày 11/12, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa tổ chức họp báo thông tin về việc cưỡng chế thi hành án đối với Công ty TNHH Tây Đô (Cty Tây Đô) có địa chỉ ở số 49 Hạc Thành, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa. Cty Tây Đô là chủ đầu tư dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hóa tại Khu đô thị mới Đông Hương, TP Thanh Hóa.

Trần Lê

20:21 11/12/2024
Cao Bằng: Khởi tố một phụ nữ vì nhổ 25 cây ngô

Cao Bằng: Khởi tố một phụ nữ vì nhổ 25 cây ngô

(Thanh tra) - Cho rằng người khác trồng ngô chặn lối mòn mình thường đi, người phụ nữ 55 tuổi ở Cao Bằng đã dùng tay nhổ 25 cây ngô và bị khởi tố về tội “Huỷ hoại tài sản”.

Trung Hà

15:34 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm