Cho mượn đất rồi bị chiếm đoạt?

 Ông Phạm Duy Khải, trú tại thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, là bị đơn tại Vụ án dân sự số 138/2020/TLPT-DS phản ánh, năm 2001, ông Khải cho ông Đinh Văn Thành và bà Lê Thị Huyền là nguyên đơn của vụ án mượn khu đất có diện tích khoảng 11,7ha tại thôn 7 xã Bom Bo, huyện Bù Đăng.

Nguồn gốc đất 11,7ha này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), do ông Khải đã mua của một số người dân và tự khai phá. Diện tích đất này đã có sự xác nhận của chính quyền địa phương; có văn bản của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng hướng dẫn ông Khải trồng rừng năm 2000; xác nhận của một số người nguyên là cán bộ thôn 7 xã Bom Bo thời điểm đó...

Tại thời điểm ông Khải cho ông Thành mượn 11,7 ha đất, hai bên có lập giấy tờ viết tay ngày 1/12/2001; thời gian mượn đất từ tháng 12/2001 - 5/1/2005; hiện trạng trên đất đã trồng cây điều và cây xà cừ.

Trong giấy mượn đất có ghi rõ: “Ông Khải cho ông Thành mượn đất để trồng cây mì và thuê ông Thành làm cỏ, chăm sóc cây điều trên đất. Ông Khải trả công cho ông Thành 300.000đ/ha/năm”.

Đến cuối năm 2005, ông Thành tự ý dựng chòi và công khai chiếm dụng đất của ông Khải; sau đó giữa hai bên xảy ra tranh chấp diện tích 7,59ha cây điều.

Ngày 24/10/2017, ông Thành và bà Huyền đã có đơn khởi kiện ông Khải tới TAND huyện Bù Đăng.

Trong đơn, ông Thành, bà Huyền khẳng định cùng ông Phạm Duy Khải, ông Phạm Ngọc Thức, bà Võ Thị Bình khai hoang khoảng 12ha đất thuộc khoảnh 3 tiểu khu 151; 5,75ha thuộc khoảnh 1 tiểu khu 154; 1,84ha thuộc thôn 7 xã Bom Bo từ năm 2000.

Sau đó, diện tích trên đã được chia làm 3 phần, riêng ông Khải đã bán phần của mình cho người khác.

Ông Thành tố cáo ông Khải có hành vi hủy hoại tài sản của mình vào năm 2005 và chiếm đoạt thu hoạch hạt điều từ năm 2014 - 2017; khẳng định không mượn đất của ông Khải và không ký vào hợp đồng mượn đất ngày 1/12/2001.

Ông Thành còn yêu cầu TAND huyện Bù Đăng buộc ông Khải phải bồi thường số lượng hạt điều mà ông Khải đã chiếm đoạt từ năm 2014 -2017, với tổng giá trị hơn 700 triệu đồng; buộc ông Khải phải tháo dỡ căn nhà chòi đã dựng trên diện tích đất tranh chấp vào năm 2014.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 22/2020/DS-ST, TAND huyện Bù Đăng tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Đinh Văn Thành, bà Lê Thị Huyền; công nhận các tài sản thuộc quyền tải sản của ông Thành, bà Huyền gồm: 621 cây điều trồng năm 2001, 156 cây điều trồng dặm năm 2014; 1 căn nhà cấp 4 xây diện tích 5mX37m xây năm 2010 trên diện tích đất 49.752,8m2 tại thôn 7 xã Bom Bo; 192 cây điều trồng năm 2001, 48 cây điều trồng dặm năm 2014 trên diện tích đất 15.372m2 tại thôn 7 xã Bom Bo; 245 cây điều trồng năm 2001 và 62 cây điều trồng dặm năm 2014 trên diện tích đất 19.696m2 tại thôn 7 xã Bom Bo - vị trí, tọa độ các thửa đất được ghi nhận theo bản đồ địa chính ngày 23/01/2018; tạm giao cho ông Thành, bà Huyền tiếp tục quản lý thu hoạch cây trồng trên diện tích đất 49.752m2 , 15.372m2 cho đến khi Nhà nước có yêu cầu theo quy định; giao cho ông Thành, bà Huyền tiếp tục quản lý, thu hoạch cây trồng trên diện tích đất 19.696m2 và có quyền liên hệ cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục cấp GCNQSDĐ; buộc ông Khải phải tháo dỡ căn nhà cấp 4 diện tích 4,2mX11m xây năm 2014 trên diện tích đất 49.752m2.

