Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tai biến trong y khoa là khó tránh khỏi

Thứ ba, 26/11/2013 - 11:34

(Thanh tra) - Liên tục trong thời gian qua đã xảy ra nhiều tai biến trong lĩnh vực y khoa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, tai biến y khoa là một thực tế của mọi nền y học.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định, không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, tỉ lệ tai biến là không thể tránh khỏi. Tai biến y khoa lúc nào cũng có thể xảy ra. Dù là căn bệnh nhỏ nhất, phẫu thuật nhỏ nhất cũng gây ra tai biến.

Có nhiều tai biến sản khoa nghiêm trọng đã xảy ra trong thời gian qua, tuy nhiên, xét về tổng thể thì Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, được thế giới đánh giá cao là 1 trong 9 nước tiến bộ nhất châu Á. Riêng về nạo phá thai, ở châu Phi, 10 ca nạo thai thì 1 ca tử vong, trong khi Việt Nam nạo thai 2 triệu ca 1 năm nhưng rất ít tử vong. Chỉ trong gần 2 năm báo chí thống kê có gần 200 trường hợp tử vong mẹ nhưng đó là con số quá ít so với thực tế, đôi khi phải vài chục năm nữa mới đạt được con số ấy. Cách đây 10 năm, tai biến sản khoa cao gấp 3 lần hiện nay, có nhiều trường hợp là bất khả kháng.

Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những tai biến trong y khoa. GS.TS Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho rằng, tình trạng bệnh viện quá tải hiện nay chính là một trong số những nguyên nhân dẫn tới các tai biến trong y khoa. Việc 2 -3 bệnh nhân nằm điều trị trên 1 gường bệnh ở nhiều bệnh viện hiện nay sẽ gây áp lực rất lớn đến chất lượng khám chữa bệnh. Bởi với việc quá tải bệnh viện thì thời gian khám chữa bệnh của bác sĩ đối với bệnh nhân sẽ bị rút ngắn, kiến thức y khoa không đạt yêu cầu. GS Phú cũng nhấn mạnh, việc quá tải tại các bệnh sẽ rất khó để các nhân viên y tế, bác sĩ làm đúng theo các quy trình khám chữa bệnh của Bộ Y tế, điều đó cũng sẽ dẫn đến việc xảy ra tai biến trong y khoa.

Đề cập đến chất lượng y bác sĩ và trình tự giải quyết khi xảy ra tai biến Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng, trong khám chữa bệnh khó có thể đòi hỏi các bác sĩ chữa được tất cả các loại bệnh. Bác sĩ phải là người biết người, biết ta, khám chữa bệnh theo đúng chuyên môn của mình thì tai biến y khoa sẽ giảm. Khi xảy ra tai biến chính bệnh viện đó sẽ phải thành lập hội đồng chuyên môn, để xem lỗi ở đâu và xử lý theo đúng quy định. Nếu chưa thoả đáng thì tiếp tục kiến nghị lập hội đồng chuyên môn trên sở, bộ để giải quyết và tìm ra nguyên nhân dẫn đến tai biến.

Thực tế hiện nay, khi xảy ra bất kể tai biến y khoa nào ở bệnh viện, người nhà thường đổ lỗi và buộc tội cho cá nhân. Đó là việc không nên, vì nhiều vụ tai biến lỗi chưa hẳn đã xuất phát từ phía bác sĩ. Vì thế, trách nhiệm của bệnh viện là phải tìm ra được những lỗi tai biến để đề phòng cho những trường hợp sau.

Để giảm tai biến y khoa, vì an toàn của người bệnh, nhiều ý kiến cho rằng lãnh đạo các bệnh viện cần công bằng với các nhân viên y tế, nếu sai sót thì cần xem lại lỗi hệ thống. Cần dân chủ, các nhân viên được phép có chính kiến, tham gia phát biểu và cần có thói quen làm việc theo nhóm, biết hoạch định, giám sát và thực hiện. Y học chứng cứ cần được tuân thủ, và cần đầu tư trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Ông Nguyễn Viết Tiến cho biết, Bộ Y tế đang xem xét, rà soát ngành nào tai biến nhiều nhất để tầm soát, có những chiến lược để giảm thiểu những tai biến đến mức thấp nhất, những khoa xẩy ra nhiều tai biến thì phải đầu tư vào đó; tăng cường tư vấn cho người bệnh, vì hiện nay bệnh nhân thường không được tư vấn đầy đủ, bác sĩ thiếu kinh nghiệm tiếp xúc và kinh nghiệm nghề nghiệp.

Liên quan tới những tai biến trong ngành và đạo đức của y bác sĩ, trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: "Ngành Y là ngành đặc biệt, sai sót, tai biến xảy ra là trên sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Khi xảy ra những tai biến, người bệnh đau 1 thì cán bộ y tế phải đau đớn gấp 10 lần. Chúng ta là những người thầy thuốc, phải quan tâm bệnh nhân, hướng dẫn, thăm hỏi, giải thích những nguy cơ rủi ro của bệnh tật và có một thái độ ân cần chăm sóc".

Do đó, theo Bộ trưởng, thời gian tới, ngoài việc quản lý chặt hành nghề y, vấn đề đạo đức nghề nghiệp, Bộ Y tế triển khai quyết liệt mạnh mẽ, nâng cao y đức, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bộ Y tế cũng sẽ ban hành thông tư về quy tắc ứng xử để có hành lang pháp lý xử phạt cao hơn. Trước mắt, Bộ Y tế đã thiết lập “đường dây nóng” trực 24/24 giờ theo số điện thoại 0973.306.306 tiếp nhận các thông tin phản ánh của người dân khi thấy y, bác sĩ có biểu hiện vòi vĩnh, tiêu cực, nhận phong bì... Người dân có các bức xúc về tinh thần thái độ phục vụ chưa tốt, ứng xử chưa phù hợp; chậm xử trí các tình huống khẩn cấp; không hướng dẫn hoặc cung cấp đầy đủ thông tin cho người bệnh; có biểu hiện vòi vĩnh, tiêu cực; có bằng chứng về nhận phong bì, bồi dưỡng trong quá trình người bệnh đang nằm viện; thủ tục khám chữa bệnh; chất lượng dịch vụ ăn, mặc, ở của cơ sở khám chữa bệnh… có thể phản ánh trực tiếp tới các số điện thoại “đường dây nóng”.

Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

Tự chế pháo nổ theo Tiktok, 3 học sinh nhập viện

(Thanh tra) - Sau khi mua các vật liệu để chế tạo pháo nổ trên một tài khoản Tiktok, 3 học sinh lớp 6 ở huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đã làm theo hướng dẫn và phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.

Ngọc Giàu

21:49 15/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm