Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chuyện ghi ở Trung tâm cai nghiện ma túy

Thứ năm, 18/07/2013 - 08:43

(Thanh tra)- Xót xa, nuối tiếc, đắng cay và ân hận... Đó là tâm trạng của nhiều học viên (HV) 06 đang cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội Hòa Bình (gọi tắt là Trung tâm). Trong ánh mắt của họ đau đáu hy vọng làm lại được cuộc đời, sự nghiệp mình đã trót đánh rơi…

Các HV được học nghề đan rọ tôm... Ảnh: Hồng Bài

Gặp HV 06 Nguyễn Thị Phương Hoa, 33 tuổi, quê Hà Nội, đang tưới rau, nét mặt đượm buồn. Biết tôi từ Hà Nội lên công tác, Hoa mỉm cười chào: "Đồng hương à! Hà Nội có mưa nhiều không anh. Ở đây chiều nào cũng mưa…", Phương Hoa khẽ thở dài, mắt ngấn lệ. "Thành thật, em không nghĩ đời em lại đến nông nỗi này. Nhiều đêm em nằm mơ như thấy mình đang trên sàn đấu, khua chân, múa tay đấm huỳnh huỵch vào đứa bạn nằm bên. Tỉnh lại, em ôm mặt khóc suốt đêm", Phương Hoa nghẹn lời.

Nhìn Phương Hoa, nếu không được bà Quách Bằng Kiều, Giám đốc Trung tâm giới thiệu trước thì không thể biết được cô là người Hà Thành và càng không thể nghĩ rằng cô từng là một vận động viên võ thuật, môn karate trong Đội tuyển Quốc gia, đã đoạt Huy chương Vàng toàn quốc năm 1997 và tham gia thi đấu ở nhiều giải đấu quốc tế. Một lần về thăm nhà, bạn bè cùng phố gọi Hoa đi chơi và đây là lần đi chơi "định mệnh" phá tan sự nghiệp vinh quang của nữ vận động viên karate đang độ tuổi sung sức.

Phương Hoa kể lại: Tối hôm đó trời se lạnh, sau khi đi một vòng trên phố, cả tốp bạn ngồi túm tụm dưới gốc cây sấu trong một ngõ hẻm. Mấy đứa con trai chụm đầu quanh một tờ giấy bạc, một đứa bật lửa hơ phía dưới, làn khói nhỏ bay lên, tỏa ra mùi thơm quyến rũ. Hoa được các bạn cho ngửi thử. Sau lần đó, vì bận luyện tập và đi thi đấu nhiều nên Hoa ít về thăm nhà. Năm 2000, khi vào Đội tuyển Quốc gia, Hoa thường xuyên về nhà và cũng thường xuyên được các bạn trong phố gọi đi chơi rồi cho "ngửi thử" khói lạ. Đến năm 2003 thì Hoa bị nghiện ma túy. ....và làm đồ mỹ nghệ. Ảnh: Hồng Bài

Khi biết mình bị nghiện, Hoa đã "cáo ốm", xin cơ quan nghỉ việc ở nhà 1 tuần. "Em buồn, khóc cả ngày. Khi lên cơn nghiện em phải tìm cớ để xin tiền bố mẹ mua thuốc. Bố mẹ không có tiền, em gọi điện cho bạn xin thuốc. Mỗi lần lên cơn là vật vã, lăn lộn, thấy vật gì trong nhà em cũng đập, phá”, Hoa ngậm ngùi nhớ lại.

Tháng 5/2008, Phương Hoa nhờ bố đưa lên Trung tâm Cai nghiện ma túy Hòa Bình.

Tháng 8/2008, cắt cơn nghiện, Hoa chia tay Trung tâm trở về Hà Nội.

Nhìn Hoa béo khỏe, cứng cáp hơn trước ai cũng mừng. Nhưng, niềm vui "ngắn chẳng tày gang". Biết Phương Hoa đã đi cai về, số bạn nghiện lại đến rủ rê và lại "tặng" Hoa “làn khói trắng". Phương Hoa tái nghiện.

Tháng 11/2008, Hoa xin trở lại Trung tâm cai nghiện tự nguyện. Cô khoe: "Ở đây em học được nghề làm chổi chít, đan rọ tôm, biết trồng rau. Em còn tham gia trong đội văn nghệ của Trung tâm đi giao lưu với các đơn vị, địa phương trên địa bàn. Vui lắm".

Hỏi về tương lai sau này, Phương Hoa nói: “Em chỉ mong đừng tái nghiện nữa là hạnh phúc lắm rồi".

HV Trần Thị Ngọc (quận Đống Đa, TP Hà Nội), năm nay tròn 25 tuổi. Ngọc đã 3 lần vào Trung tâm xin cai nghiện tự nguyện.

Ngọc kể lại: Năm 2006, Ngọc học hết cấp 2 và được tuyển vào Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia - môn đua xe đạp. Cuối năm 2006, Ngọc tham gia Đội tuyển Trẻ (lứa tuổi 16 - 17) giải Đua Xe đạp Toàn quốc tại TP Hồ Chí Minh. Tại giải này, Ngọc đoạt Huy chương Đồng môn đường trường. Thật khó để tả hết được niềm vui của Ngọc khi lên nhận huy chương. Từ đó, Ngọc lao vào luyện tập chuẩn bị cho mùa giải năm sau.

