Tập trung 120 đầu mối trên toàn quốc

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật PCTN sửa đổi sẽ trình ra phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 11/4 tới đây, để bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện, Điều 32 (Thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập), Chính phủ đề xuất 2 phương án: Phương án 1, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập quy về đầu mối hệ thống thanh tra. Phương án 2, thiết lập theo từng hệ thống cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị theo cơ chế phân cấp quản lý cán bộ (cơ quan hành chính Nhà nước; QH, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban, đơn vị thuộc QH, UBTVQH; Tòa án, Viện Kiểm sát, Kiểm toán Nhà nước (KTNN); hệ thống các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội…).

Theo Chính phủ, nếu chọn phương án 2, hệ thống cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập vẫn rất phân tán, khó bảo đảm tính thống nhất, chưa khắc phục được một cách triệt để những tồn tại, bất cập rút ra từ tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN.

Cho nên, Chính phủ lựa chọn phương án 1 để hình thành tập trung hệ thống cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập với 120 đầu mối trên phạm vi toàn quốc với vai trò thống nhất quản lý, hướng dẫn thực hiện của Thanh tra Chính phủ (TTCP), trong đó: 30 đầu mối ở Trung ương; 63 đầu mối ở địa phương và khoảng 27 đơn vị phụ trách tổ chức cán bộ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác.

“Phương án này sẽ giúp chuyên nghiệp hóa hệ thống cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập; xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ làm công tác chuyên trách nhằm quản lý, kiểm soát tài sản, thu nhập thực chất và hiệu quả hơn, theo nhiều ý kiến của đại biểu QH dựa trên khoảng 643 công chức hiện đang làm việc chuyên trách về chống tham nhũng trên toàn quốc đã có kinh nghiệm liên quan đến công tác này”, TTCP - cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật cho hay.

Hạn chế phát sinh biên chế

Theo phương án 1, các cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ có các nhiệm vụ chính, bao gồm: Quản lý tập trung bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; xác minh tài sản, thu nhập; áp dụng các biện pháp quản lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý.

TTCP sẽ có trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của 3.161 người có hệ số chức vụ từ 0,9 trở lên ở các bộ, ngành, địa phương và hơn 700 cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của TTCP (số người này chưa bao gồm người có nghĩa vụ kê khai thuộc các cơ quan thuộc QH, HĐND các cấp, các cơ quan tư pháp, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sử dụng tài chính công, tài sản công). 

Thanh tra bộ hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương nơi không có cơ quan thanh tra bình quân sẽ kiểm soát tài sản thu nhập của 3.576 người kê khai thuộc thẩm quyền. 

Thanh tra tỉnh sẽ có trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của 2.493 người kê khai thuộc thẩm quyền.

Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật lưu ý, dù giao thêm nhiệm vụ đối với hệ thống cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập (TTCP, thanh tra bộ, thanh tra tỉnh và các đơn vị phụ trách công tác tổ chức cán bộ tại cơ quan, tổ chức, đơn vị không có cơ quan thanh tra), Dự thảo Luật cũng quy định các biện pháp cụ thể hạn chế phát sinh biên chế, nguồn lực thực hiện.

Theo đó, việc tổ chức kê khai và quản lý bản kê khai vẫn được tổ chức thực hiện tại cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập (hướng tới kê khai điện tử và quản lý dữ liệu điện tử); quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ công tác kiểm soát tài sản, thu nhập; thẩm quyền yêu cầu cử người tham gia hoặc trưng tập cơ quan, tổ chức, đơn vị khác khi tiến hành xác minh…

Điều 32: Thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập - 2 phương án

Phương án 1

1. TTCP kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương, người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

2. Thanh tra bộ hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương nơi không có cơ quan thanh tra kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị đó, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này.

Phương án 2

1. TTCP kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, người được cử giữ chức vụ quản lý tương đương trong doanh nghiệp có vốn Nhà nước, người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý của mình, trừ trường hợp quy định tại Khoản 7 Điều này.

2. Thanh tra bộ, đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ tại cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ nơi không có cơ quan thanh tra kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thuộc diện quản lý của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, người được cử giữ chức vụ quản lý tương đương trong doanh nghiệp có vốn Nhà nước do bộ quản lý, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 7 Điều này.

3. Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc chính quyền địa phương, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước, phần vốn của doanh nghiệp Nhà nước và giữ chức vụ quản lý từ phó trưởng phòng trở lên trong doanh nghiệp có vốn Nhà nước, doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp Nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 7 Điều này.

4. Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng QH, Văn phòng Chính phủ và cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sử dụng tài chính công, tài sản công kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức đó, trừ trường hợp quy định tại Khoản 7 Điều này.

5. Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH kiểm soát tài sản, thu nhập của đại biểu QH chuyên trách, trừ trường hợp quy định tại Khoản 7 Điều này.

6. TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, KTNN kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các tòa án, viện kiểm sát, KTNN, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều này.

7. Cơ quan, tổ chức, đơn vị khác ngoài các cơ quan, tổ chức, đơn vị được quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý của mình theo quy định hiện hành về phân cấp quản lý cán bộ.


Theo thống kê của TTCP, hiện có khoảng 643 công chức làm công tác chuyên trách về chống tham nhũng (trong đó 43 công chức thuộc Cục Chống tham nhũng của TTCP và 600 công chức của 120 đầu mối tại thanh tra bộ, thanh tra tỉnh và các cơ quan, tổ chức khác). Trong 10 năm thực hiện Luật PCTN, đội ngũ này đã có kinh nghiệm thực hiện 4.859 cuộc xác minh tài sản, thu nhập và 81.932 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật PCTN.

Tổng kết năm 2009 của Cơ quan Chống Tội phạm và Ma túy của Liên hợp quốc (UNODC) - đầu mối hỗ trợ thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng cho thấy, trong 74 quốc gia được tổng kết có khoảng 60% quốc gia quy định giao cho một cơ quan chuyên trách để xác minh hoặc thẩm tra bản kê khai tài sản, thu nhập như Cơ quan Chống tham nhũng của Mông Cổ hoặc Đặc khu Hành chính Hồng Kông - Trung Quốc, Cơ quan Đạo đức công vụ của Hoa Kỳ hoặc Bộ Tư pháp của Argentina...

Hương Giang