Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chuyện cổ phần và cổ phiếu

Thứ hai, 26/09/2011 - 09:31

(Thanh tra0 - Hợp đồng vay vốn giữa các bên được thế chấp bằng cổ phiếu. Hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên xử phát mãi cổ phiếu để một bên thu hồi vốn. Chuyện đơn giản là vậy, nhưng từ năm 2010 đến nay, cơ quan thi hành án (THA) không thể thực thi bản án. Một lý do duy nhất: Trên thực tế của các bên tranh chấp không ai có cổ phiếu…

Cổ phiếu và cổ phần…

Đó là câu chuyện từ Hợp đồng vay vốn 01-2007 ngày 21/9/2007 giữa Công ty CP trồng rừng Trường Thành (TTPJSC), số 35 đường Quang Trung, phường Thống Nhất, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh ĐakLak cho Công ty Tân Phát, 41 Lý Thường Kiệt, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh ĐakLak vay số tiền 24,5 tỷ đồng, thời hạn vay 36 tháng, lãi suất 13,2%/năm trả hàng năm, lãi suất quá hạn 150% so với lãi suất trong hạn. Theo nội dung hợp đồng, tiền vay được đảm bảo bằng 2.450.000 cổ phiếu do TTPJSC phát hành cho Công ty Tân Phát. Từ đây, khái niệm cổ phiếu, cổ phần bị lẫn lộn và việc xử lý từ các cấp Tòa cho đến THA đều rối như canh hẹ! Bởi nếu căn cứ theo Điều 8.5.1 tại Điều lệ của TTPJSC “hình thức cổ phiếu công ty sẽ phát hành gồm các loại: Cổ phiếu mệnh giá 100 cổ phần; 1.000 cổ phần; 10.000 cổ phần; 100.000 cổ phần”, trên thực tế, nếu sau này TTPJSC phát hành cổ phiếu, thì Công ty Tân Phát sẽ có số cổ phiếu trị giá là 19.680, 1.968, 196,8 cổ phần. Điều này cũng cho thấy rõ, cổ phần tại TTPJSC và cổ phiếu của TTPJSC nếu có phát hành thì hoàn toàn không giống nhau.

Ngày 10/12/2007 Công ty CP Trường Thành nhận chuyển nhượng của  Công ty Tân Phát 532.000 cổ phần (giá 18 ngàn đồng/cổ phần), thành tiền là 9,576 tỷ đồng, Công ty CP Trường Thành chuyển trả cho TTPJSC cấn trừ một phần số tiền Công ty Tân Phát vay theo hợp đồng 01-2007. Như vậy, Công ty Tân Phát còn sở hữu 1.968.000 cổ phần. Hợp đồng vay vốn này sau đó có tranh chấp và các bên đã kiện nhau ra tòa.

Sự lẫn lộn này còn thể hiện qua các bản án. Bản án 44/2010/KDTM-ST ngày 27/5/2010 của TAND tỉnh ĐakLak tuyên buộc: Công ty Tân Phát thanh toán cho TTPJSC số tiền vay là 19,180 tỷ đồng và lãi gộp trên số vay 24,5 tỷ đồng. Tòa cũng tuyên, xử lý 1.968.000 cổ phiếu, mệnh giá 10 ngàn đồng/cổ phiếu của Công ty Tân Phát để THA. Ngay Tòa cũng nhầm các cổ phần là cổ phiếu, và đương nhiên giá trị của cổ phần và cổ phiếu hoàn toàn khác nhau!

Bản án 46/2010/KDTM-PT ngày 21/9/2010 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng, tuyên giảm bớt gần 3 tỷ đồng tiền lãi gộp. Nhưng Tòa phúc thẩm cũng lại tuyên TTPJSC có quyền yêu cầu THA xử lý tài sản thế chấp là 1.968.000 cổ phiếu do TTPJSC phát hành cho Công ty Tân Phát đứng tên để thu hồi nợ!

Thi hành…

Từ sự lẫn lộn, ngày 26/10/2010 Cục THA dân sự (THADS) tỉnh ĐakLak có Quyết định 54/QĐ-THA THA theo yêu cầu của TTPJSC, nhưng bản án không thể thực thi được, bởi đến thời điểm THA, TTPJSC chưa bao giờ phát hành cổ phiếu cho Công ty Tân Phát.

Ngày 23/5/2011, Cục THADS ĐakLak có Công văn 1622/CTHADS-NV&TCTHADS gửi Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng cho biết, đã mời nhiều lần, nhiều đơn vị thẩm định như Công ty CP thông tin và thẩm định giá miền Nam, Công ty CP Thông tin và Thẩm định giá Tây Nam bộ, Công ty CP Thông tin và Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam - Chi nhánh miền Trung và Tây Nguyên, Sở Tài chính ĐakLak, Phòng dịch vụ Marketing thuộc Ngân hàng NN và PTNN Việt Nam Chi nhánh ĐakLak… để tham khảo giá của tài sản kê biên là 1.968.000 cổ phiếu (!).

Tại buổi làm việc này, đại diện các cơ quan chuyên môn được mời cũng không đưa ra được giá, cũng như cơ sở để xác định giá đối với số cổ phiếu nói trên, vì cổ phiếu chưa được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán; do đó Chấp hành viên không xác định được giá đối với số cổ phiếu đã kê biên…

Căn cứ điểm d, Khoản 1, Điều 23, Khoản 2 Điều 79 Luật THA dân sự năm 2008, Cục THADS đề nghị Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng giải thích Bản án 46/2010/KDTM-PT ngày 21/9/2010. Ngày 17/6/2011 Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng có Công văn 932/CV-TPT do Thẩm phán Hồ Ngọc Bích giải thích: “… số cổ phiếu có dạng như thế nào, điều này Công ty Trường Thành và Công ty Tân Phát là người biết rõ, Cục THA yêu cầu bên đang quản lý số cổ phiếu cung cấp sẽ rõ…”.

Thế nhưng, ngày 28/6/2011, Cục THADS ĐakLak có Quyết định 540/QĐ-CTHADS bổ sung quyết định THA theo đề nghị của Chấp hành viên. Theo đó qui mỗi cổ phiếu (lẽ ra là cổ phần) có mệnh giá 10 ngàn đồng để thu hồi nợ. Điều này cho thấy sự mâu thuẫn về định giá tại Công văn  1622/CTHADS-NV&TCTHADS ngày 23/5/2011 và Công văn 540/QĐ-CTHADS ngày 28/6/2011, đều cùng do Cục THADS ĐakLak ban hành. Điều gì đã làm cho cơ quan THA ban hành 2 văn bản mâu thuẫn nhau như vậy?

Tuy nhiên, ngày 07/7/2011, Cục THADS ĐakLak lại có Thông báo 1951/CTHADS-CHV gửi cho ông Phạm Hoài Nam; theo đó, sẽ xử lý số cổ phiếu của Công ty Tân Phát theo mệnh giá 10 ngàn đồng/cổ phiếu. Điều này không biết căn cứ vào đâu?

Ngày 29/8/2011, Chấp hành viên Vũ Văn Minh tiếp tục có Thông báo 2396/CTHADS-CHV gửi cho ông Phạm Hoài Nam, yêu cầu ông Nam trong vòng 5 ngày giao nộp giấy tờ có giá (sổ cổ đông) cho cơ quan THA để xử lý, giải quyết theo quy định của pháp luật. Quá thời hạn này, chấp hành viên yêu cầu Chủ tịch HĐQT TTPJSC hủy bỏ sổ cổ đông của Công ty Tân Phát, và chuyển giao giá trị của sổ cổ đông này cho Cục THADS ĐakLak để THA theo quy định của pháp luật.

… Hay sửa án?

Theo Luật sư Nguyễn Đình Kim, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, tại Công văn 2396, chấp hành viên Vũ Văn Minh yêu cầu ông Phạm Hoài Nam nộp giấy tờ có giá (sổ cổ đông) là trái tinh thần Bản án 46/2010/KDTM-PT ngày 21/9/2010 của Tòa phúc thẩm, và trái với Công văn giải thích án số 932/CV-TPT ngày 17/6/2011 của thẩm phán Hồ Ngọc Bích - TAND Tối cao tại Đà Nẵng (Bản án tuyên là thu hồi cổ phiếu thì lại thu hồi sổ cổ đông, nhưng lại cho là giấy tờ có giá; giải thích án bảo cổ phiếu có dạng nào thì hỏi hai công ty này sẽ rõ, thì Chấp hành viên lại không hỏi). Hơn nữa, theo định nghĩa của Uỷ ban Chứng khoán Nhà Nước, thì sổ cổ đông không thuộc diện giấy tờ có giá như Chấp hành viên đã nói tại Công văn 2396. 

Trở lại với Luật THA dân sự, về những điều Chấp hành viên không được làm theo quy định tại Điều 21, có các nội dung như tại Điểm 2: Tư vấn cho đương sự, những người có quyền lợi liên quan dẫn đến THA trái pháp luật. Điểm 3: Can thiệp trái pháp luật vào vụ việc THA, hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người THA. Điểm 8: Cố ý thi hành trái nội dung bản án, quyết định… Việc Chấp hành viên yêu cầu Chủ tịch HĐQT TTPJSC hủy bỏ sổ cổ đông của  Công ty Tân Phát và chuyển giao giá trị của giấy tờ có giá (sổ cổ đông) là một lần nữa, Chấp hành viên lại nhầm lẫn giữa giấy tờ có giá và giá trị giấy tờ có giá là một. Điều này là trái với quy định pháp luật về THA.

Theo luật sư Nguyễn Đình Kim, từ những nhầm lẫn khiến sự việc rối thêm và không thể xử lý tận gốc vấn đề. Trong trường hợp này, khi kê biên tài sản, lẽ ra phải tuân thủ Điều 88, 89 là xác định lại tài sản kê biên theo Luật THA. Mặt khác, theo Điều 23 của Luật THA dân sự, lẽ ra Cục THADS ĐakLak cần có kiến nghị Giám đốc thẩm bản án, làm rõ giá trị cổ phần, cổ phiếu, hoặc mời hai đơn vị lại cùng thỏa thuận định giá lại 1.968.000 cổ phần theo điều lệ Công ty. Nếu được vậy, mọi việc sẽ ổn thỏa và tốt đẹp hơn nhiều, bởi cả hai DN đều có lợi; cơ quan Nhà nước không tốn nhiều thời gian để giải quyết tranh chấp không đáng phải xảy ra. Pháp luật lại được thực thi một cách nghiêm túc.

Nhã Trân

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quảng Nam: Kiểm tra việc huy động vốn của chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Cầu Hưng - Lai Nghi

Quảng Nam: Kiểm tra việc huy động vốn của chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Cầu Hưng - Lai Nghi

(Thanh tra) - Ngày 13/12, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng đã ký văn bản về việc kiểm tra việc huy động vốn tại Dự án (DA) Khu dân cư và dịch vụ (KDC&DV) Cầu Hưng - Lai Nghi (giai đoạn 1), thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, do Công ty Cổ phần Đầu tư nông nghiệp Sài Gòn Thành Đạt (Cty Sài Gòn Thành Đạt) làm chủ đầu tư.

P. B

16:05 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm