Vậy ông Hồng có tài giỏi như sự giao phó của Tổng Giám đốc Nghiêm Sĩ Minh?

Thứ nhất, Cty CP Xây dựng K2 là một doanh nghiệp nhỏ (vốn điều lệ chỉ có 7,2 tỷ đồng), nhưng khi ông Hồng về lãnh đạo thì đơn vị này được HANCORP  cho vay trên 30 tỷ đồng. Việc làm được cho là "lớn lao" của vị lãnh đạo này tại đây là cho bán tài sản lớn của Cty là Nhà máy gạch Nga Sơn thu về 17 tỷ đồng để trang trải nợ nần và sản xuất kinh doanh ngày càng đi xuống. 

Đến nay, thực trạng Cty CP Xây dựng K2 là nợ nần chồng chất (nợ ngân hàng và khách hàng... khoảng 100 tỷ đồng,  nợ bảo hiểm xã hội  trên 7 tỷ đồng), công nhân biểu tình... 

Đặc biệt, để hỗ trợ cho Cty CP Xây dựng K2, HANCORP còn ưu ái giao cho làm chủ đầu tư thứ phát để đầu tư xây dựng kinh doanh 1 toà nhà tại Dự án Khu đoàn ngoại giao tại Từ Liêm, Hà Nội. Nhưng thực tế, qua nhiều tài liệu cho thấy, người đứng ra nộp tiền hạ tầng cho HANCORP lại không phải doanh nghiệp này. Liệu đây có phải chiêu "mượn danh" để giành dự án, kiếm lợi riêng?


Mặc dù Bộ Xây dựng nhiều lần có văn bản  yêu cầu bổ sung Hội đồng Thành viên, làm quy trình bổ nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng Thành viên, nhưng lãnh đạo HANCORP vẫn không thực hiện.

Thứ hai, năm 2010, HANCORP quyết định thành lập Cty CP Thiết bị và Vật liệu xây dựng HANCORP với mục tiêu sản xuất gạch blog bê tông khí chưng áp phục vụ các dự án xây dựng của Tổng Cty và xã hội. HANCORP đã góp 80% vốn, tương đương 32 tỷ đồng, giao cho ông Hồng làm Tổ trưởng Quản lý vốn với chức danh Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Đến nay, số tiền được đầu tư đã lên tới 40 tỷ đồng, nhưng dự án mới chỉ trơ trọi mấy khung nhà sắt đã bị hoen gỉ nhiều.

Thứ ba là Cty CP Đầu tư bất động sản HANCORP cũng được thành lập mới vào năm 2010 với số vốn điều lệ 30 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, nợ bảo hiểm, nợ lương công nhân, có nguy cơ mất vốn đầu tư.

Với cách điều hành như đã kể trên, ông Hồng vẫn được quy hoạch và là một ứng cử viên sáng giá vào vai Tổng Giám đốc HANCORP.

Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP Hà Nội đã chính thức "quan tâm" tới các sai phạm này.

Công tác cán bộ lạ đời như chúng tôi đã dẫn chiếu ở trên (và các bài báo trước đây) và những gì đã và đang diễn ra ở HANCORP cho thấy, có quá nhiều vấn đề bất ổn, có dấu hiệu lợi ích nhóm. 

Cung cấp tới Báo Thanh tra, một cán bộ của HANCORP bất bình cho biết: Tôi và nhiều đồng chí trong Thường vụ Đảng uỷ Tổng Cty đã nhiều lần có ý kiến trong các cuộc họp và cả bằng văn bản góp ý nhưng các lãnh đạo không nghe. Thậm chí, họ còn bất chấp cả các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cụ thể như: Tổng Cty hiện đang còn thiếu nghiêm trọng về số lượng Hội đồng Thành viên (chỉ có 2/5 ). Ông Nghiêm Sĩ Minh là Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng Cty kiêm quyền Chủ tịch Hội đồng Thành viên đã 10 tháng. Theo Khoản 3 Điều 18 Điều lệ Tổng Cty đã được Bộ Xây dựng phê duyệt thì sự thay đổi Hội đồng Thành viên không quá 60 ngày.

Với vai trò Bí thư Đảng uỷ HANCORP (có trên 2.000 đảng viên), ông Minh đã không tổ chức họp Ban Thường vụ Đảng uỷ Tổng Cty theo Quy chế. Theo Quy chế hoạt động của Đảng bộ là 1 tháng họp 1 lần, nhưng thực tế họp rất ít (3 tháng, thậm chí hơn 5, 6 tháng họp 1 lần). Không chấp hành Nghị quyết của Ban Thường vụ về công tác tổ chức cán bộ.

