Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 05/07/2013 - 08:27
(Thanh tra)- Không phải là già làng, nhưng bà Y Pan (người dân tộc Brâu) ở làng Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện biên giới Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, được bà con trong làng trìu mến gọi là Mẹ, và được trọng vọng như một nữ già làng. Nhờ có Mẹ, nhiều phụ nữ đã được cứu sống trong gang tấc, khi phải tự mình "vượt cạn" ở trong rừng sâu, núi thẳm.
Trải qua 82 mùa rẫy nhưng "nữ già làng" vẫn còn rất tinh anh, nhanh nhẹn. Ảnh: Trung Đức
Chuyện thai phụ đẻ rừng
Nhiều năm đã trôi qua, nhưng Y Son, một phụ nữ xinh đẹp của tộc người Brâu sống ở làng Đắk Mế, vẫn không nguôi nỗi ám ảnh kinh hoàng về những ngày vật lộn giữa sự sống và cái chết, khi một mình sinh con ở trong bìa rừng.
Năm đó, Y Son vừa tròn 15 tuổi, nhan sắc mặn mà như trăng rằm. Nhiều chàng trai trong làng say đắm Y Son đến mất ăn mất ngủ. Trong số những chàng trai si tình ngày ngày thổi sáo réo gọi bạn tình, Y Son chỉ phải lòng chàng trai khỏe mạnh, hiền lành tên là Thao Noi.
Năm 2001, dưới sự chứng kiến của các già làng, cùng đám con trai, con gái của tộc người Brâu, Y Son và Thao Noi đã nên duyên chồng vợ. Cưới nhau đầu năm thì cuối năm, vợ chồng Y Son vui mừng chuẩn bị chào đón đứa con đầu lòng.
Theo phong tục của người Brâu, mỗi khi đến thời khắc hạ sinh là các thai phụ lầm lũi rời làng, "vượt cạn" trong căn chòi tạm do người nhà cất ở mé rừng. Hủ tục lạc hậu kia đã cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ sơ sinh và thai phụ, trở thành nỗi ám ảnh không dứt của phụ nữ Brâu mỗi khi "bắt chồng", sinh con. Y Son cũng không ngoại lệ.
Ngày đứa bé trong bụng quẫy đạp chuẩn bị chào đời, Y Son đã khăn gói ra bìa rừng tự "vượt cạn". Chẳng may, đứa bé ra ngược, một cẳng chân thò ra trước. Trong cơn đau quằn quại, Y Son vật lộn kêu la nhưng không có một ai giúp đỡ. Để quá lâu, Y Son mất nhiều máu và cứ lịm dần... lịm dần.
Nhiều tiếng đồng hồ trôi qua, tưởng con đã chào đời, Thao Noi băng rừng vào thăm vợ. Chứng kiến người vợ yêu đứng trước tình cảnh "thập tử nhất sinh", bất chấp lệ làng, Thao Noi lén chạy về cầu cứu bà Y Pan.
Nhìn thấy Thao Noi hấp tập, bà Y Pan đã đoán được sự việc. Không kịp hỏi một câu, bà vội vàng băng rừng vào với Y Son. Bằng tất cả tình thương và kiến thức sinh đẻ của mình, bà đã cứu được Y Son thoát chết, mẹ tròn con vuông.
"Nếu không có bà Y Pan, có lẽ mẹ con mình đã về với Yàng rồi. Cũng từ lần sinh tử đó, vợ chồng mình cương quyết đoạn tuyệt với tục lệ của làng. Những đứa con sau này, mình đều sinh ở nhà dưới sự trợ giúp của các bà đỡ. Mặc làng có phạt vạ mình cũng chịu, một lần suýt chết mình hãi lắm rồi", Y Son tâm sự về ngày được bà Y Pan cứu sống trong sự biết ơn tột cùng.
