Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 04/09/2012 - 09:16
Một đường dây buôn bán ma túy trong trại giam số 3 thuộc Tổng cục 8 (thuộc Bộ Công an, trú đóng tại Tân Kỳ, Nghệ An) vừa bị “cất vó”. Đây là trại giam có 2.000 phạm nhân đang cải tạo, trong đó gần 1.500 phạm nhân từng nghiện ma túy.
Lê Xuân Minh - trùm buôn bán ma túy trong trại giam T3 - Ảnh: Sa Trung Kim
Trung tá Nguyễn Trung Thực - Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Nghệ An (PC 47) - lật từng trang hồ sơ nói: “Đường dây ma túy này manh nha từ năm 2006, rộ lên suốt năm 2010, 2011. Sau vụ người nhà phạm nhân gửi ma túy bị ban giám thị trại phát hiện, Công an Tân Kỳ khởi tố chín đối tượng, trong đó có năm phạm nhân và một trung tá quản giáo. Vụ mới đây còn lớn hơn nhiều bởi có tới 30 phạm nhân can dự”.
Chân dung ông trùm
Theo trung tá Thực, đa số đối tượng bị khởi tố về hành vi buôn bán ma túy trong trại giam này đều có vài ba tiền án về tội giết người, buôn bán ma túy, trộm cắp tài sản, hiếp dâm và trốn trại. Chẳng hạn như Lê Xuân Minh (43 tuổi, quê huyện Thanh Chương, Nghệ An) có tới bốn tiền án. Minh chính là trùm cầm đầu đường dây ma túy trong trại giam số 3. Ngày 21-5, khi cán bộ trại giam “đột kích” buồng giam 1.3 phân trại 1(K1), Minh lén móc trong túi quần một gói bọc giấy bạc vứt ra ngoài cửa sổ nhưng bị phát hiện. Kiểm tra tiếp, công an thu bốn điện thoại di động, trong đó có hai điện thoại của Minh. Cả bốn điện thoại này có rất nhiều số điện thoại của người ở ngoài xã hội và 12 tài khoản đăng ký tại ngân hàng các tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội và TP.HCM.
Sau khi phòng kỹ thuật hình sự Công an Nghệ An giám định cho thấy gói bột màu trắng do Minh vứt ra ngoài có trọng lượng 6,25 gam là heroin, gói bột trong giá tư trang của một phạm nhân khác cũng là heroin, trọng lượng 9,05 gam, lãnh đạo PC47 liền cử trung tá Thực phụ trách tổ công tác điều tra. Trung tá Thực cho biết: “Ngày đầu Minh chối đây đẩy rằng y không biết gói ma túy đó của ai. Hai ngày sau y mới khai gói ma túy đó là của phạm nhân Nguyễn Công Long (quê Hà Nội) gửi từ tháng 4-2011.
Nhưng khi lần đến danh sách phạm nhân Long thì công an trại giam số 3 cho biết phạm nhân này đã chết bệnh. Mãi đến ngày thứ sáu, Minh mới chịu thừa nhận do quá hoảng sợ nên vứt đi để phi tang. Tôi biết Minh khai như vậy là chưa hết bởi có thông tin về việc Minh từng đưa heroin cho nhiều phạm nhân cùng buồng sử dụng và giới thiệu “mình có ma túy bán”. Đúng như dự đoán, sang ngày thứ tám Minh nhận tội và giở trò mua chuộc: “Nếu cán bộ dừng lại ở đây thì bao nhiêu tôi cũng lo được”. Mua chuộc không được, Minh dọa “ra tù sẽ giết”. Tôi cứ mặc kệ, cuối cùng thì Minh phải “tường thuật” lại tất cả mánh khóe mang heroin vào trại giam”.
Trong bút lục của hồ sơ vụ án, Minh khai: “Có nhiều đường để đưa ma túy vào trại giam. Đó là giấu ma túy trong gói quà mỗi lần thăm gặp. Hoặc tại phòng riêng dành cho nam nữ phạm nhân có vợ hoặc chồng đến thăm, bỏ ma túy vào bao cao su rồi cho vào hậu môn và đem về trại. Nếu đi lao động ngoài trại thì đêm trước báo cho đối tượng buôn bán ma túy ngoài xã hội giấu ma túy vào “điểm chết” (gốc cây đã hẹn). Lợi dụng ngày nghỉ, người ở ngoài điện thoại hẹn rồi ném hoặc dùng ná cao su “bắn” từng gói ma túy nhỏ qua bờ tường trại giam”.
Chuyện con nghiện
Có ma túy, tối đến Minh lên lịch phân công đệ tử chia lẻ từng gói để bán cho 21 con nghiện đầu mối ở các đội trong K1 và K2. Trước khi phân phối ma túy, Minh lấy vỏ chăn che kín các cửa sổ, thả màn rồi ra hiệu cho một số “đệ” ngồi ngoài canh gác. Các “đệ” của Minh được trả công bằng những mẩu heroin vụn và chích ngay tại chỗ. Từ đây, 21 đầu mối mua sỉ đem đi bán lại cho nhiều con nghiện khác. Riêng trong buồng giam của Minh và buồng giam phụ cận, Minh trực tiếp bán lẻ cho phạm nhân nghiện. Trung tá Thực cho hay: “Giá ma túy trong trại giam đắt gấp bốn lần ở ngoài, đó là chưa kể 21 đầu mối mua sỉ của Minh lại nâng thêm vài giá nữa. Do có hệ thống mua bán rộng khắp nên cảnh chích heroin tràn lan trong trại giam”. Riêng các chi tiết sau đây thì trung tá Thực không ghi vào bút lục: khi lên cơn nghiện, các phạm nhân dùng kim để chích, con nghiện quen gọi là “đâm”. Do “đâm” chung kim nên đối tượng này “đâm” chưa xong thì đối tượng khác đã giật kim tiêm để “đâm” tiếp. Khi kim mòn, con nghiện mài mũi kim vào trôn chén. Trong trại giam con nghiện dùng nước suối thay nước cất.
Trong số phạm nhân nghiện chích không phải ai cũng thuộc hạng “số má”. Trung tá Thực kể câu chuyện bi hài về phạm nhân N.T.A. (35 tuổi, trú tại huyện Thanh Chương, Nghệ An) vốn là sinh viên Trường đại học Bách khoa HN. Do liên quan đến một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, năm 2007 phạm nhân A. bị xử phạt 15 năm tù. Trước khi vào tù, phạm nhân này không biết gì về ma túy, nhưng vào chưa đầy năm thì A. đã nghiện ngập nặng. A. là đối tượng nhiều lần mua hàng của Minh. Khi có tiền mặt thì A. trả ngay. Khi hết tiền, A. chích nợ rồi dùng điện thoại di động gọi về xin mẹ gửi hàng chục triệu đồng vào tài khoản do Minh chỉ đạo. Tương tự, trong năm 2011, phạm nhân N.V.T. cùng buồng giam với Minh, yêu cầu người nhà gửi vào tài khoản của Minh 300 triệu đồng tiền mua ma túy. Còn phạm nhân N.H.N. (trú tại Hà Nội), do nghiện nặng nên liên tục gọi điện thoại về cho mẹ xin tiền với đủ lý do, bà mẹ vay nóng gửi cho N.H.N. 300 triệu đồng, rốt cuộc là vỡ nợ, bà phải bán nhà.
Bán ma túy qua tài khoản
Hầu hết phạm nhân nghiện trong trại giam số 3 đều sử dụng hai tài khoản của phạm nhân Lê Quốc Hùng (Hùng “bệu”, 33 tuổi, học lớp 3, trú tại phường Cửa Nam, TP Vinh, Nghệ An). Y có hai tiền án trộm cắp tài sản, một tiền án giết người, đang thụ án chung thân.
Theo điều tra của cơ quan công an, do biết Minh cần phương tiện để thanh toán tiền mua bán ma túy trong trại, Hùng “bệu” bàn với Minh mở tài khoản tại các ngân hàng để nhận. Theo đó, Hùng “bệu” gọi điện cho vợ là Đ.T.T.H. (25 tuổi, trú ở TP Hà Tĩnh) lên trại giam thăm gặp. Theo hướng dẫn của Hùng “bệu”, H. nhờ người thân mở hai tài khoản tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Tĩnh nhưng người đứng tên là bà Đ.TH. (mẹ H.) và T.T.V.A. (bạn gái H.). Hùng “bệu” còn có một số “đại lý” nhận tiền gửi trực tiếp tại TP Vinh. Sau khi ghi tên người gửi, số tiền gửi, gửi cho ai thì các “đại lý” này điện thoại báo cho Hùng “bệu” trong trại giam, tiền được chuyển ngay tới địa chỉ của phạm nhân. Hùng “bệu” lấy công chuyển tiền 10%, gọi là tiền “phế”. Ngoài ra, mỗi ngày trong trại giam trùm Minh cũng gom từ các đầu mối được chừng 5-10 triệu đồng, số tiền này Minh giao cho Hùng “bệu” với mục đích duy trì số tiền lưu thông thường xuyên trong trại để tiện việc mua bán ma túy.
Phát hiện dịch vụ “ngân hàng đen”, qua xác minh, công an thu giữ nhiều tỉ đồng đang kẹt lại tại các tài khoản trong ngân hàng.
(Theo TTO)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính vừa ban hành Kế hoạch số 168/KH-BCĐ cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Trần Quý
13:02 11/12/2024(Thanh tra) - Ngày 10/12, Công an TP Đà Nẵng cho biết, thời gian qua trên mạng xã hội xuất hiện các tài khoản Facebook giả mạo “Liên đoàn Pickleball Việt Nam” đăng tải nội dung quảng cáo các trung tâm dạy chơi các môn thể thao này nhằm lôi kéo người dân tham gia rồi chiếm đoạt tài sản.
TK
13:26 10/12/2024PV
11:33 10/12/2024Đông Hà
13:52 09/12/2024Thư Kỳ
14:30 08/12/2024Văn Thanh
17:07 07/12/2024Nam Dũng
Cảnh Nhật
Văn Thanh
Thu Huyền
Trần Quý
T.Vân
Hoài Phương
Uyên Uyên
PV
Nam Dũng
Hoàng Hiệp
PV