Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thông tin uống đậu nành khiến u xơ lớn nhanh như thổi bị bóp méo

Thứ năm, 08/08/2019 - 18:32

(Thanh tra)- Đó là khẳng định của ông Phạm Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang sau khi đơn vị này vừa phẫu thuật thành công cho một phụ nữ có khối u xơ tử cung nặng tới 2kg. “Tôi khẳng định bài viết trên trang facebook của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang không hề có ý khẳng định tinh chất mầm đậu nành có khả năng gây ung thư” - ông Thanh nói.

Ca phẫu thuật một phụ nữ cắt khối u ở Tuyên Quang. Ảnh: MA

Bóp méo, thông tin sai lệch chuyện “khối u lớn nhanh như thổi”

Ngày 1/8/2019, trang Facebook Bệnh viện Ða khoa tỉnh Tuyên Quang đăng tải thông tin “Phẫu thuật thành công khối u xơ tử cung khổng lồ nặng hơn 2kg”. Thông tin cho biết, Khoa Phụ sản và khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức của Bệnh viện Ða khoa tỉnh Tuyên Quang vừa phối hợp phẫu thuật thành công khối u xơ tử cung nặng hơn 2kg cho bệnh nhân Nguyễn Thị H, 47 tuổi, trú tại TP Tuyên Quang.

Bệnh nhân H cho biết: Các đây khoảng 2 năm, bệnh nhân thấy đau bụng, đã đi khám và phát hiện có 1 khối u nhỏ bằng quả trứng gà, nên để theo dõi thêm. Khoảng 1 năm trước đến nay, bệnh nhân bắt đầu uống khoảng 350ml nước mầm đậu nành mỗi ngày và thường xuyên ăn các thức ăn từ đậu nành (như đậu phụ…), gần đây, để ý thấy bụng dưới nổi khối u to, nên ngày 18/7, bệnh nhân đã đến Bệnh viện Ða khoa tỉnh để khám lại, kết quả siêu âm cho thấy khối u có kích thước 88x145x147mm…

Trong bài viết có trích đăng ý kiến của Bác sỹ CKI Phạm Thị Lan Hương, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Ða khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, nguyên nhân phụ nữ bị u xơ tử cung hiện nay vẫn chưa rõ, nhưng nhiều chuyên gia giả thuyết do cường nội tiết tố nữ estrogen (estrogen tiết ra nhiều và hoạt động mạnh). Với giả thuyết u xơ là do cường estrogen, u xơ tử cung sẽ không phát triển khi phụ nữ mãn kinh (cơ thể bị suy giảm thậm chí không tiết ra estrogen nữa). Từ đó, có quan điểm cho rằng nên tránh xa những yếu tố làm gia tăng sự hiện diện estrogen trong cơ thể người phụ nữ có u xơ tử cung, trong đó có đậu nành, vì nó có nhiều phytoestrogen, một hợp chất có các đặc tính tương tự estrogen. Việc uống sữa đậu nành có tác dụng rất tốt cho sức khỏe của các chị em phụ nữ. Tuy nhiên, đối với người bệnh có u xơ tử cung thì nên uống mầm đậu nành với liều lượng phù hợp, không nên ăn hoặc uống quá nhiều chế phẩm từ đậu nành mỗi ngày. Bởi chất estrogen thực vật có trong đậu nành có thể làm tăng kích thước của khối u lên to hơn khiến cho bệnh càng trở nên nghiêm trọng, sẽ không tốt cho sức khoẻ của bệnh nhân” (hết trích).

Từ nội dung thông tin trên, từ ngày 2/8/2019 đến nay, rất nhiều tờ báo vội vã đưa thông tin với nội dung quy kết, thổi phồng nguy cơ làm tăng khối u xơ tử cung là uống nước mầm đậu nành. Theo thống kê của một số đơn vị sản xuất kinh doanh các sản phẩm liên quan tới đậu nành, có hàng loạt bài báo rút tít giật gân gây hoang mang dư luận như: “U xơ tử cung từ bé tý “lớn” bằng quả bưởi vì ăn nhiều đậu nành”; “Uống 350ml nước mầm đậu nành mỗi ngày để chữa u xơ, không ngờ khối u lên đến 2kg”; “U xơ tử cung lớn nhanh như thổi vì uống nhiều mầm đậu nành”; “U xơ tử cung "lớn nhanh như thổi" vì uống mầm đậu nành”; “Uống mầm đậu nành diệt u xơ, khối u vẫn ngày càng to”; “Người phụ nữ có khối u "khổng lồ" do uống quá nhiều nước mầm đậu nành”; “Chữa u xơ tử cung bằng nước mầm đậu nành bệnh nhân nữ giật mình khi biết khối u to nhanh bất thường”; “Dùng đậu nành mỗi ngày, khối u xơ tử cung bé như quả trứng gà bỗng tăng lên 2kg sau 1 năm”; “U xơ tử cung phát triển nhanh, nặng 2kg nghi do nước mầm đậu nành mỗi ngày”…

Trong công văn gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông ngay sau khi xảy ra sự việc, một đơn vị sản xuất kinh doanh đặt dấu hỏi có sự nghi vấn tái diễn một chiêu trò truyền thông bẩn để thổi phồng nguy cơ các sản phẩm từ đậu nành, tinh chất đậu nành, gây hoang mang dư luận. Chiêu trò này từng xảy ra nhiều lần và có đơn vị vi phạm đã bị các cơ quan chức năng xử lý nhưng đến nay có nguy cơ tái diễn.

Đậu tương được nông dân trồng quy mô lớn ở Hà Giang. Ảnh: PHI ANH

Gỡ bỏ thông tin sai sự thật

Tháng 5/2018 vừa qua, một tờ báo điện tử từng đăng tới 8 bài với nội dung cảnh báo về tác hại của tinh chất mầm đậu nành”, mục đích nhằm vào một số sản phẩm làm đẹp có nguồn gốc nguyên liệu từ tinh chất đậu nành… Song tiếc thay, những thông tin trên được “xào nấu” từ một trang web đăng bản dịch 3 bài báo nghiên cứu khoa học trên website của Cục Quản lý Dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cách đây 3 năm với nhiều phân tích đa chiều về vấn đề này nhưng đã bị người viết chủ yếu cắt ghép thông tin thổi phồng nguy cơ không đúng thực tế. Thông tin trên đã gây hoang mang, lo lắng cho một số khách hàng của công ty và nhiều nông dân trồng đậu nành ở các địa phương. Sau đó, tờ báo đưa tin sai đã bị Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt hơn 7 triệu đồng và phải gỡ bỏ các bài viết sai phạm.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, Bác sĩ CKI Phạm Thị Lan Hương, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Ða khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, không có chuyện tinh chất mầm đậu nành gây ung thư, thậm chí tinh chất mầm đậu nành còn tốt cho phụ nữ. Do cách hiểu của người đọc nên đã dẫn đến những nhầm lẫn cho rằng tinh chất mầm đậu nành gây ung thư.

Được biết, chiều 7/8, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã cho gỡ bỏ thông tin chưa đúng về việc bệnh nhân uống sản phẩm từ đậu nành có thể gây ung thư.

Trước đó, cách đây 3 năm, từng xuất hiện thông tin tương tự trên báo chí và mạng xã hội về việc sử dụng đậu nành, hay những sản phẩm từ đậu nành có khả năng mắc bệnh ung thư, làm tăng kích thước khối u, chống chỉ định với trường hợp có u xơ, u nang, u tuyến giáp...

Nhưng ngay sau đó, các nhà khoa học trong nước và thế giới đã có nhiều ý kiến về vấn đề này, được hàng chục cơ quan báo chí đăng tải như Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo Công an nhân dân, Vnexpress.net, Báo An ninh thủ đô, Báo Pháp luật Việt Nam… Các bài báo đều khẳng định đó là những thông tin không có cơ sở khoa học. Báo chí đã đăng tải ý kiến tại một số hội thảo khoa học, rất nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực dinh dưỡng, nội tiết và ung bướu đều đã lên tiếng phản bác thông tin sai sự thật về đậu nành.

Nông dân ở Thịnh Long (Hải Hậu, Nam Định) từng điêu đứng vì thông tin đậu nành gây ung thư. Ảnh: MA

Không có cơ sở nói đậu nành gây ung thư

GS.TS. Tiến sĩ Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương khẳng định: Đậu nành là một trong nhiều thực phẩm chứa “kích thích tố nữ” estrogen. Gọi là “kích thích tố nữ” vì estrogen là một yếu tố hóa học chi phối sự phát triển sinh dục của phụ nữ. Trong thời kỳ còn khả năng sinh sản, estrogen là một kích thích tố quan trọng đóng vai trò điều hòa các hoạt động sinh học của cơ thể, kể cả sinh hoạt tình dục. Nhưng sau thời kỳ mãn kinh, buồng trứng không còn sản xuất estrogen nữa và gây ra thay đổi tâm sinh lý trong người phụ nữ.

“Thông tin đậu nành hay sữa đậu nành gây ung thư chưa có bằng chứng khoa học. Nếu nghi ngờ mầm đậu nành chứa một chất tương tự như estrogen và cho rằng estrogen có thể gây ung là không có cơ sở”, GS.TS. Nguyễn Bá Đức khẳng định.

PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định: “Estrogen trong mầm đậu nành là estrogen thực vật hay còn gọi là phytoestrogen, không phá vỡ chức năng nội tiết, cũng không gây nguy cơ ung thư như lời đồn. Ngược lại, nhiều nghiên cứu trên thế giới còn chứng minh: Đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành có tác dụng giảm nguy cơ ung thư”.

PGS.TS. Bác sĩ Trần Văn Thiệp, Chủ nhiệm Bộ môn Ung thư học, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Trưởng khoa Ngoại 3, Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Isoflavone trong đậu nành cũng có tác dụng kháng lại tế bào ung thư và có lợi cho tim mạch. Nghiên cứu gần đây nhất (năm 2011) cho thấy đậu nành và các thực phẩm làm từ đậu nành tốt cho bệnh nhân sau điều trị ung thư vú”.

Ngay tại Mỹ, năm 1998, FDA đã công bố trên trang http://www.fda.gov khẳng định tinh chất mầm đậu nành và hiệu quả tích cực hỗ trợ sức khỏe con người về: Tim mạch, xương khớp, hỗ trợ phụ nữ, chống lại sự oxy hóa. Nhiều công trình khoa học sau đó đã phủ định hoàn toàn những quan điểm cũ kỹ, lạc hậu về tác hại của đậu nành hay tinh chất mầm đậu nành và khẳng định tinh chất mầm đậu nành rất tốt đối với sức khỏe, đặc biệt là đối với các triệu chứng tiền mãn kinh và mãn kinh ở phụ nữ.

Minh Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

(Thanh tra) - Sau khi mua các vật liệu để chế tạo pháo nổ trên một tài khoản Tiktok, 3 học sinh lớp 6 ở huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đã làm theo hướng dẫn và phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.

Ngọc Giàu

21:49 15/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm