Kỳ vọng sửa Luật PCTN để xử tài sản bất minh

Theo thông lệ, kỳ họp giữa năm, QH dành 12 ngày trong tổng thời gian 20 ngày của kỳ họp để xem xét, thông qua 8 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án luật khác.

Một trong những dự luật được QH cho ý kiến, nhận được nhiều sự quan tâm là việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN).

Tại các buổi tiếp xúc trước kỳ họp 5, cử tri bày tỏ kỳ vọng, dự luật PCTN (sửa đổi) sẽ thiết lập những cơ chế mới để xử lý tài sản bất minh, không để xảy ra giải trình theo kiểu “buôn chổi đót xây biệt phủ”.

“Nhân dân mong đợi Luật PCTN (sửa đổi) giải quyết được tài sản bất minh, thu hồi được tài sản tham nhũng. Sửa đổi luật này để cán bộ không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng”, cử tri Nguyễn Đức Mạnh (TP Hà Nội) nói.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu (ĐB) QH tại kỳ họp 4, nhiều quy định của dự thảo luật đã được sửa đổi nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành như quy định về công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; trách nhiệm giải trình; tiêu chí đánh giá công tác PCTN; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; tặng quà và nhận quà tặng; thanh toán qua tài khoản; việc xử lý tham nhũng được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán…

Bên cạnh đó, một số vấn đề của dự thảo luật còn nhiều ý kiến khác nhau cần được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng và tiếp tục xin ý kiến QH để đảm bảo vừa nâng cao hiệu quả công tác PCTN vừa bảo đảm tính khả thi.

Đó là, quy định về các trường hợp xác minh tài sản, thu nhập; cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm; thẩm quyền của cơ quan Nhà nước trong thanh tra, kiểm tra về công tác PCTN ở khu vực ngoài Nhà nước…

Dự kiến, ngày 30/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái sẽ trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án PCTN (sửa đổi). Sau đó, ngày 31/5, QH sẽ thảo luận tại tổ dự luật này.

Đến ngày 13/6, QH thảo luận ở hội trường Dự án Luật PCTN sửa đổi và sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri, nhân dân theo dõi.

Chất vấn và trả lời chất vấn sẽ rất sôi động

Một điểm đáng chú ý tại kỳ họp 5, QH tiếp tục sẽ có những cải tiến, đổi mới về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Cụ thể, thời gian để mỗi ĐBQH nêu câu hỏi chất vấn là 1 phút và sau khi 3 đại biểu QH nêu câu hỏi, người bị chất vấn phải trả lời ngay; thời gian dành cho mỗi lần trả lời là 3 phút.  

Trao đổi với báo chí, theo Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc, với đổi mới này, đòi hỏi ĐBQH khi hỏi phải ngắn gọn, rõ ý. Còn các tư lệnh ngành, Bộ trưởng, thành viên Chính phủ phải nghiên cứu thấu đáo nội dung, lĩnh vực mình phục trách, trả lời cũng phải nhanh, không lòng vòng.

“QH luôn tìm tòi đổi mới chất vấn và trả lời chất vấn. Việc đổi mới tại kỳ họp này nhằm mục đích tăng cường tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động của QH. Và với thời lượng như thế, số ĐBQH được hỏi sẽ tăng gần gấp đôi so với kỳ trước. Tôi tin, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ rất sôi động”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.

Cũng theo Tổng Thư ký QH, thông thường phiên giữa năm, Thủ tướng có thể giao Phó Thủ tướng trả lời chất vấn. Trường hợp cần thiết, Thủ tướng vẫn đăng đàn trả lời chất vấn.

Trả lời việc lựa chọn tư lệnh ngành nào sẽ đăng đàn trả lời chất vấn, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, điều này phụ thuộc vào nội dung các ĐBQH lựa chọn. Tuy nhiên, tại các kỳ họp, kể cả phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH đều bố trí để làm sao các Bộ trưởng đều đăng đàn.

“Khi xin phiếu ý kiến, có những Bộ trưởng đã trả lời chất vấn rồi, thậm chí đã trả lời 1 - 2 lần rồi, nhưng vẫn còn vấn đề bức xúc nổi lên, ĐBQH quan tâm thì vẫn phải trả lời để làm rõ”, ông Phúc nói.

Tổng Thư ký QH cho biết thêm, trước khi chất vấn sẽ có cuộc giám sát về việc thực hiện lời hứa, cam kết của Chính phủ, các thành viên Chính phủ để xem điều gì đã làm được, điều gì chưa, nguyên nhân tại sao chưa giải quyết xong.

“Đây là cơ sở để QH, ĐBQH đánh giá các thành viên Chính phủ ai thực hiện tốt, ai thực hiện chưa tốt. Đây cũng là cơ sở để đánh giá tín nhiệm”, ông Phúc nói, “QH sẽ theo đuổi đến cùng đến khi nào hoàn thành mới thôi”.

Thêm hình thức tố cáo qua fax, thư điện tử, điện thoại

Cũng tại kỳ họp này, Dự luật Tố cáo (sửa đổi) sẽ trình QH thông qua tại kỳ họp này gồm 9 chương, 68 điều. Đây là dự luật đã được QH cho ý kiến tại kỳ họp 3, 4 trước đó.

Một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án luật tiếp tục được xin ý kiến của ĐBQH, gồm: Hình thức tố cáo (Điều 22); thời hiệu tố cáo (Điều 27); quy định rút tố cáo (Điều 33); cấp giải quyết tố cáo cuối cùng (Điều 29, 37); bảo vệ người tố cáo (Chương VI) và một số vấn đề cụ thể khác.

Đối với hình thức tố cáo, hiện vẫn có ý kiến đề nghị chỉ quy định 2 hình thức như Luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Tuy nhiên, đa số ý kiến ĐBQH đề nghị mở rộng hình thức tố cáo để phù hợp với sự phát triển của xã hội, đồng thời ghi nhận các hình thức tố cáo đã được quy định trong các luật khác.

Do vậy, dự thảo được nghiên cứu để bổ sung hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại. Để bảo đảm tính khả thi, dự thảo luật cũng bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về quy trình tiếp nhận tố cáo nhằm ngăn chặn việc lạm dụng các hình thức tố cáo mới được ghi nhận để tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, lợi dụng quyền tố cáo để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Hương Giang