Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cảnh giác trước giao dịch mua khẩu trang ảo mất tiền thật

Thứ năm, 20/02/2020 - 21:55

(Thanh tra) - Nhiều phi vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với giá trị lớn lên đến vài trăm triệu đồng thông qua hình thức giao bán khẩu trang y tế đã bị lực lượng Công an điều tra làm rõ, khuyến cáo tới người tiêu dùng cảnh giác trước các giao dịch qua mạng.

Đối tượng Lê Thị Liên bị bắt giữ khi lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn từ việc lừa bán khẩu trang y tế (Ảnh: CSĐT)

Mua hàng ảo mất tiền thật

Vừa qua, Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Thị Liên (SN 1992, trú tại xã Thọ Tân, huyện Triệu Sơn) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tại Cơ quan Cảnh sát điều tra, đối tượng khai nhận đã lập tài khoản Facebook mang tên "Vy Lê" có địa chỉ ở TP Đà Nẵng và đưa nội dung thông tin hiện đang có một số lượng lớn khẩu trang y tế cần bán. Ai cần mua bao nhiêu cũng có thể đáp ứng được.

Ngày 8/2, chị L.T.M. (trú tại phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa) đã liên lạc với Liên để hỏi mua khẩu trang.

Sau khi thống nhất giá cả và số lượng mua trong các ngày từ ngày 8 - 11/2, chị M. đã 4 lần chuyển tiền vào các tài khoản của Lê Thị Liên với tổng số tiền là 566.600.000 đồng để mua 600 thùng khẩu trang y tế.

Tuy nhiên, tiền đã chuyển nhưng chờ mãi không thấy hàng gửi về chị M. mới biết mình bị Liên lừa nên đã đến cơ quan công an trình báo…

Cùng với thủ đoạn trên, Liên còn lừa đảo chiếm đoạt của một người dân ở TP Đà Nẵng và tỉnh Cao Bằng tổng số tiền 38,8 triệu đồng.

Với thủ đoạn tương tự, thông qua mạng xã hội để tham gia vào những hội nhóm chuyên mua bán lẻ khẩu trang y tế, Nguyễn Văn Bắc (SN 1989, trú tại thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) thấy nhu cầu về khẩu trang phòng dịch Covid-19 rất lớn, đối tượng này đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Qua mạng xã hội, Bắc kết bạn với chị N.T.H.T. (ở Cầu Giấy, Hà Nội). Thấy chị T. đăng tin thu mua khẩu trang y tế nên Bắc đã nhắn tin qua Facebook cho chị T. để trao đổi việc mua bán.

Để tạo lòng tin về việc mua bán khẩu trang, đối tượng Bắc đã gom và bán cho chị T. này một số thùng khẩu trang với giá phải chăng. Việc giao dịch mua bán khẩu trang cả hai chuyển tiền, thanh toán qua tài khoản ngân hàng.

Vào tối ngày 8/2, sau khi đánh bạc hết tiền, Bắc suy nghĩ cách làm sao có được tiền để nướng vào trò đỏ đen trên mạng. Dù không có khẩu trang để bán tiếp nhưng đối tượng vẫn nói với chị T. là còn nhiều hàng.

Bắc sử dụng tài khoản trên Zalo để liên lạc với chị T. dụ bán 4 thùng với giá 12 triệu đồng/thùng. Tin tưởng như mọi lần, chị T. đã chuyển cho Bắc qua tài khoản số tiền 48 triệu đồng.

Ngay sau khi nhận được, đối tượng chuyển toàn bộ số tiền này mua tiền ảo trên mạng để đánh bạc tài xỉu, xóc đĩa qua các trang web đánh bạc trực tuyến.

Chưa dừng lại, Bắc liên tiếp nhắn tin về việc gom và chuyển số lượng lớn khẩu trang cho chị T. Qua tài khoản ngân hàng, nạn nhân lần lượt chuyển thêm qua tài khoản của Bắc số tiền lần lượt là 37, 62, 84 triệu đồng…

Thấy việc lừa đảo “ngon ăn”, Bắc tiếp tục nói với chị T. ở đầu Thường Tín có 10 thùng khẩu trang đang cần bán. Bắc yêu cầu chị T. chuyển tiếp 120 triệu đồng cho mình để giao hàng luôn trong đêm.

Quá tin tưởng Bắc, chị T.  đã chuyển số tiền này cho đối tượng và 90 triệu trong số đó tiếp tục được Bắc nướng vào chiếu bạc trực tuyến. Đối tượng di chuyển qua nhiều điểm để rút tiền và chi tiêu cá nhân. Tổng số tiền đối tượng chiếm đoạt của chị T. qua phi vụ mua bán khẩu trang ảo lên đến 352 triệu đồng!

Cảnh giác trước các giao dịch không an toàn trên mạng

Theo Công an TP Hà Nội, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế của người dân ngày càng gia tăng, một số đối tượng đã lợi dụng tình hình này rao bán khẩu trang y tế trên mạng xã hội (Facebook, Zalo…) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Khi có người đặt mua khẩu trang, các đối tượng sẽ yêu cầu người mua chuyển khoản trước tiền hàng. Người mua sẽ không nhận được hàng hoặc khi nhận được chỉ là mấy chiếc khẩu trang vải.

Qua các vụ án nói trên, Công an TP Hà Nội khuyến cáo khi người dân, chủ cơ sở mua hàng khẩu trang cần kiểm tra kỹ thông tin các tài khoản, lựa chọn địa chỉ uy tín, có công khai thông tin danh tính người bán rõ ràng, hình thức thanh toán minh bạch.

Nếu thấy thông tin không rõ ràng, mập mờ thì không thực hiện giao dịch. Hạn chế việc chuyển tiền trước để đặt cọc mua hàng mà không rõ thông tin về người bán. Đối với hàng hóa có giá trị cao, nên trực tiếp kiểm tra hàng trước khi đồng ý mua.

Nếu không may là nạn nhân của các vụ lừa đảo, người dân nên đến cơ quan công an để trình báo sự việc.

Trường hợp người dân mua hàng nên lựa chọn các cơ sở, cửa hàng được cấp phép, có uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Nếu mua hàng online cần cảnh giác, tỉnh táo trước các thông tin chiêu trò mời mọc mua bán khẩu trang trên mạng; tránh bị kẻ xấu lợi dụng chiếm đoạt tài sản.

Q.Đông

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quảng Nam: Kiểm tra việc huy động vốn của chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Cầu Hưng - Lai Nghi

Quảng Nam: Kiểm tra việc huy động vốn của chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Cầu Hưng - Lai Nghi

(Thanh tra) - Ngày 13/12, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng đã ký văn bản về việc kiểm tra việc huy động vốn tại Dự án (DA) Khu dân cư và dịch vụ (KDC&DV) Cầu Hưng - Lai Nghi (giai đoạn 1), thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, do Công ty Cổ phần Đầu tư nông nghiệp Sài Gòn Thành Đạt (Cty Sài Gòn Thành Đạt) làm chủ đầu tư.

P. B

16:05 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm