Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 04/07/2013 - 10:13
(Thanh tra)- Bộ Y tế cho biết, qua áp dụng quy chế đấu thầu thuốc vào bệnh viện (BV) theo quy định mới, một số sở y tế đã giảm chi hàng chục tỉ đồng so với kế hoạch xây dựng trên cơ sở giá trúng thầu năm trước. Tuy nhiên, giá thuốc rẻ đang đi kèm với nỗi lo về thuốc kém chất lượng.
Tiền chi cho thuốc giảm mạnh
Theo Bộ Y tế, khảo sát nhanh kết quả trúng thầu thực hiện theo quy định mới về đấu thầu thuốc cho thấy đã tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng chi phí tiền thuốc cho các cơ sở y tế. Đơn cử như Sở Y tế Quảng Ninh giảm/tiết kiệm được khoảng 40 tỉ đồng (20%); Sở Y tế Hà Tĩnh giảm khoảng 32 tỉ đồng (25%); Sở Y tế Hậu Giang giảm/tiết kiệm được khoảng 57 tỉ đồng (31%)...
Phân tích kết quả trúng thầu của 7 Sở Y tế theo quy định mới báo cáo về Bộ Y tế cho thấy, trị giá tiền mua thuốc theo giá thuốc trúng thầu năm 2013 của 20 mặt hàng thuốc có tỷ trọng sử dụng cao tại các BV đã giảm được 115,49 tỷ đồng so với năm 2012. So sánh giá của các mặt hàng thuốc cụ thể và nhà sản xuất, cùng tên thương mại trúng thầu năm 2012 (thời điểm vẫn áp dụng quy định cũ về đấu thầu thuốc) và năm 2013 (khi đã áp dụng quy định mới) tại các BV, hầu hết các mặt hàng năm 2013 đều có giá giảm hơn so với năm 2012. Nhiều mặt hàng có giá giảm mạnh như Fascort giảm 42,86%, Quincef giảm giá 34,64%, Teonam giảm 10,6%, Getzlox giảm 6,88%... Tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng cũng được dự báo số tiền chi cho đấu thầu mua thuốc cũng giảm đáng kể so với năm 2012.
Dược sĩ Vũ Tuấn Cường, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, năm 2013, Sở không chỉ tiết kiệm được 40 tỷ đồng do giá thuốc trúng thầu vào các BV giảm mà việc thực hiện Thông tư 01 và Thông tư 11 còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh bình đẳng, công bằng với thuốc ngoại nhập. Sở Y tế Quảng Ninh đã định hướng cho các BV trực thuộc khi đấu thầu thuốc phải xem xét, nâng tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước. Kết quả trong nửa đầu năm 2013, thuốc sản xuất trong nước trúng thầu vào các BV tại Quảng Ninh đã tăng từ 46% lên 52,4%...
Tuy nhiên, phản ánh từ một số BV đầu ngành như Việt Đức, Bạch Mai cho biết, một số loại thuốc có thể chỉ rẻ hơn 100 đồng/đơn vị nhưng cũng trúng thầu và thuốc đó chất lượng lại rất kém. Một số thuốc “nhái” có thể rẻ hơn 300% so với thuốc gốc của hãng dược phẩm các nước có công nghiệp dược phát triển nhưng chất lượng rất thấp, tác dụng rất hạn chế qua thực tế điều trị.
Giá rẻ chất lượng khó tốt!
Tại hội thảo góp ý sửa đổi Luật Dược và xây dựng chính sách thúc đẩy sản xuất kinh doanh dược do Bộ Y tế tổ chức cách đây chưa lâu, PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng, giá thuốc giảm rất đáng mừng, song điều quan trọng nhất là nó có song hành với chất lượng, hay khi giá giảm thì chất lượng thuốc cũng giảm theo. “Có 2 yếu tố dẫn đến việc giá thuốc trúng thầu vào các BV giảm. Thứ nhất là hướng dẫn đấu thầu thuốc theo quy định mới đã chú trọng tới việc chọn những mặt hàng thuốc mà trong nước có thể sản xuất được với hiệu quả không kém nước ngoài nhưng giá rẻ hơn nhiều; thứ 2 là các BV có cơ chế đấu thầu để sàng lọc các nhà sản xuất. Chẳng hạn, ở tỉnh Quảng Ninh, trước đây đa số thuốc ngoại nhập trúng thầu vào các BV có nguồn gốc từ Ấn Độ, Hàn Quốc, giờ chuyển sang thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc, Malaysia… đương nhiên giá thuốc rẻ hơn. Chỉ sợ nhất là vấn đề chất lượng” - PGS.TS Truyền bày tỏ lo ngại.
Cùng quan điểm này, một lãnh đạo BV ở Hà Nội cho biết, theo nguyên tắc đấu thầu thuốc vào BV, cùng một loại thuốc, cùng hoạt chất, nếu thuốc của hãng nào có giá rẻ hơn, dù chỉ là 100 đồng sẽ vẫn trúng thầu, không phân biệt đó là thuốc có nguồn gốc xuất xứ từ nước nào. Điều này đồng nghĩa với các loại thuốc của châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan cũng sẽ được đấu chung với thuốc của Mỹ, Bỉ, Ý, Anh… Vì tất cả mặt hàng này được “đánh đồng” trong một nhóm thuốc thì đương nhiên thuốc của Trung Quốc, Ấn Độ với lợi thế giá rẻ sẽ trúng thầu vào BV. Như vậy, rõ ràng bệnh nhân sẽ bị mất cơ hội sử dụng những loại thuốc có chất lượng tốt.
Theo bác sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, BV Bạch Mai, thực tế cho thấy, có những thuốc động kinh của Ấn Độ, giá chỉ 4.000 đồng/viên, trong khi thuốc của Anh tới 14.000 đồng/viên. Có điều, nhiều thầy thuốc cảnh báo trên thực tế lâm sàng thuốc giá rẻ rất ít tác dụng. “Có thể bệnh nhân được lợi là chi phí tiền thuốc tại thời điểm đó giảm hơn nhưng thời gian điều trị lại kéo dài, thì chung quy lại chưa chắc đã rẻ hơn”, bác sĩ Hùng băn khoăn.
Quy định của 2 thông tư mới về đấu thầu thuốc lấy tiêu chí “giá trúng thầu rẻ nhất” (tức cùng 1 chủng loại, thuốc nào có giá rẻ nhất sẽ trúng thầu) đã khiến nhiều BV lo ngại tình trạng thuốc giá rẻ nhưng chất lượng không bảo đảm sẽ lọt vào BV.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho rằng, nguyên liệu sản xuất thuốc nên được coi là tiêu chí trong quá trình xét thầu, bởi đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng thuốc. Theo bà Lan, vì tiêu chí giá rẻ sẽ được chấm thầu nên thời gian qua có thông tin nhiều doanh nghiệp chuyển qua mua nguyên liệu của Trung Quốc thay vì nguyên liệu của châu Âu giá đắt hơn gấp 10 lần.
Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, hiện cơ quan bảo hiểm đang nghe ngóng thông tin từ các cơ sở điều trị. Nhưng, có một thực tế là, giá thuốc quá rẻ nếu kiểm soát không tốt có thể ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. Ông Thảo xác nhận, trước yêu cầu thúc bách về giá rẻ, một số nhà cung ứng thuốc đã tìm kiếm các thuốc có nguồn gốc từ các hãng dược không có uy tín, giá thấp để cạnh tranh giá.
Cũng theo ông Thảo, hiện các quy định về đấu thầu chưa có tiêu chí xét nguồn nguyên liệu thuốc, trong khi cùng một thuốc nhưng nguyên liệu rẻ kéo theo chất lượng thành phẩm thấp vẫn có thể trúng thầu vì cạnh tranh giá. Cơ quan bảo hiểm và y tế sẽ tiếp tục điều chỉnh các tiêu chí để bảo đảm thuốc điều trị có chất lượng tốt và giá hợp lý.
N.Dung
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 12/12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết đang theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh “bí ẩn” khiến nhiều người mắc và tử vong ở Congo, trường hợp có diễn biến mới sẽ đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp.
Phương Anh
13:28 12/12/2024(Thanh tra) - Hà Nội yêu cầu kiểm tra đột xuất các cơ sở khám, chữa bệnh có gia tăng chi phí cao bất thường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, lãng phí trong thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).
Hải Hà
17:09 11/12/2024Phương Anh
21:31 10/12/2024Phương Anh
08:10 09/12/2024Phương Anh
17:12 07/12/2024Trần Quý
Ngọc Phó
Hải Hà
TK
T.Thanh
Phương Anh
Cảnh Nhật
Văn Thanh
Bùi Bình
Hải Hà
Văn Thanh
Bùi Bình