TAND huyện Bù Đăng không chấp nhận các yêu cầu phản tố của bị đơn ông Phạm Duy Khải về việc: Yêu cầu ông Thành phải tháo dỡ một số công trình xây dựng trên diện tích 49.752m2; yêu cầu ông Thành hoàn trả cho ông Khải số tiền 600 triệu đồng thu lợi trái phép cây trồng trên diện tích đất từ 2016-2018.

Không chấp nhận phán quyết của tòa, ông Phạm Duy Khải đã làm đơn kháng cáo lên TAND tỉnh Bình Phước.

Ngày 27/4/2022, TAND tỉnh Bình Phước đã xét xử phúc thẩm Vụ án dân sự số 138/2020/TLPT-DS về việc “tranh chấp quyền sở hữu tài sản”.

Bản án số 31/2022/DS-PT của TAND tỉnh không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn là ông Khải, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.

Xuất hiện nhiều dấu hiệu vi phạm trình tự, thủ tục tố tụng

Nhận định vụ việc này, luật sư Nguyễn Thanh Long, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng, có nhiều dấu hiệu cho thấy HĐXX hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm thiếu công tâm, khách quan, thậm chí vi phạm trình tự, thủ tục tố tụng.

Luật sư Long nêu rõ, chứng cứ quan trọng là “hợp đồng mượn đất” được thu thập xem xét, nhưng không được đánh giá một cách toàn diện.

Năm 2014, trong quá trình giải quyết, tranh chấp, liên quan đến vụ án khác, ông Khải đã giao nộp bản chính “giấy viết tay hợp đồng mượn đất” này cho TAND huyện Bù Đăng có biên nhận.

Ngày 8/5/2020, sau khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, luật sư Long đã có đơn đề nghị tạm ngừng phiên tòa và đề nghị HĐXX tiến hành thu thập chứng cứ là “hợp đồng cho mượn đất” bản chính ngày 1/12/2001 làm cơ sở giải quyết vụ án.

Tuy nhiên, HĐXX cấp sơ thẩm đã không tiến hành thu thập tài liệu chứng cứ này.

Tại phiên tòa, lời khai của bên nguyên đơn và bị đơn hoàn toàn mâu thuẫn nhau, thậm chí bên nguyên đơn đã phủ nhận sự tồn tại của “hợp đồng cho mượn đất” ngày 1/12/2001.

Tại giai đoạn phúc thẩm, TAND tỉnh Bình Phước đã thu thập được chứng cứ là “hợp đồng cho mượn đất” ngày 1/12/2001 bản chính và tiến hành giám định chữ viết “Đinh Văn Thành” trong hợp đồng này.

Ngày 19/5/2021, Phân Viện khoa học hình sự tại TP Hồ Chí Minh đã có Kết luận giám định số 1454 nêu rõ: Chữ viết “Đinh Văn Thành” dưới mục “bên mượn” trên tài liệu từ M1 đến M9 là do cùng một người viết ra.

Điều đó có cơ sở chứng minh lời khai của ông Phạm Duy Khải về việc cho ông Đinh Văn Thành mượn 11,7ha để trồng hoa màu và cây ngắn ngày trong thời gian từ tháng 12/2001 - 5/1/2005 là sự thật.

Tuy nhiên, HĐXX cấp phúc thẩm lại nhận định: “Đây là hợp đồng bị bên nguyên đơn phản đối toàn bộ và ông Khải không chứng minh được nội dung trong hợp đồng là có thật… cũng không có chữ ký của người làm chứng là ông Thức, thêm vào đó cũng không thể hiện cụ thể vị trí đất nằm ở tiểu khu nào… Vì vậy, HĐXX không chấp nhận nội dung “hợp đồng cho mượn đất” này là sự thật”.

Luật sư Long còn chỉ ra, tòa án hai cấp đánh giá lời khai của người làm chứng chưa khách quan, đặc biệt là việc cho rằng những lời khai làm chứng có lợi cho bị đơn mâu thuẫn với nguyên đơn, nhưng không tiến hành đối chất theo quy định tại Điều 100 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; cụ thể, đó là lời khai của bà Phạm Thị Biên, bà Lê Thị Kim Loan, ông Lê Văn Chia, ông Nguyễn Văn Lương, ông Hoàng Thanh Tùng, ông Trần Văn Dũng, ông Nguyễn Văn Mười...

Trong khi đó, toàn bộ các nhân chứng của nguyên đơn lại không phải người sinh sống tại địa phương trước thời điểm xảy ra tranh chấp.

Việc HĐXX không tiến hành xác minh nhân thân, không đối chất mà chỉ dựa vào những lời khai này để đưa ra các phán quyết, luật sư Nguyễn Thanh Long đã dẫn lời khai của ông Trần Quốc Lịch tại bản tự khai ngày 6/2/2018 viết: “Đến năm 2014 thì tôi thấy ông Khải cho quân xã hội đen vào quấy phá…”. Trên thực tế, từ năm 2003, ông Lịch đã phải đi thụ lý án 14 năm cho thấy thời điểm ông Lịch tự khai thì mới mãn hạn tù; vậy, không có căn cứ để nhân chứng chứng kiến sự việc xảy ra từ năm 2014.

Cũng tại phiên tòa phúc thẩm, trong thời gian nghị án kéo dài từ ngày 13/4/2022 - 27/4/2022, HĐXX đã tiến hành thu thập thêm chứng cứ là lời khai của bà Võ Thị Bình ngày 18/4/2022.

Tuy nhiên, Bà Bình lại là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ở giai đoạn sơ thẩm trở thành người làm chứng ở giai đoạn phúc thẩm đã từ chối tham gia phiên tòa.

Việc HĐXX cấp phúc phẩm thu thập lời khai, chứng cứ mâu thuẫn với bị đơn mà không thực hiện việc đối chất giữa bà Bình với bị đơn đã vi phạm thủ tục tố tụng theo Điều 100 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, luật sư khẳng định.

Ở một diễn biến khác, HĐXX cấp phúc thẩm lập luận rằng: “Bà Bình từ chối đối chất, có đơn xin vắng mặt và có ủy quyền cho ông Thành làm đại diện. Do vậy không thể đối chất trực tiếp giữa ông Thức, bà Bình với ông Khải được, nhưng thực tế xem như đã có đối chất vì ông Thành là người đại diện ủy quyền của ông Thức và bà Bình”.

Luật sư Long cho rằng, lập luận này của HĐXX thể hiện việc đánh giá lời khai chứng cứ chưa toàn diện, thiếu tính khách quan và vi phạm thủ tục tố tụng; chưa kể, lời khai của bà Bình và ông Thành mặc dù có tính liên kết với nhau nhưng lại mâu thuẫn với “hợp đồng cho mượn đất” ngày 1/12/2001.

Bên cạnh đó, HĐXX cấp phúc thẩm đã đưa ra Nghị quyết số 04/2005/NQ-HĐTP ngày 17/9/2005 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về “chứng minh và chứng cứ” để thực hiện việc thu thập chứng cứ mới trong thời gian nghị án kéo dài. Tuy nhiên, nghị quyết trên hiện nay đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP.

Không đồng ý với phán quyết của hai cấp tòa, ông Phạm Duy Khải đã làm đơn đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm với Bản án phúc thẩm số 31/2022/DS-PT và Bản án dân sự sơ thẩm số 22/2020/DS-ST.

Vân Thúy