Ngay từ thời điểm trực thuộc Tập đoàn HUD, HANCORP đã được HUD chỉ đạo nhiều lần về công tác rà soát, bổ sung quy hoạch và hoàn chỉnh quy hoạch cán bộ quản lý tại đơn vị; chấm dứt tình trạng thành viên Hội đồng Thành viên kiêm nhiệm công tác quản lý điều hành tại các doanh nghiệp thành viên. Bộ Xây dựng đã có 5 văn bản đôn đốc  và hướng dẫn bổ sung hội đồng thành viên nhưng ông Minh vẫn không triển khai quyết liệt mà cố tình kéo dài. Đã qua 2 lần bỏ phiếu tín nhiệm ở tập thể cán bộ chủ chốt, 1 lần Ban Chấp hành mở rộng và 1 lần Ban Thường vụ, nhưng đến nay, Hội đồng Thành viên vẫn không bổ sung được, vẻn vẹn có 2/5 như ban đầu.


Sau nhiều năm chuẩn bị cho công tác nhân sự, nhưng đến nay HANCORP vẫn chưa có người đảm nhiệm chức danh Tổng Giám đốc, mà chỉ dừng lại ở quyết định giao "quyền" mà thôi.

Qua các lần họp kể trên đã đưa ra được danh sách một số ứng cử viên đủ điều kiện vào Hội đồng Thành viên, nhưng ông Minh lại không tiến hành làm quy trình báo cáo Bộ Xây dựng bổ nhiệm theo quy định. Bên cạnh việc trì hoãn việc hoàn thiện Hội đồng Thành viên ông Minh lại đề nghị họp lấy phiếu thăm dò chức danh Tổng Giám đốc. Và, 2 cá nhân được tín nhiệm là ông Nguyễn Minh Cương - Phó Tổng Giám đốc, Thường vụ Đảng uỷ (đạt 55% tín nhiệm) và Bùi Xuân Dũng - Phó Tổng Giám đốc, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ (đạt 45% tín nhiệm). Trong cuộc họp bỏ phiếu này, tập thể Ban Thường vụ Đảng uỷ đã nhận xét với ông Nguyễn Minh Cương: Có kinh nghiệm, năng lực tổ chức sản xuất và điều hành doanh nghiệp tốt hơn. Có khả năng hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. Tìm kiếm công ăn việc làm cho Tổng Cty tốt hơn. Đặc biệt là khi Tổng Cty bước sang cổ phần hoá, đồng chí Cương là người có uy tín và biết tập hợp quần chúng, biết vận dụng và phát huy trí tuệ của tập thể ...

Ngày 11/7/2013, theo sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng, HANCORP triệu tập gần 80 cán bộ chủ chốt (đang làm việc trong cả nước) về trụ sở tại Hà Nội để hoàn thiện công tác tổ chức cán bộ. Thế nhưng, khi các cán bộ khắp nơi trong cả nước có mặt đầy đủ tại Hà Nội, thì ông Minh lại tuyên bố huỷ vì  đại diện của Bộ không về.

Ngày 26/7/2013, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 698/QĐ-BXD giao quyền Tổng Giám đốc cho ông... Bùi Xuân Dũng!

Lý giải về hành động "kỳ quặc" kể trên, có ý kiến cho rằng do sợ "hỏng" nhân sự của mình nên mới có chuyện huỷ họp, rồi ra quyết định giao "quyền" thay vì bỏ phiếu công khai.

Như vậy, sau nhiều  năm làm công tác cán bộ (từ khi còn trực thuộc Tập đoàn HUD đến nay) tại HANCORP lại trở về con số 0.

Vì sao một Tổng Cty lớn như HANCORP mà đến nay các chức danh Chủ tịch Hội đồng Thành viên và Tổng Giám đốc vẫn chỉ là giao "quyền"? Bộ máy Hội đồng Thành viên vẫn chỉ có 2 người; phải chăng là để dễ bề định đoạt vận mệnh của HANCORP? Việc ông Đào Xuân Hồng điều hành kém hiệu quả nhưng vẫn được thăng chức, giao điều hành nhiều doanh nghiệp, giao dự án hời... và tất cả những khuất tất kể trên để người ta dễ liên tưởng một "sân sau" của một nhóm lợi ích. 

Những vấn đề này rất cần Bộ Xây dựng và các cơ quan chức năng làm rõ.
 
Nhóm PV
Bài 4 >> Những điều trông thấy mà đau đớn lòng