>> Còn sai phạm chưa được làm rõ

Mờ ám cần tiếp tục làm rõ


Theo hợp đồng thỏa thuận giữa UBND xã Hồng Thái với ông Đồng Văn Mừng và ông Đồng Văn Trường về việc thầu đầm Đông Dê nuôi thả cá, thời hạn được xác định từ 31/12/2005 đến 21/12/2013. Trong khi 2 hộ đang sản xuất ổn định thì UBND xã đột ngột thanh lý hợp đồng trước thời hạn (vào ngày 24/1/2011) và chi trả cho họ 813 triệu đồng, trong đó có 130 triệu đồng tiền nộp thầu và gần 700 triệu tiền xã đền bù hỗ trợ hủy hợp đồng trước thời hạn. Đây là điều phi lý, vì xã không còn thu được đồng tiền nào, lại còn phải chi một khoản tiền âm lớn đến như vậy!

Thanh lý xong đầm, UBND xã để hoang  hóa 8 tháng với hơn 55 ha đất ao đầm và đất trồng lúa. Mãi đến ngày 23/9/2011, UBND xã mới cho ông Ngô Chí Cường (người trong huyện) thuê diện tích đầm và ruộng nói trên để nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả làm dịch vụ sinh thái. Như vậy, ông Cường đã được phép thay đổi mục đích sử dụng đất khi diện tích đất chưa được lập quy hoạch cho dự án nuôi trồng và sinh thái bởi vì mãi đến ngày 29/2/2012 UBND huyện Phú Xuyên mới cấp Giấy phép kinh doanh số 01P8003375 cho ông Cường. Điều này liệu có sự tiếp tay của cán bộ địa phương xã Hồng Thái và huyện Phú Xuyên?

Theo kết luận của UBND huyện, khoản tiền 813 triệu đồng xã chi trả cho ông Mừng và ông Trường lấy từ tiền ký cược táp lò của các chủ lò gạch trong xã và xã đã không viết phiếu chi tiền.

Kết luận trên chứng tỏ rằng, UBND xã Hồng Thái đã thu nguồn tiền ít ra tương đương 813 triệu đồng không chuyển vào tài khoản của xã và đã chi trả khoản tiền đó ngoài luồng, không thực hiện theo quy định của Luật Kế toán. Từ thực tế mờ ám này, một số người dân của địa phương nghi ngờ UBND xã Hồng Thái có quỹ đen.

Cũng theo kết luận của UBND huyện Phú Xuyên, ngày 24/1/2011, UBND xã thanh lý hợp đồng trước thời hạn và sau đó chi trả 813 triệu đồng cho ông Mừng và ông Trường. Thế nhưng, gần 2 năm sau, ngày 29/1/2013, khi Báo Thanh tra có bài phản ánh tiêu cực nói trên thì vào ngày 1/2/2013, UBND xã Hồng Thái vội vàng gửi giấy mời ông Mừng và ông Trường lên xã để dự hội nghị về công tác thanh lý đầm Đông Dê!. Rõ ràng, đây là cách làm nhằm hợp thức hóa các sai phạm của UBND xã Hồng Thái.

Người chống tiêu cực bị bôi nhọ

Những sai phạm trên đây được ông Phạm Hoàng Dậu là người gốc ở xã Hồng Thái làm đơn phản ánh, đã được UBND huyện Phú Xuyên vào cuộc và kết luận. Mặc dù một số sai phạm đã được nhận diện nhưng ông Phạm Hoàng Dậu vẫn chưa đồng tình với kết luận khi trách nhiệm liên đới của những cán bộ cấp xã, cấp huyện có liên quan vẫn chưa được xác định… Đó là lý do ông Dậu tiếp tục làm đơn phản ánh.

Bức xúc trước tinh thần đấu tranh chống tiêu cực quyết liết của ông Phạm Hoàng Dậu, UBND xã Hồng Thái cho rằng, ông Dậu đã xa quê, nay trở về đòi hỏi một số quyền lợi cá nhân nhưng không được đáp ứng nên quay ra làm đơn, với luận điệu của người đi ngược lại với đường lối của Đảng và Nhà nước, gây mất ổn định an ninh địa phương… Nội dung trên được phát nhiều lần trên hệ thống loa truyền thanh của xã vào ngày 5/10/2012.

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Dậu bức xúc: Thấy sai phạm, tôi đấu tranh vì lẽ phải, vì sự phát triển của quê hương, lãnh đạo xã không khắc phục lại quay ra bôi nhọ, chụp mũ tôi. Xét thấy vấn đề nghiêm trọng, tôi làm đơn khiếu nại việc làm sai trái trên.

Nhận thấy việc phát bản tin sai sự thật trên hệ thống loa truyền thanh xã là sự xúc phạm đối với công dân, ngày 27/11/2012, UBND xã Hồng Thái đã có cuộc họp để hòa giải với ông Dậu. Phía lãnh đạo xã có đủ các thành phần: Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, Trưởng Công an xã…

Tại cuộc trao đổi, ông Dậu khẳng định: Bản tin được phát trên loa truyền thanh xã cố tình vu khống, bịa đặt, bôi nhọ danh dự của mình. Phía UBND xã Hồng Thái cũng thừa nhận: Ông Nguyễn Văn Sanh, Trưởng Công an xã do bận công việc đã không kiểm soát được anh em, ra thông báo câu chữ chưa hoàn chỉnh, sẽ… rút kinh nghiệm!

Cách cư xử không đúng của chính quyền xã Hồng Thái là bài học đắt giá đối với các cấp chính quyền ở nhiều địa phương khác trong việc giải quyết đơn thư của người đấu tranh chống tiêu cực. Thử hỏi, một chính quyền cấp xã thực hiện một biện pháp như thế để “dằn mặt” người chống tiêu cực thì còn ai đủ dũng cảm đứng lên chỉ ra cái sai nhằm góp phần lập lại một sự minh bạch, công bằng cho xã hội.
 
   Bài và ảnh: Lộc Nga