Vậy, các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước phải làm gì để đáp ứng các yêu cầu của Luật PCTN 2018? Báo Thanh tra xin chia sẻ với bạn đọc kinh nghiệm từ Công ty Intel Việt Nam về vấn đề này, thông qua cuộc trò chuyện với bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc Đối ngoại của Intel Việt Nam và Malaysia.

+ Cảm ơn bà đã nhận lời trò chuyện cùng chúng tôi. Bà có thể giới thiệu đôi nét về Intel Việt Nam với độc giả?

- Intel là công ty của Hoa Kỳ dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2006. Đến nay, công ty đã có hơn 2.300 nhân viên, đa số là kỹ sư và kỹ thuật viên trong nhiều lĩnh vực như điện, điện tử, cơ khí, thiết kế công nghiệp, hóa, môi trường và nhiều vị trí trong lĩnh vực hỗ trợ như tài chính, kế toán, nhân sự, đối ngoại…

Cá nhân tôi đã làm việc cho Intel từ những ngày đầu, tính đến nay đã là 13 năm. Công việc của tôi là phụ trách đối ngoại cho Intel Việt Nam và Intel Malaysia trong việc đối thoại với Chính phủ, báo chí, các hoạt động hợp tác giáo dục với các viện, trường và xây dựng chương trình cộng đồng trong chính sách CSR của công ty. Intel tự hào tiếp tục là dự án đầu tư lớn nhất của Hoa Kỳ tại Việt Nam và cũng là nhà máy lớn nhất về sản phẩm chế tạo và kiểm định chip có giá trị xuất khẩu đóng góp lớn Việt Nam, cùng với nguồn nhân lực kỹ thuật và nhiều đóng góp khác cho cộng đồng.

 

Công ty Intel đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1997, đến năm 2006 bắt đầu dự án nhà máy lắp ráp và kiểm định chip trị giá 1 tỷ USD. Hiện có hơn 2.300 nhân viên đang làm việc cho Intel. Giá trị xuất khẩu lũy tiến đạt trên 26 tỉ USD với hơn 1.5 tỉ đơn vị sản phẩm (2010 - quý 1/2019). Nhân viên Intel đã tặng hơn 170.000 giờ tình nguyện tại Việt Nam.
+ Một yếu tố mang tính chất nền tảng trong phương pháp tiếp cận trách nhiệm của Intel Việt Nam là cam kết hướng tới minh bạch. Bà có thể chia sẻ rõ hơn về cam kết này với độc giả của Báo Thanh tra?

 

- Trong suốt quá trình hình thành và phát triển dự án tại Việt Nam, Intel luôn đặt trọng tâm của sự chính trực và không khoan nhượng với các vi phạm về chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh. Điều đó là giá trị tinh thần cho những ai muốn làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, đó là nền tảng giá trị của tập đoàn Intel trên toàn cầu.

Từ năm 2008, Intel đã ký biên bản ghi nhớ với Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM về bộ quy tắc ứng xử (Code of Conduct - COC) trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm chuẩn mực hóa cách mọi người hành xử đúng trong công việc, kể cả trong Intel và ngoài Intel, cụ thể là các nhân viên của Intel khi làm việc với khách hàng, với các nhà cung ứng và cả những đối tác khác. Khi thực hiện công việc có liên quan đến Intel, tất cả nhân viên làm việc tại Intel phải tuân theo Bộ Quy tắc ứng xử này cũng như các chính sách khác của công ty.

+ Intel đã làm gì để thực hiện các cam kết này?

Đối với nhân viên, công ty luôn đảm bảo mọi người được huấn luyện khi mới vào Intel ngay trong tuần đầu tiên để nhân viên nắm rõ văn hóa công ty cũng như nội dung căn bản của Bộ Quy tắc ứng xử. Mỗi nhân viên có trách nhiệm tham gia làm các bài khảo sát hàng năm về đề tài này để hiểu rõ và tuân thủ tuyệt đối các nội dung trong Bộ Quy tắc ứng xử, cũng như công ty luôn nhắc nhở để nhân viên biết các loại vi phạm nào cần phải báo cáo nếu họ thấy có khả năng xảy ra.

Việc báo cáo này có thể gián tiếp cho các cấp quản lý liên quan bằng email, điện thoại hotline, hay gặp trực tiếp. Điều này nhằm đảm bảo cho toàn bộ nhân viên được tập trung vào chuyên môn công việc, không gặp khó khăn khi làm việc với đối tác trong và ngoài công ty có liên quan đến vi phạm.

Quy tắc này cũng được áp dụng cho các nhà cung ứng, các công ty đối tác và tất cả những bên có giao dịch kinh doanh với Intel.

+ Xin bà nói rõ hơn về những quy tắc ứng xử của công ty đang được áp dụng và thực hiện?

- Bộ Quy tắc này khẳng định 5 nguyên tắc ứng xử cơ bản của Intel:

Thứ nhất, thực hiện việc kinh doanh với tinh thần chính trực.

Thứ hai, tuân thủ theo quy định và tinh thần của pháp luật.

Thứ ba, đối xử công bằng với tất cả mọi người.

Thứ tư, hành động vì lợi ích cao nhất của Intel và tránh xung đột lợi ích.

Và cuối cùng là bảo vệ tài sản và thông tin mật của công ty.

 

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài Nhà nước phù hợp với quan điểm chỉ đạo tại Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, Khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí, đồng bộ với Bộ luật Hình sự, đã mở rộng quy định xử lý đối với một số tội phạm về tham nhũng trong mọi tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước…; phù hợp với yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.
+ Được biết, nhiều doanh nghiệp trong khu Công nghệ cao TP HCM đều có cam kết hướng tới minh bạch, trong đó có Intel Việt Nam. Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP HCM đã có sự hỗ trợ như thế nào đối với các doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu này? 

 

- Intel Việt Nam đã rất may mắn khi ngay từ ngày đầu tiên đã được Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM ủng hộ, ký kết thỏa thuận liêm chính và PCTN. Đây là sự hợp tác rất quan trọng giúp cho Intel bảo đảm các nguyên tắc của mình và triển khai thuận lợi các hoạt động của dự án đầu tư từ khâu xây dựng, tới vận hành, mua sắm dịch vụ, vật tư và trang thiết bị. Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM cũng triển khai Bộ quy tắc ứng xử này đến các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao, nhằm giúp họ tuân thủ các nguyên tắc mà Khu Công nghệ cao TP HCM cũng đã hưởng ứng và cam kết thực hiện trong phương hướng hoạt động của mình.

+ Khi Luật PCTN năm 2018 có hiệu lực thì đã có tác động như thế nào đến những cam kết của công ty? Và công ty đã có những biện pháp như thế nào để thực hiện nhiệm vụ của mình đáp ứng những yêu cầu của Luật PCTN?

- Intel đánh giá cao về việc Chính phủ Việt Nam đã ban hành Luật PCTN từ năm 2018 và đã có hiệu lực, nhất là phạm vi áp dụng đã được mở rộng sang cả khối các doanh nghiệp tư nhân. Đây là yếu tố rất quan trọng, vì những doanh nghiệp liêm chính và coi trọng đạo đức kinh doanh có cơ hội tham gia các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, thực thi và PCTN hiệu quả trong quá trình đầu tư và đóng góp cho nền kinh tế của Việt Nam. Luật PTCN sửa đổi của Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng COC, đề cao ý thức PCTN tại nơi làm việc và minh bạch hóa quan hệ giữa các đối tác. Đây cũng là những nguyên tắc Intel đã và đang áp dụng tại nhiều nước và tại Việt Nam.

Intel cũng đã có đóng góp ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm của công ty trong lĩnh vực này tại một số hội thảo kỹ thuật, khi Việt Nam tiến hành sửa đổi và ban hành Luật PCTN.

Intel cũng đang làm việc với đối tác để tiên phong trong việc được công nhận là doanh nghiệp được chứng nhận chứng chỉ ISO37001:2016. Chúng tôi đang triển khai giai đoạn tập huấn cho lãnh đạo và nhân viên theo yêu cầu của bên chứng nhận trước khi được công đạt chuẩn về Hệ thống Quản lý chống hối lộ. Intel Việt Nam hy vọng sẽ được điều này trong quý I/2020 và chúng tôi sẽ là doanh nghiệp đầu tiên của Tập đoàn Intel có chứng chỉ ISO 37001:2016.

+ Xin trân trọng cảm ơn bà.

Diệu Anh (Thực hiện)