Kết luận trên của các công tố viên đã mở đường cho các công tố viên Nhà nước tiến hành điều tra liệu bà Park có phải rời nhiệm sở bởi Tòa án Hiến pháp vốn đang xem xét đề xuất của Quốc hội luận tội bà và có thể truy tố bà Park với tội danh nhận hối lộ cũng như lập danh sách đen các nghị sĩ có tư tưởng chống đối.

Thông báo của Văn phòng Công tố viên đặc biệt cho biết, Cơ quan Hưu trí Quốc gia của Hàn Quốc đã ủng hộ việc sáp nhập 2 chi nhánh của Tập đoàn Samsung trong năm 2015, bất chấp việc đã lường trước thiệt hại ước tính khoảng 138,8 tỷ won (khoảng 119,87 triệu USD).

Phát biểu tại cuộc họp báo, công tố viên Park Young-soo cho biết, Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong đã cấu kết với các quan chức khác trong tập đoàn, trong đó có người đứng đầu văn phòng chiến lược của Samsung, Choi Gee-sung để hối lộ bà Park và bà Choi Soon-sil, đổi lấy việc nhận được sự ủng hộ đối với việc kế nhiệm của ông này cũng như việc sáp nhập 2 chi nhánh của tập đoàn năm 2015.

Trong khi đó, luật sư của bà Park cho rằng, cáo buộc của công tố viên độc lập nhằm vào bà Park là "giả mạo", đồng thời khẳng định bà không nhận bất kỳ ưu đãi bất hợp pháp nào từ Samsung.

Dự kiến, Tòa án Hiến pháp có thể ra phán quyết về việc Quốc hội nước này ngày 9/12/2016 đưa ra đề xuất luận tội bà Park Geun-hye vào ngày 10/3 hoặc ngày 13/3, trước hoặc trùng với thời điểm quyền Chánh án Lee Jung-mi hết nhiệm kỳ.

Trong trường hợp Tòa án Hiến pháp chấp thuận đề xuất luận tội và đình chỉ chức vụ Tổng thống của bà Park Geun-hye, Hàn Quốc sẽ tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống trong vòng 60 ngày sau đó. Ngược lại, bà có thể trở lại làm việc cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ của mình vào tháng 2/2018.

PV