Giảm tổng mức đầu tư

Kết quả rà soát lại của Chính phủ cho thấy, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của D.A là 5.236 triệu USD, giảm khoảng 2.601,6 triệu USD so với dự toán trình Quốc hội tại kỳ họp 8 với cơ cấu vốn: ODA 1.389,4 triệu USD (chiếm 26,53%), vốn Ngân sách Nhà nước 578,3 triệu USD (chiếm 11,05%), vốn doanh nghiệp, cổ phần, PPP... 3.268,8 triệu USD (62,42%).

Bày tỏ băn khoăn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt một loạt câu hỏi: Khi xây dựng Cảng HKQT Long Thành sẽ áp dụng cơ chế tài chính nào? Cấp vốn không hoàn lại hay hoạt động như một doanh nghiệp để kinh doanh? ODA là cho vay hay cấp vốn mà ODA cũng là ngân sách? Có khoản nào Chính phủ bảo lãnh hay không? “Chỉ riêng giai đoạn 1 đã hơn 5 tỷ USD, trong đó hơn 40.000/100.000 tỷ đồng là ngân sách. Vậy cả 3 giai đoạn là 15 tỷ USD thì ngân sách là bao nhiêu? Cuối cùng hiệu quả, thu hồi vốn ra sao? Khi hoàn thành, Sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hòa sẽ ra sao?”, ông Hiển nói.

Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển phân tích thêm, Cảng HKQT Long Thành khi đưa vào sử dụng chỉ có thể làm trung chuyển cho 3 nước là Indonesia, Philippines, Australia. Tuy nhiên, 2 nước Indonesia, Philippines lại rất gần Long Thành nên khó có thể khai thác chức năng trung chuyển mà chỉ có thể trung chuyển cho Australia. Còn trong nước, liệu khi hoàn thành có đạt 100 triệu khách không? Vấn đề đặt ra: Có lập tức phải làm ngay hay để giai đoạn sau? Đây là những vấn đề đặt ra cần phải trả lời.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, tổng đầu tư Cảng HKQT Long Thành rất lớn, kéo dài rất nhiều năm nên cần tiếp tục rà soát, bảo đảm tính chính xác của tổng vốn đầu tư của toàn bộ D.A (3 giai đoạn), tránh phát sinh lớn chi phí đầu tư khi thực hiện. 

“Cần có phương án huy động vốn khả thi trên cơ sở cân đối ngân sách Nhà nước và vấn đề nợ công. Chỉ sử dụng vốn ngân sách vào những hạng mục đầu tư không thể huy động vốn từ doanh nghiệp”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu lưu ý. 

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, không nên sử dụng Sân bay Quân sự Biên Hòa để kết hợp khai thác hàng không dân dụng với Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất. Việc cải tạo, mở rộng Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất có thể nâng công suất khai thác lên 50 triệu khách/năm nhưng phải đầu tư kinh phí rất lớn giải tỏa đền bù, tái định cư (tương đương 9,1 tỷ USD), đồng thời, nhìn về dài hạn nếu nhu cầu vượt quá 50 triệu khách/năm thì cũng không thể tiếp tục mở rộng. Cho nên, việc đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành là cần thiết. Nhưng cần rà soát, tính toán lại diện tích của D.A xem có cần thiết sử dụng đến 5.000 ha đất không vì một phần lớn diện tích không liên quan trực tiếp đến D.A là 2.250 ha.

Chính phủ phải lo tái định cư cho dân

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, có 4.409,3 ha đất, chiếm 88,2% tổng diện tích 5.000 ha đất dự kiến thu hồi thực hiện D.A hiện các tổ chức, cá nhân đang sử dụng. Qua ý kiến tổng hợp, 4.116 hộ dân có đất thu hồi ủng hộ chủ trương thực hiện D.A Long Thành (chiếm 99,4%) và đề nghị sớm triển khai để các hộ dân ổn định cuộc sống; chỉ có 25 hộ có ý kiến không ủng hộ. 

“Dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã tính theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các nghị định hướng dẫn thi hành. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị trình Quốc hội xem xét, quyết định việc tách D.A bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải quyết việc làm, tổ chức lại cuộc sống cho các hộ dân có đất thu hồi thành D.A riêng và giao UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện”, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho biết.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, cần phải tính toán cụ thể vấn đề tái định cư, bồi thường đối với người dân bị thu hồi đất. “UBND tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch 2 khu tái định cư với diện tích 282,3 ha bảo đảm cho hộ dân dự kiến thu hồi đất. Nhưng ở đây, bà con sử dụng đất sản xuất rất nhiều, không chỉ đất ở. Bài toán này tôi thấy vẫn chưa có báo cáo phương án”. 

“Việc di dân tái định cư phải có đề án riêng, Chính phủ phải lo cho dân chứ tỉnh Đồng Nai dù có phát triển cũng khó lo được hết. Không được chủ quan”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh và cho rằng, phải hoàn thiện để báo cáo với Quốc hội phương án thu hồi đất.
Chốt lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, bổ sung làm rõ hơn sự cần thiết, vai trò trung chuyển của D.A hay giải quyết quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất. Nhất là, tiếp tục rà soát để giảm mức đầu tư, cơ chế tài chính cho D.A cả ngân sách, trái phiếu, ODA, hợp tác công - tư để bảo đảm hiệu quả kinh tế, không tác động đến nợ công, cũng như đời sống của người dân.

Chưa “rà” tính pháp lý D.A sân golf trong Sân bay Tân Sơn Nhất

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng, diện tích làm sân golf trong Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất là đất dự trữ quốc phòng, khu đất lưu không nằm trong vùng bảo đảm tĩnh không của sườn sân bay. Hiện nay, diện tích đất này được tận dụng để xây dựng sân golf theo kinh nghiệm của một số sân bay trên thế giới. Tổng vốn đầu tư D.A khoảng 6.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn của các công ty trong nước với quy mô diện tích đất sử dụng là 157,29 ha. Doanh nghiệp cam kết khi Nhà nước có nhu cầu sử dụng đất thì trả lại mà không yêu cầu bồi thường.

Ngoài ra, theo đánh giá của Bộ Quốc phòng, D.A cũng đóng góp cho ngân sách TP Hồ Chí Minh khoảng 114 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 1.200 lao động. Có nhiều ý kiến đề nghị rà soát tính pháp lý triển khai D.A sân golf, nhưng Ủy ban Kinh tế chưa có thời gian xem xét vấn đề này.


Thảo Nguyên