"Hôm ấy, em cùng mấy bạn đi dự sinh nhật bạn là người cùng phường. Lúc tan lễ, mấy đứa ngồi túm tụm ngoài góc sân, hí húi chụm đầu thi nhau ngửi một mảnh giấy bạc. Thấy lạ, em cũng hít thử. Chẳng thấy mùi vị gì nhưng hít xong thấy người cứ lâng lâng khó tả lắm" - Ngọc nói mà nước mắt chảy dài trên má. Thế rồi cái cảm giác "lâng lâng khó tả" ấy đã kéo Ngọc đến với ma túy. Từ hít thử đến hít thật. Từ một ngày "hít" 1 lần rồi tăng lên 2, 3 lần. Biết mình đã bị nghiện ma túy, Ngọc xin thôi tập ở nhà tự cai nghiện.

Ma túy đã "kéo" Ngọc xuống dốc không phanh. Tất cả ước mơ, hy vọng, khát khao trên đường đua đã biến thành mây khói. Tự cai ở nhà không gặp bạn, không nghe mùi thuốc, Ngọc thấy trong người không bứt rứt, nhưng mỗi lần lên cửa hàng hoa với mẹ, gặp lại bạn "hít", Ngọc không thể làm chủ được mình và lại "hít".

Tháng 6/2009, bố mẹ Ngọc xin cho Ngọc vào Trung tâm cai nghiện tự nguyện.

Hết thời gian 3 tháng chữa trị, Ngọc cắt cơn. Tiếc rằng, khi về nhà bị bạn bè lôi kéo Ngọc tái nghiện.

Ngọc lại xin vào Trung tâm cai nghiện... Lần này là lần thứ 3 Ngọc vào Trung tâm. Ngọc nói: "Cai thì không khó nhưng không bị tái nghiện sau cai nghiện mới khó". Trần Thị Ngọc đang chăm sóc vườn rau ở Trung tâm. Ảnh: Hồng Bài

Khi chia tay chúng tôi, Trần Thị Ngọc bày tỏ: "Có lẽ em xin ở lâu dài trong Trung tâm thì mới tránh được tái nghiện. Về nhà khó tránh lắm".

Khác với 2 nữ vận động viên Trần Thị Ngọc và Nguyễn Thị Phương Hoa, HV 06 Phạm Quốc Anh, lại có hoàn cảnh khác. Là con út trong gia đình 6 anh chị em nên Anh được bố mẹ lo cho ăn học đến nơi đến chốn.

Năm 1997, Quốc Anh tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình và về dạy ở trường THCS ở quê. Quốc Anh tâm sự: "Hồi còn học ở trường sư phạm, em đã hút, hít, chích ma túy vài lần. Khi về quê dạy học thì em bắt đầu nghiện nặng".

Quốc Anh cho biết, ở trường có 2 giáo viên cũng nghiện ma túy. Họ lập thành “bộ ba”, tự ra quy ước: Buổi sáng ai có tiền thì đi mua thuốc đem về phòng cùng "chích". Một liều thuốc 15.000 - 20.000 đồng, đến tháng lương "bổ" đầu thanh toán. Lúc hết tiền thì cắm xe máy, cắm quạt máy. Bí nữa thì về "chôm" đồ của bố mẹ đi bán.

Tôi hỏi: Có lần nào đang giảng bài trên lớp mà lên cơn nghiện không? Quốc Anh cười, nói: Nhiều lần. Lúc đó không còn cách nào khác là cho học sinh làm bài kiểm tra hoặc tự ôn tập để đi mua thuốc.

Cuối năm 1999, Quốc Anh tự nguyện xin cai nghiện ở Trung tâm Cai nghiện Xuân Khanh, Ba Vì. Tuy nhiên, đến đầu năm 2000, Quốc Anh bị thôi việc, từ đó lao vào con đường nghiện ngập.

Nghiện thường song hành với trộm cắp, lừa đảo. Tháng 2/2000, Quốc Anh bị bắt và đưa vào Trung tâm Cai nghiện Hòa Bình.

Gần 500 con người ở Trung tâm, mỗi người một hoàn cảnh, một mảnh đời… Anh Bùi Văn Tuấn, công tác tại Trung tâm từ năm 1996 cho biết: Tỷ lệ HV không công ăn việc làm, sống buông thả chiếm trên 80%. Số HV là con nhà có điều kiện kinh tế khá giả, HV là cán bộ kiểm lâm, công an, thuế, điện lực, giáo viên và là giám đốc doanh nghiệp đều có. Nhiều HV vào, ra lại vào Trung tâm như “đi chợ”.

Rất nhiều HV khi vào Trung tâm thấy ân hận, đắng cay, nhưng để "vĩnh biệt" được với ma túy là cả một cuộc đấu tranh quyết liệt, cam go lắm. Cuộc đấu tranh đó đòi hỏi mỗi HV phải có ý chí, nghị lực phi thường mới làm lại được cuộc đời.

* (Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)

Hồng Bài

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quảng Nam: Kiểm tra việc huy động vốn của chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Cầu Hưng - Lai Nghi

Quảng Nam: Kiểm tra việc huy động vốn của chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Cầu Hưng - Lai Nghi

(Thanh tra) - Ngày 13/12, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng đã ký văn bản về việc kiểm tra việc huy động vốn tại Dự án (DA) Khu dân cư và dịch vụ (KDC&DV) Cầu Hưng - Lai Nghi (giai đoạn 1), thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, do Công ty Cổ phần Đầu tư nông nghiệp Sài Gòn Thành Đạt (Cty Sài Gòn Thành Đạt) làm chủ đầu tư.

P. B

16:05 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm