Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 21/04/2012 - 15:04
(Thanh tra) - Thời gian gần đây, trên địa bàn TP Hà Nội cùng một số tỉnh, thành trong cả nước liên tục xảy ra tình trạng người vi phạm giao thông khi bị xử phạt đã manh động chống trả quyết liệt lực lượng chức năng. Số vụ án thuộc nhóm tội danh này ngày một tăng, tính chất nguy hiểm vụ sau cao hơn vụ trước, khiến dư luận xã hội không khỏi bức xúc.
Ảnh minh họa: Khi vi phạm giao thông, "tuyệt chiêu võ mồm" được tận dụng triệt để
Cán bộ Nhà nước cũng chống người thi hành công vụ
Chưa lúc nào tình trạng chống người thi hành công vụ lại đáng báo động như trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực xử lý vi phạm giao thông.
Các đối tượng vi phạm khi bị xử lý không từ một thủ đoạn nào để tẩu thoát. Ngay cả trong tình huống đơn giản nhất những đối tượng mạnh động sẵn sàng dùng “hàng nóng”, “hàng lạnh” để chống người thi hành công vụ. Thậm chí, lao thẳng phương tiện vào lực lượng chức năng bất chấp nguy hiểm đến tính mạng của người thực thi công vụ.
Đơn cử như sự việc gây chấn động dư luận những ngày vừa qua là hình ảnh video clip ghi lại vào ngày 9/4/2012, chiếc xe khách loại 39 chỗ ngồi, biển kiểm soát 29B - 023.04 do tài xế Phùng Hồng Phương (37 tuổi, trú tại huyện Ba Vì, TP Hà Nội) vi phạm Luật Giao thông đường bộ nên đã bị cảnh sát giao thông (CSGT) ra hiệu lệnh dừng xe.
Không những không dừng xe Phương còn lái xe lao thẳng vào lực lượng CSGT, khiến Trung úy Nguyễn Mạnh Phan buộc phải nhảy lên bám vào cần gạt nước để tránh cú đâm trực diện. Chưa dừng lại, Phương tiếp tục nhấn ga tăng tốc cho xe chạy suốt quãng đường hơn 1km trong tình trạng trung úy Phan “đánh đu” trên cần gạt nước.
Trước đó, trên địa bàn TP Hà Nội, cũng đã có một số tài xế xem thường pháp luật hất tung CSGT lên nắp ca pô hòng chống trả sự truy đuổi của lực lượng này. Điển hình như ngày 17/4/2012, tại km197+200 quốc lộ 1B (chiều Hà Nội - Hà Nam) ở huyện Thường Tín, Hà Nội, Lê Văn Đông (SN 1991, trú tại TP Phủ Lý, Hà Nam) phóng xe với tốc độ nhanh vào đường cấm, lại không đội mũ bảo hiểm. Thấy vậy, CSGT Hoàn Kim Huấn, Đội CSGT số 8 ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra, nhưng Đông đã cố tình bỏ chạy đâm vào người khiến anh Huấn ngã đập mặt xuống đường rách môi trên, gãy 2 răng, rách da ở chân bên phải, chân tay bị xây xát.
Với những đối tượng có “máu côn đồ”, việc chống người thi hành công vụ không kém phần gay go. Như vào hồi 23 giờ 45 phút, ngày 10/3/2012, Đỗ Mạnh Tuấn (SN 1979, ở tổ 24, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) chở bạn gái đi chơi. Khi tổ tuần tra kiểm soát Đại đội 7 thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động làm nhiệm vụ trên đường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm yêu cầu dừng xe lại để kiểm tra, Tuấn liền bỏ chạy. Thấy bị đuổi theo, Tuấn đã nhảy xuống đường, rút súng chĩa vào tổ công tác bắn, rồi vứt lại cả xe lẫn bạn gái để bỏ chạy.
Hành vi chống người thi hành công vụ tưởng chừng chỉ có thể xảy ra ở những đối tượng là thanh thiếu niên có tính côn đồ, hung hãn. Nhưng, điều đáng buồn là trên thực tế lại có cả những cán bộ thuộc các cơ quan Nhà nước, thậm chí ngay cả khi đối tượng đang công tác trong ngành Công an.
Đình đám nhất có thể nói đến là video clip ghi lại vào khoảng 11 giờ ngày 28/7/2011 cuộc “huyết chiến’ giữa nguyên Trung úy Trần Đại Phúc, Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 1, Phòng Cảnh sát cơ động, Công an TP Hồ Chí Minh dùng gậy sắt phang tới tấp Thượng sĩ Văn Thành Luân, Đội CSGT Hàng Xanh, Phòng CSGT TP Hồ Chí Minh khi anh Luân làm nhiệm vụ trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh. Sự việc đáng buồn này xảy ra chỉ vì anh Luân yêu cầu Phúc dừng xe máy lại để kiểm tra khi thấy Phúc không đội mũ bảo hiểm.
“Hoành tráng” không kém, ngày 7/3, tại ngã tư Vọng thuộc phường Thịnh Liệt, quận Thanh Xuân, Vũ Lê Hoàng (SN 1983, hiện trú ở phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã điều khiển xe máy Honda PCX chạy rất nhanh và không đội mũ bảo hiểm. Tổ Công tác Đặc biệt Y1/141 làm nhiệm vụ đã ra tín hiệu dừng xe để xử lý. Tuy nhiên, Hoàng rú ga bỏ chạy rồi lao thẳng vào người Trung tá Nguyễn Đức Chung, Đội phó Đội CSGT số 1 khiến Trung tá Chung ngã xuống đường, bất tỉnh, phải đi cấp cứu tại bệnh viện.
Khi không có điều kiện để lao xe, dùng “hàng nóng”, “hàng lạnh” để chống người thi hành công vụ, các đối tượng tận dụng triệt để các ngón đòn tay chân như vụ dùng tay tát thẳng vào mặt CSGT đã bị xử lý trong thời gian qua. Ngoài ra, còn phải kể đến thứ “võ mồm” mà các đối tượng chống đối sử dụng.
Mới đây, Hoa Văn Phương (32 tuổi, ở Cát Hải, TP Hải Phòng) đi xe máy chạy với tốc độ cao lại đội mũ bảo hiểm không cài quai. Khi bị Tổ Công tác Đặc biệt Y1/141 ra hiệu lệnh dừng xe, Phương đã để luôn xe giữa đường và liên tục thách thức, lăng mạ, chửi bới Tổ Công tác. Thậm chí, Phương còn lộng ngôn khi liên tục lăng mạ, xúc phạm đến danh dự, uy tín của lãnh đạo Bộ Công an…
Số vụ gia tăng do “nhờn” luật?
Số vụ chống đối người thi hành công vụ không giảm, mà ngày một tăng, khiến dư luận không khỏi bức xúc và đặt câu hỏi: Phải chăng một bộ phận không nhỏ người dân hiện nay đang xem thường pháp luật, hay tại bởi việc xử lý hành vi sai phạm của cơ quan chức năng chưa nghiêm?
Trước vấn nạn trên, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết: Nguyên nhân xảy ra các vụ việc như trên là do một bộ phận trong thanh niên có tính côn đồ, hung hãn không chấp hành. Thậm chí còn chủ động khiêu khích, chống đối hoặc tìm cách trốn tránh. Khi không trốn tránh được thì chống lại. Tất cả các hành vi này đều bị bắt giữ để khởi tố và truy tố theo đúng các thủ tục pháp luật.
Cũng theo Đại tá Ngọc, một trong những nguyên nhân khiến các vụ việc xảy ra nhiều là xử lý hành vi này quá nhẹ. “Theo tôi, cần phải nâng các quy định về xử phạt lên mức độ nghiêm khắc hơn. Nếu không tăng hình phạt hơn nữa thì rất khó để răn đe các đối tượng vi phạm”, Đại tá Ngọc nhận định.
Còn theo Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an TP Hà Nội, nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do người vi phạm hiện nay có biểu hiện coi thường pháp luật. Việc xử lý hình sự trong một số điều luật còn quá nhẹ, nhất là hành vi chống lại người thi hành công vụ. Một số vụ chống lại CSGT và cảnh sát cơ động thường là xử án treo hoặc xử phạt rất nhẹ nên không đủ sức giáo dục, răn đe tội phạm.
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh nhấn mạnh: Để ngăn cản hành động này không chỉ là trách nhiệm của ngành Công an mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, cộng đồng và mỗi gia đình.
Quang Đông
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 16 đối tượng về các tội “Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm”; “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”…
(Thanh tra) - Sáng 14/12, tại thành phố Ninh Bình, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh (Ban Chỉ đạo 138 tỉnh) tổ chức Lễ ra quân tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Trung Hà
16:29 14/12/2024Trần Quý
15:58 13/12/2024Trần Quý
15:47 13/12/2024Trung Hà
15:36 13/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền