Ngay từ sáng sớm ngày mùng 1 Tết âm lịch 2020, dòng người ở các địa phương đã đổ về Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Am Tiên để cầu may. Từng đoàn người đã thắp hương, cầu khấn ở huyệt đạo, phủ chính, giếng Tiên để cầu may cho gia đình, người thân.

Đường lên đỉnh Am Tiên có độ dốc cao, mặc dù chính quyền địa phương đã đầu tư làm đường bê tông lên xuống để các loại xe có thể đi lại dễ dàng, thế nhưng do đặc thù, nhiều đoàn tham quan đi đến bằng xe khách, nhiều du khách chưa quen đường nên phải nhờ đến những người dân địa phương đưa đón để đảm bảo an toàn.

Không khí du xuân của bà con khắp các địa phương ở Am Tiên. Ảnh: VT

Ngay từ trong Tết nguyên đán, chính quyền từ huyện đến xã đã thống nhất giao cho một đầu mối phối hợp với Công an quản lý, trông coi xe cộ, đảm bảo an ninh trật tự, đưa đón du khách lên đến nơi xuống an toàn.

Để đảm bảo cho du khách đến tham quan, vãn cảnh không phải chờ đợi, đơn vị được giao quản lý đã huy động tới 20 xe tô và nhiều xe máy tổ chức cho các đoàn lên xuống tham quan Am Tiên an toàn, nhiệt tình, trách nhiệm.

Ông Sơn, một người dân địa phương cho biết, năm nay lãnh đạo địa phương đã có cách nhìn thay đổi, giao cho một đơn vị có nhiều kinh nghiệm, phong cách phục vụ du khách tốt, không phiền hà, các bãi xe được mở rộng khang trang thêm, đền phủ được vệ sinh sạch sẽ, du khách rất hài lòng. Tất cả những xe không chất lượng đều được loại bỏ hết, lốt xe đều chạy theo đúng quy trình, không chen lấn, cướp khách, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.

Huyệt đạo trên đỉnh ngàn Nưa trong khu di tích Am Tiên. Ảnh: VT

“Năm nay du khách về đây thắp hương, vãn cảnh không phải chờ đợi như trước đây, tạo được không khí thoải mái, ấm áp, an tâm mỗi khi đặt chân đến thăm Am Tiên ngày lễ Tết”, ông Sơn nói.

Theo sử sách, năm 248, Triệu Thị Trinh (tức Bà Triệu) cùng người anh trai Triệu Quốc Đạt, một huyện lệnh có thế lực trong vùng, đã tập hợp nghĩa sĩ, chọn núi Nưa làm căn cứ để luyện tập võ nghệ, dấy binh khởi nghĩa, đánh đuổi quân Đông Ngô xâm lược. Cuộc khởi nghĩa sau đó tuy đã thất bại, nữ tướng phải tuẫn tiết ở núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa ngày nay) nhưng câu nói của bà: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta” nhiều đời sau vẫn còn lưu truyền mãi.

Xe ô tô đảm bảo được huy động phục vụ du khách lên đỉnh ngàn Nưa tham quan. Ảnh: VT

Đỉnh ngàn Nưa còn có giếng Tiên gắn với nhiều huyền thoại kỳ bí. Giếng Tiên nằm trên đỉnh núi cao 580m so với mực nước biển nhưng nước trong giếng không bao giờ cạn, múc bao nhiêu đầy bấy nhiêu và rất mát trong…

Trên dãy ngàn Nưa có một huyệt khí thiêng (nơi mở cửa trời). Điểm huyệt thiêng này được khoanh vùng rộng khoảng vài chục mét vuông, đây là một trong 4 huyệt đạo lớn của quốc gia, ngoài Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Yên Tử (Quảng Ninh), núi Bà Đen (Tây Ninh). 

Văn Thanh