Đón 2,5 triệu lượt khách du lịch

So với năm 2014, thời điểm trước khi có Đề án Phát triển du lịch, số lượng khách, chi tiêu bình quân của khách du lịch và tổng doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch của tỉnh Đồng Tháp đã tăng lên đáng kể. Chỉ tính riêng năm 2016, Đồng Tháp ước đón 2,5 triệu lượt khách, tăng 1,3 lần so với năm 2014, tổng doanh thu du lịch ước đạt 480 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2014.

Vị trí xếp hạng của du lịch Đồng Tháp trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được khẳng định, đứng thứ 7/13 tỉnh, thành. Hình ảnh và thương hiệu du lịch “Đồng Tháp - thuần khiết như hồn Sen” được nhiều người biết đến và trở thành hình mẫu về xây dựng thương hiệu du lịch địa phương so với các tỉnh, thành trong cả nước.

Trong 2 năm 2015, 2016, Đồng Tháp đã tập trung đào tạo các kỹ năng nghề du lịch cho lực lượng phục vụ trong ngành Du lịch theo từng bộ phận nghiệp vụ và mở các lớp tập huấn kiến thức cho cộng đồng dân cư tại các điểm tham quan, công tác quảng bá xúc tiến du lịch được quan tâm chú trọng.

Đặc biệt, các địa phương trong tỉnh đã nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của kinh tế du lịch mang lại nên đã chủ động xây dựng kế hoạch định hướng phát triển du lịch phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đến nay, Đồng Tháp đã có thêm các điểm tham quan mới, thu hút khá đông khách như điểm tham quan quýt hồng Lai Vung, vườn xoài, nhãn huyện Cao Lãnh, tham quan làng hoa cảnh Sa Đéc, Khu Du lịch văn hóa Phương Nam, Khu Du lịch làng bè Bình Thạnh…

Bên cạnh đó, các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh như Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu Di tích Xẻo Quýt, Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng cũng đã bổ sung thêm nhiều dịch vụ để phục vụ du khách theo hướng khai thác văn hóa bản địa trong sản phẩm du lịch, đồng thời cải tiến, đa dạng hóa hình thức tham quan theo hướng trải nghiệm, phù hợp với thị hiếu của du khách.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đồng Tháp, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh; sản phẩm vẫn chưa được tinh tế, thiếu sự chăm chút thường xuyên, còn trùng lắp, tính hấp dẫn cạnh tranh chưa cao, chất lượng phục vụ còn hạn chế. Nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu lao động chuyên môn có trình độ và tâm huyết với nghề.

Du khách tham quan tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Cảnh Nhật

 

Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng

Một trong những khó khăn, hạn chế của du lịch Đồng Tháp hiện nay là kết cầu hạ tầng giao thông kết nối các tuyến điểm du lịch chưa đồng bộ. Vấn đề này đã được Đồng Tháp quan tâm bằng việc đầu tư hoàn thiện đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường giao thông, trong đó có tuyến đoạn từ ngã 3 huyện Thanh Bình đến Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải cũng đã trình UBND tỉnh danh mục đầu tư dự án hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 - 2020, trong đó ưu tiên các tuyến đường kết nối giao thông đến các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh, đảm bảo xe đạt chuẩn du lịch 45 chỗ ngồi lưu thông thuận lợi.

Theo ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đồng Tháp, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, dựa trên nguồn lực đầu tư công, kết hợp kêu gọi thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư. Đến năm 2020, tỉnh phấn đấu cơ bản hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông dẫn đến các khu du lịch trọng điểm để xây dựng các tuyến du lịch, tour du lịch khép kín.

Đồng thời, xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của từng khu, điểm du lịch trọng điểm, đa dạng hóa sản phẩm và xây dựng thương hiệu du lịch. Trong đó, sẽ tập trung phát triển 3 loại hình du lịch đặc trưng: Du lịch sinh thái - tham quan - nghỉ dưỡng; du lịch sông nước - ngắm cảnh - canh nông - trải nghiệm; du lịch tham quan di tích văn hóa - lịch sử - tâm linh thiền học.

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp bảo tồn và phát huy hiệu quả các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể để thu hút khách đến tham quan du lịch. Phát triển các lễ hội lớn của tỉnh như: Lễ giỗ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Lễ hội ông bà Đỗ Công Tường, Lễ hội Gò Tháp, Lễ hội hoa Sa Đéc… phát huy văn hóa phi vật thể, đặc biệt là phát huy thế mạnh văn hóa ẩm thực, giá trị giọng “hò Đồng Tháp” để làm điểm nhấn thu hút du khách.

Du lịch Đồng Tháp cũng đang đẩy mạnh nâng cao chất lượng phục vụ bằng việc mở nhiều lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm để phục vụ du khách ngày một tốt hơn, hướng đến chuyên nghiệp hơn.

Cảnh Nhật