Trong Giấy trả nợ ngày 22/4/2010 thể hiện ông Phong, bà Tâm đã thanh toán 250 triệu đồng tiền vay cho ông Thành bà Phượng, có chữ ký nhận tiền của bên cho vay, tuy nhiên bên vay lại tự viết thêm vào một dòng còn để trống trong Giấy trả nợ với nội dung đã trả nợ 4 tỷ đồng, trong khi bên cho vay chưa hề nhận được 4 tỷ đồng, việc làm này hòng khước từ thực hiện nghĩa vụ trả nợ, nói một cách khác là để nhằm chiếm đoạt 4 tỷ đồng tiền nợ đáng ra phải trả nốt.Hơn nữa, theo Kết luật giám định số 1795/C54-P5 ngày 2/8/2010 của Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an gửi Tòa án nhân dân TP Thái Nguyên thì: Chữ “sáng” dòng 1 tính từ trên xuống và các chữ “Chiều 22/4/2010 , chị Phượng nhận thêm của Tâm Phong 4.000.000 đồng (bốn tỷ đồng)” là chữ viết thêm. Từ những tình tiết nêu trên có thể khẳng định: Đã đủ cơ sở xác định dấu hiệu tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và hoàn toàn có thể khởi tố vụ án hình sự.Trong trường hợp này, khách thể của tội phạm là quan hệ sở hữu đã bị xâm phạm; chủ thể (bên vay) có đủ năng lực trách nhiệm hình sự; mặt chủ quan của tội phạm là lỗi cố ý trực tiếp; mặt khách quan của tội phạm rất rõ ràng: Sau khi nhận được tiền trên cơ sở hợp đồng vay, bên vay dùng thủ đoạn gian dối là viết thêm vào Giấy trả nợ để chiếm đoạt 4 tỷ đồng một cách ngay thẳng, hợp pháp (có chữ ký nhận tiền của bên cho vay ký trước đó ở phía dưới).Đối chiếu với quy định của điểm a, khoản 4, Điều 140, Bộ luật Hình sự năm 1999 thì bên vay đã phạm vào tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 ở các khoản: Khoản 2, Điều 100 về căn cứ khởi tố vụ án hình sự; khoản 2, Điều 103 về thời hạn khởi tố; khoản 1, Điều 104 về việc ra quyết định khởi tố; khoản 4, Điều 110 về thẩm quyền điều tra thì: Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tin báo của Báo Thanh tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Hai kết luận giám định của Viện Khoa học Hình sự Bộ công an có mâu thuẫn?Khi tiếp nhận hồ sơ từ Tòa án nhân dân TP Thái Nguyên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên đã trưng cầu giám định bổ sung về tuổi mực trong Giấy trả nợ bị “nghi” là viết thêm. Theo Kết luận bổ sung số 2232/C54-P5 của Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an ngày 22/11/2010 mà Công an tỉnh Thái Nguyên viện dẫn thì loại mực trên Giấy trả nợ là một và không xác định được thời điểm viết và ký trên Giấy trả nợ.Kết luận này liệu có mâu thuẫn với kết luận có chữ viết thêm vào Giấy trả nợ cũng của Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an?Tôi và các luật sư Cty Luật MTON Việt Nam thực tế đã được tiếp cận với nhiều tài liệu nước ngoài và một số ít tài liệu trong nước về kỹ thuật giám định chữ viết, tuổi mực, vân tay, gien… để giải thích câu hỏi có phần mâu thuẫn trên, tôi xin đưa ra nhận định như sau:Theo logic, việc giám định tuổi mực cũng giống như giám định dấu vân tay, cụ thể là: Đối với giám định dấu vân tay, trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng sinh hoạt bình thường, thời gian phân hủy vào khoảng từ 12 - 48 tiếng. Quá thời gian này việc giám định dấu vân tay gần như không chính xác, thậm chí là không thu thập được.Đối với giám định tuổi mực, người ta thường dựa vào một vài tham số như: Độ PH của mực trên bề mặt văn bản, tốc độ “lão hóa” của mực khi tiếp xúc với mặt văn bản và với không khí và sử dụng quang phổ để đo đỉnh các bước sóng… các giám định viên sẽ khuếch đại chữ, chiếu sáng từ phía sau văn bản, đo bước sóng, dùng dung dịch axit, amoniac để kiểm chứng phản ứng hóa học gồm màu sắc, nồng độ, tốc độ phản ứng của mực… Theo tôi được biết, các dòng máy của Đức hay Hoa Kỳ cho độ chính xác rất cao nhưng cũng nằm trong vòng 30 - 90 ngày để kiểm chứng việc nét mực viết thêm hay viết cùng thời điểm. Khả năng xác định tuổi mực tỷ lệ nghịch với thời gian, tức là để càng lâu khả năng xác định tuổi mực sẽ hạn chế, thậm chí là không thể. Để xác định được có phải là chữ viết thêm hay không, ngoài căn cứ vào tuổi mực người ta còn so sánh chữ viết đó với mẫu chữ trước về khoảng cách, màu sắc, đường nét, độ liên tục, độ đậm nhạt… trên kính hiển vi hoặc qua công cụ phát quang, hợp chất hóa học.Quay lại vụ việc trên, có 3 thời điểm chính là thời điểm viết ra giấy, thời điểm giám định lần đầu và thời điểm giám định bổ sung. Ta thử tính toán sơ bộ cho 3 lần như sau:Thời điểm viết giấy trong khoảng từ ngày 22/3/2010 - 25/5/2010; gọi là điểm O.Thời điểm giám định lần đầu vào khoảng trước ngày 2/8/2010 (ngày đưa ra kết luận) từ 1 - 2 ngày, gọi là điểm A.Thời điểm giám định bổ sung lần 2 vào khoảng trước ngày 22/11/2010 (ngày đưa ra kết luận 2) từ 1 - 2 ngày, gọi là điểm B. Rõ ràng thời gian từ O đến A bằng một nửa so với thời gian từ O đến B, điều đó cho thấy ở điểm A tuổi mực có thể xác định được còn ở thời điểm B tuổi mực chưa chắc đã xác định được.Từ đó có thể hiểu rằng: Hai kết luận của Viện Khoa học Hình sự không mâu thuẫn, trong đó kết luận lần đầu (Kết luận số 1795/C54-P5) ở thời điểm A có độ tin cậy cao hơn.Phân tích như vậy vẫn để khẳng định: Dấu hiệu tội phạm là rõ ràng và cần có quyết định khởi tố vụ án. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên không nên căn cứ vào Kết luận giám định bổ sung số 2232/C54-P5 hay ý kiến của Viện Kiểm sát để chậm ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.Năng lực của cán bộ điều tra còn yếu kém hay có gì ẩn khuất đằng sau?Trong Công văn trả lời Báo Thanh tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên số 239/PC45 ngày 23/3/2011 ở đoạn cuối có ghi: “Ngày 10/2/2011 Viện KSND tỉnh Thái Nguyên có Công văn số 32 trả lời: Với các tài liệu có trong hồ sơ vụ việc Phạm Thanh Phong và Lã Thị Tâm về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thấy chưa có đủ căn cứ để khởi tố điều tra bắt tạm giam Phạm Thanh Phong và Lã Thị Tâm về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Cơ quan điều tra tiếp tục xác minh nếu có căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của Phạm Thanh Phong và Lã Thị Tâm hai bên sẽ thống nhất hướng xử lý tiếp theo”.Trong lịch sử tố tụng ở Việt Nam, tôi chưa từng nghe nói đến Cơ quan CSĐT và Viện Kiểm sát lại “thống nhất xử lý” một cách công khai như trong Công văn số 239/PC45 đã nêu. Nếu vậy thì tính độc lập của hai cơ quan này không còn nữa.Tôi lấy làm quan ngại về cách làm việc này của Cơ quan CSĐT tỉnh Thái Nguyên. Nếu ở đâu cũng làm như vậy thì chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát đối với Cơ quan CSĐT liệu có còn nữa không? Năng lực của cán bộ điều tra còn yếu kém hay có gì ẩn khuất đằng sau?Trong vụ việc này nếu Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên không tập trung điều tra xử lý dứt điểm sẽ dẫn đến khiếu kiện kéo dài, tính nghiêm minh của pháp luật giảm sút. Nếu chậm trễ hoặc không quyết liệt sẽ để lọt tội phạm, kỷ cương không được giữ gìn.Tôi xin lưu ý, dấu hiệu của tội phạm khác hoàn toàn với tội phạm, vì vậy việc khởi tố vụ án (nếu có) chỉ là bước khởi đầu để cơ quan điều tra “mở hồ sơ vụ án” điều tra làm rõ chứ chưa phải là kết luận buộc tội một ai đó. Mong rằng sớm có quyết định đúng đắn từ phía Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên.