Tham nhũng, doping - mối đe dọa nghiêm trọng

Tại buổi họp báo mới đây, Wimbledon quyết định tăng tổng mức tiền thưởng 5% tại sự kiện ở All England Club lên 28,1 triệu bảng Anh. Số tiền thưởng kỷ lục lên tới 2 triệu bảng sẽ dành cho người chiến thắng tại Wimbledon 2016 - Grand Slam thứ 3 trong năm.

Tuy nhiên, trước những hân hoan, vui mừng, Chủ tịch của All England Club Philip Brook cũng phải thừa nhận, giải đấu uy tín này cần thiết phải bảo vệ niềm tin của công chúng, đồng thời khẳng định hình ảnh của thể thao đã bị đe dọa. Trong đó, 2 mối đe dọa lớn nhất phải kể tới là tham nhũng và doping.

Theo công bố mới đây của Tổ chức Minh bạch Quần vợt (TIU), trong quý đầu tiên của mùa giải 2016, đã có tới 48 trường hợp cảnh báo liên quan đến hành vi cá cược. So với cùng kỳ năm ngoái, số cảnh báo có liên quan đến dàn xếp tỷ số trong thi đấu quần vợt đã tăng thêm 17 trường hợp.

Đáng lưu ý, trong số các giải đấu lâu đời và chuyên nghiệp, có 1 trận đấu tại Australian Open và 1 trận tại WTA Tour vừa qua có liên quan đến những cảnh báo gian lận này.

Theo TIU, nếu như có thêm bằng chứng cho thấy các cảnh báo dẫn đến sự không minh bạch trong thi đấu thì tổ chức này sẽ tiến hành điều tra toàn diện và đầy đủ.

Chưa hết rúng động trước những con số mà TIU đưa ra, làng tennis lại vừa phải chịu thêm một "đòn" khi cựu vô địch Wimbledon Maria Sharapova dính bê bối dương tính với Meldonium.

Hiện vẫn chưa rõ ràng về việc nhà vô địch năm 2004 Sharapova (hiện bị tạm đình chỉ), có tham gia giải đấu năm nay hay không. Sharapova đang chờ kết quả cuộc điều trần.

Theo báo DailyMail (Anh), bê bối của Maria Sharapova đã làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh của Wimbledon. Chủ tịch All England Club Philip Brook đã phải thừa nhận, sự vắng mặt của Sharapova sẽ là “một sự xấu hổ lớn”, tuy nhiên, giải vẫn sẽ chào đón Maria Sharapova nếu cô hoàn toàn trong sạch. “Cô ấy từng là một nhà vô địch Wimbledon, và cô ấy rất nổi tiếng. Với những gì đã xảy ra, chúng ta cần phải tuân thủ đúng thủ tục và chờ đợi một kết quả thỏa đáng”.

Wimbledon cam kết chống tham nhũng

Cũng trong buổi họp báo, Wimbledon cam kết sẽ bảo vệ hình ảnh trong sạch bằng việc tăng cường các biện pháp chống doping và tham nhũng trong giải đấu lần thứ 130 năm nay.

Các biện pháp được đưa ra sẽ bao gồm: Thiết lập hệ thống dữ liệu và video của tất cả trận đấu, bao gồm cả các sự kiện vòng loại; tăng cường giám sát dữ liệu; nâng cao việc giáo dục ý thức của các vận động viên và kiểm soát chặt chẽ quá trình kiểm tra doping.

"Cho dù là vấn đề bảo đảm tính liêm khiết hay chống doping, chúng tôi cho rằng nên tăng cường những gì chúng tôi đang làm", Richard Lewis, Giám đốc Điều hành của All England Club cho biết trên Reuters.

Có thể thấy, Wimbledon đã trấn an người hâm mộ rằng, họ đang và sẽ quan tâm đặc biệt tới các mối đe dọa nghiêm trọng là tham nhũng và doping. Wimbledon là một trong những tổ chức cam kết cung cấp đầy đủ các yêu cầu từ cuộc điều tra độc lập đối với các trận đấu ấn định hiện đang được thực hiện bởi London QC Adam Lewis. Như đã cam kết, năm nay sẽ có thêm các biện pháp cụ thể chống tham nhũng tại giải vô địch, bao gồm quay phim mỗi trận đấu đảm bảo công bằng và trung thực.

Nhưng, có vẻ như, công chúng chưa thực sự hài lòng, tin tưởng với những cam kết, biện pháp mà Wimbledon đưa ra. Nhất là khi Chủ tịch Philip Brook, một mặt thừa nhận “rất khó để nói (các sự kiện năm nay) đã không chịu một tác động nào", một mặt lại nhận định: "Chúng tôi không nghĩ rằng đó là một vấn đề lớn, nhưng chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì để giữ cho bộ môn thể thao này được trong sạch. Đây là vấn đề thuộc về nhận thức hơn là thực tế".

DailyMail bình luận, minh bạch là một vấn đề lớn của quần vợt nói chung, Wimbledon nói riêng. Người hâm mộ có thể đặt câu hỏi, liệu những gì họ thấy - một trận đấu công bằng - còn có "góc khuất" nào khi mà các số liệu tài chính bị thiếu?

Cũng xung quanh câu chuyện minh bạch, đầu tuần này, vận động viên quần vợt chuyên nghiệp nổi tiếng Rafael Nadal đã yêu cầu Liên đoàn Quần vợt Quốc tế (ITF) công khai kết quả xét nghiệm doping của mình. Nadal cũng đã đệ đơn kiện cựu Bộ trưởng Thể thao Pháp Roselyne Bachelot khi bà cáo buộc rằng anh có sử dụng doping.

Tay vợt người Tây Ban Nha khẳng định, 7 tháng vắng mặt của anh vào năm 2012 là lúc mà anh phải chiến đấu với chấn thương. Tuy nhiên, bà Bachelot lại cho rằng anh dương tính với doping nên phải nghỉ một thời gian. Điều này đã tạo nên cuộc tranh cãi giữa 2 phía trong suốt thời gian qua.

Trước yêu cầu công khai kết quả xét nghiệm doping của Rafael Nadal, phía ITF đã từ chối, nhưng họ cũng cho biết các tay vợt có thể tự công khai kết quả xét nghiệm của mình.

Giải vô địch quần vợt Anh Wimbledon là giải đấu lâu đời và có uy tín nhất của môn quần vợt, được tổ chức vào khoảng tháng 6, tháng 7. Người hâm mộ, dù hoài nghi, nhưng vẫn chờ đợi một mùa giải mới sạch bóng tham nhũng, doping.

Hoài Phương