D.A Khu DC - DVDLLCĐD được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt quy hoạch chi tiết vào tháng 12/2010, với diện tích hơn 25ha đất và mặt nước. Qua 3 lần phải đổi chủ đầu tư do thiếu năng lực tài chính, đến tháng 3/2015, D.A được UBND tỉnh giao cho Cty Cổ phần Beton 6 làm chủ đầu tư.

Vào tháng 6 và 9/2016, UBND thị xã Điện Bàn ban hành 2 quyết định phê duyệt phương án chi tiết bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho 137 hộ dân bị ảnh hưởng, với tổng số tiền hơn 29 tỷ đồng và Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất (TTPTQĐ) Điện Bàn đã chi trả cho 123 trường hợp gần 28 tỷ đồng.

Đáng nói là, vào ngày 29/10/2015, UBND thị xã đã ban hành Thông báo số 538 về chủ trương thu hồi đất để thực hiện D.A. Tiếp đó, Chi nhánh TTPTQĐ cùng UBND phường Điện Dương tổ chức họp dân, thông báo thu hồi đất và sử dụng biên bản kiểm kê năm 2010 cùng biên bản kiểm kê bổ sung năm 2015 để trình phê duyệt phương án mà không hề có chủ trương của UBND thị xã là không đảm bảo cơ sở pháp lý.

Tại các biên bản kiểm kê công trình, vật kiến trúc của 21 trại nuôi tôm không phải là biên bản kiểm kê thực tế, mà sao chép từ biên bản năm 2010 và bổ sung năm 2015.

Qua xác minh, một số trường hợp biên bản được lập không thể hiện sơ đồ nhà cửa, vị trí, loại đất, nguồn gốc đất... Công tác kiểm kê, đo đạc không đúng thành phần theo quy định, việc niêm yết danh sách công khai không được thực hiện. Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm định phương án của thị xã đã không căn cứ vào biên bản kiểm tra thực tế để thẩm định hồ sơ D.A, tạo kẻ hở cho các sai phạm về sau.

Đối với 21 trại nuôi tôm, công trình xây dựng được UBND phường Điện Dương cho thuê đất trả tiền hàng năm, nhưng nguồn gốc đất này là đất rừng trồng phòng hộ và đất hoang do phường quản lý. Việc cho thuê đất trên để xây dựng trang trại, công trình nhưng không dựa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt là không đúng quy định của Luật Đất đai.

Sau khi đã có Thông báo số 538 ngày 29/10/2015 về thu hồi đất triển khai D.A, nhưng tháng 12/2015, UBND phường Điện Dương vẫn ký kết hợp đồng cho 14 hộ dân thuê đất xây dựng trang trại trong vùng D.A; trong đó có 2 hộ dân được thuê đất lần đầu.

Hậu quả là, việc xác định mức bồi thường trình phương án phê duyệt của 21 trại nuôi tôm, công trình... với giá trị bồi thường 100% không đúng quy định của pháp luật; vì xây dựng trên đất không hội đủ điều kiện được bồi thường về đất, chỉ có 6 trường hợp thuê đất trước khi có thông báo thu hồi đất được bồi thường 80% giá trị.

Đồng thời, căn cứ nội dung Điều 2 Hợp đồng cho thuê mặt bằng giữa UBND phường Điện Dương và các hộ thuê đất thể hiện: “Trong thời gian hợp đồng, nếu Nhà nước và địa phương có chủ trương thu hồi đất, thì các hộ dân có trách nhiệm hoàn trả lại đất đã thuê và tự tháo dỡ trang thiết bị, vật kiến trúc trên đất thuê”. Đồng nghĩa với việc các hộ thuê đất không được bồi thường thiệt hại về đất.

Đối với 14 trường hợp thuê đất phát sinh sau khi có thông báo thu hồi đất, trong đó 12 trường hợp chỉ được bồi thường với tỷ lệ 80% và 2 trường hợp không được bồi thường vì tài sản được lập sau khi có thông báo thu hồi đất của cấp thẩm quyền. Tuy nhiên, tất cả các hộ được áp giá đền bù 100% là không đúng quy định.

Ngoài ra, còn có 9 trường hợp lấn chiếm đất ngoài diện tích thuê để sử dụng, nhưng khi kiểm kê lại đưa vào biên bản và xác định đơn giá đền bù 100%. Trong đó, ông Lê Văn Cương xây dựng nhà dưới lấn chiếm đất rừng trồng tại thửa số 637, tờ bản đồ số 6 do Nhà nước quản lý, nhưng được bồi thường, hỗ trợ hơn 81,7 triệu đồng.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi: Vì sao đất đã có thông báo thu hồi nhưng UBND phường lại tiếp tục ký hợp đồng cho thuê? Ông Đinh Hùng Liên, Chủ tịch UBND phường Điện Dương cho hay: “Do chủ quan và vì các trại nuôi tôm thua lỗ nên UBND phường ký hợp đồng tiếp tục cho thuê đất để buộc chủ hồ nuôi tôm phải thanh toán các khoản nợ tiền điện, tiền thu ngân sách cho phường...”.

Tổng hợp các sai phạm trong xác định và áp giá đền bù tại 22 mã số hồ sơ D.A Khu DC - DVDLLCĐD đã làm tăng giá trị bồi thường lên hơn 4,76 tỷ đồng. Điển hình như: Ông Văn Đức Liễu được bồi thường không đúng quy định hơn 167 triệu đồng; ông Văn Đức Thắng hơn 864 triệu đồng; ông Lê Văn Bốn gần 294 triệu đồng; ông Đoàn Ngọc Qua gần 192 triệu đồng; bà Nguyễn Thị Bích 209 triệu đồng; bà Phan Thị Hoài Tâm gần 279 triệu đồng... Riêng ông Lê Thanh Sáu qua 5 hồ sơ đền bù với tổng giá trị hơn 3 tỷ đồng, đã nhận trái quy định hơn 1,038 tỷ đồng.

Theo điều tra của chúng tôi, vì thấy “ngon ăn” nên dù đã có trại nuôi tôm được áp giá đền bù, ông Sáu tiếp tục mua lại 3 trại tôm cũ của người khác rồi “móc nối” lập thủ tục nhận tiền đền bù cao hơn nhiều so với giá mua hồ tôm cũ nhằm thu lợi.

Sai phạm còn thể hiện ở một số hạng mục không có trong biên bản kiểm kê thực tế vẫn được đền bù hơn 92 triệu đồng; áp giá không đúng và nhập phương án sai lỗi số học làm tăng kinh phí bồi thường 211 triệu đồng; nhận tiền đền bù 2 tuyến đường bê tông và một hầm trú bão không đúng đối tượng với tổng số tiền hơn 154,7 triệu đồng. Đặc biệt là, khối lượng kiểm kê thực tế giảm nhiều so với phương án được duyệt với tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng. Cụ thể như: Trại nuôi tôm của ông Văn Đức Liễu và Ngô Cư được đền bù tăng 132 triệu đồng; trại nuôi tôm của ông Lê Thanh Sáu mua lại ông Nguyễn Tấn Hồng tăng 223 triệu đồng; trại của ông Văn Đức Đông tăng 198 triệu đồng...

Bài II: Người trong cuộc nói gì?

Ngọc Phó