Được bà Y Pan cứu sống còn có Y Pao, con bị chết lưu trong bụng, cũng ra rừng tự đẻ nhưng thai tử không ra được. Kể về thời khắc sinh tử đó, Y Pao chưa hết hãi hùng: "Mình nhớ lúc đó mưa to lắm! Gió to lắm! Gió thổi cái chòi rung rinh, bụng mình đau dữ dội rồi máu ào ạt tuôn ra. Biết đứa con trong bụng đã về với thế giới A Tâu (cõi chết - PV) từ lâu. Sợ lắm nhưng mình cố rặn. Nhưng, càng rặn thì cái thai trong bụng càng cố bám trụ. Đau và mệt mình thiếp đi lúc nào không biết. Đến khi tỉnh lại mình thấy xung quanh có rất nhiều người, trong đó có mẹ Y Pan”.
5 lần Y Pao sinh con thì cả 5 lần đều "vượt cạn" giữa rừng. Lần nào "vượt cạn", Y Pao cũng có kỷ niệm nhớ đời, lần nào "cũng lo, cũng sợ". Hướng ánh mắt về phía khoảnh rừng xanh ngút ngàn phía trước, Y Pao rùng mình: "Đẻ rừng rất nguy hiểm. Mưa gió, thú dữ, nhiễm trùng… lúc nào cũng chực chờ các bà mẹ. Nhưng, do làng quy định phụ nữ khi sinh đẻ dơ bẩn nên phải vào rừng để tránh gây ô uế, lây bệnh cho mọi người nên mình phải làm theo thôi. Ai trái ý sẽ bị làng phạt heo, phạt trâu, nên mọi người sợ lắm".
Brâu là dân tộc ít người nhất trong 54 dân tộc anh em của đất nước Việt Nam. Vào năm 1991, người Brâu được đưa từ trong rừng sâu về định cư ven quốc lộ 40. Khi về làng Đắk Mế, người Brâu chỉ có 178 người. Năm 1992, tăng lên 214; năm 1996 có 260 và đến tháng 6/2010 có 366 người. Chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm, dân số của Brâu đã tăng gấp đôi, khẳng định sự “hồi sinh” của 1 dân tộc ít người nhất nước ta, từng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. |
Bây giờ, Y Son, Y Pao và nhiều thai phụ khác thường qua lại và gọi bà là Mẹ Pan.
Nghị lực của cô bé mồ côi
Năm nay đã trải qua 82 mùa rẫy, nhưng Mẹ Pan trẻ hơn tuổi rất nhiều. Ở bà vẫn toát lên sự nhanh nhẹn, tinh anh, rắn rỏi với mái tóc trắng như cước và nụ cười hiền hậu.
Được bà con yêu thương, trọng vọng là vậy, thế nhưng mấy ai biết rằng Mẹ Pan từng là 1 cô bé mồ côi. Sinh ra trên đất Mường May, tỉnh Attapư, vùng phía Nam của nước bạn Lào. Năm lên 4 tuổi, cha mẹ đã theo nhau rời bỏ Y Pan, để về với ông bà. Trong lúc bơ vơ, cô bé được 1 đơn vị cách mạng nuôi dưỡng.
Lớn lên trong cái "nôi" đặc biệt đó nên ngay từ nhỏ, cô bé Y Pan đã là 1 liên lạc viên, đưa thư từ tin tức, canh gác cho các cuộc họp, biểu diễn các tiết mục văn nghệ tuyên truyền, mang cơm nước vào rừng tiếp tế cho bộ đội...
Theo bước chân của cô, chú, anh, chị trong đơn vị, đôi chân gầy guộc của cô bé đã in dấu khắp vùng rừng núi khu vực ngã ba biên giới Việt - Lào - Campuchia này.
Bước ngoặc cuộc đời đến với Y Pan khi bà theo chân các cô, chú, anh, chị tập kết ra Bắc vào năm lên 14 tuổi. Lần đầu tiên được đến Thủ đô Hà Nội của "Bok Hồ", bà háo hức xen lẫn nỗi sợ hãi. Quen sống ở nơi rừng sâu núi thẳm, giờ đứng trước Thủ đô hoa lệ, nhiều cảm xúc không nói thành tên bộc phát trong lòng bà.
Sau nhiều năm theo học ở Trường Học sinh miền Nam, rồi học khóa sơ cấp y tế, bà được phân về công tác tại Bệnh viện Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái ngày nay). Từ đây, bước chân Y Pan lại tiếp tục rong ruổi qua nhiều khe suối, đồi núi hoang vu. Trên hành trình này, tận mắt chứng kiến nỗi đau thương vong, mất mát của bộ đội ta, lòng bà dâng lên niềm đau khôn tả.
Trong những ngày giành giật giữa sự sống và cái chết cho bộ đội, dân quân ta, bà đã gặp được một nửa của đời mình. Cảm kích trước tấm lòng của cô y tá trẻ, anh bộ đội Đinh Ngọc Reng, người con trai dân tộc Giẻ Triêng của quê hương Kon Tum, đã ngỏ lời cầu hôn. Ít lâu sau ngày gặp gỡ, họ đã chính thức nên duyên cầm sắt.
Đau đáu trước nỗi lo dân tộc mình đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do hôn nhân cận huyết và hủ tục tự đẻ trong rừng, bà Y Pan miệt mài lao vào các hoạt động xã hội, vận động lũ làng hiểu rõ và tránh xa những hủ tục lạc hậu này. Thời gian đầu không mấy ai nghe theo, nhưng sau nhờ có Y Pan mà nhiều thai phụ, trong đó có Y Son và Y Pao thoát chết trong gang tấc, bà con mới dần thay đổi những tập tục đã truyền qua bao đời.
Ngay tại thời điểm này, bóng đêm của hủ tục "đẻ rừng" gần như là hình ảnh quá vãng ở Đăk Mế. Những ngày rong ruổi khắp các làng của người Brâu, chúng tôi bắt gặp nhiều gương mặt hân hoan của các bà mẹ trẻ, khi nỗi sợ hãi phải tự mình "vượt cạn" không còn là nỗi ám ảnh thường trực.
Chia sẻ về mối nguy hiểm của những thai phụ Brâu trong quá trình sinh nở, bà Y Pan cho biết: "Ngoài quy định khắc nghiệt của luật tục ngàn đời, thai phụ và trẻ sơ sinh còn gặp nhiều nguy hiểm khác. Do các bà mẹ không nhớ ngày mang thai nên không chuẩn đoán được thời gian hạ sinh, bởi vậy chuyện phụ nữ Brâu đẻ rơi đẻ rớt trên nương, trên rẫy hoặc dưới suối… là rất thường tình"!
Cụ bà Năng Bu, một trong trong những người già còn sót lại của người Brâu ở Đắk Mế cho biết: "Y Pan là người có công rất lớn trong việc góp phần "khai tử" hủ tục đẻ rừng. Ngoài tuyên truyền vận động, bà còn tận tình đào tạo kỹ năng đỡ đẻ cho các bà đỡ là con em đồng bào Brâu ở các buôn làng xa xôi. Đồng bào Brâu mình hiện nay rất tiến bộ trong việc sinh đẻ. Hủ tục đẻ rừng gần như đã bị xóa sổ trên đất này rồi. Bây giờ những biến chứng sót nhau, nhiễm trùng, đẻ rơi đẻ rớt không còn quấy nhiễu, không còn là nỗi ám ảnh với bà con mình như ngày trước nữa".
Bà Y Pan hiện là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Người Brâu rất tự hào vì có Mẹ Y Pan, và càng tự hào hơn nữa vì Mẹ chính là người sáng tác bài hát "Người Brâu ơn Đảng". Bài hát này luôn cất vang trong các lễ hội, các buổi sinh hoạt văn nghệ quần chúng nơi ngã ba biên giới như ngọn lửa cao nguyên rừng rực cháy.
Sau cuộc chiến với "con ma" đẻ rừng, người Brâu ở Đắk Mế tiếp tục tuyên chiến với "con ma" nghèo, "con ma" dốt...
Rời Đắk Mế, chúng tôi mang theo niềm vui đồng bào Brâu qua những núi đồi trùng điệp xanh ngắt một màu. Xe lăn bánh qua những buôn làng bình yên của tộc người Brâu, chúng tôi thấy những bà mẹ địu con sau lưng, cùng những thai phụ tự tin nở những nụ cười tươi rói, bởi hủ tục đẻ rừng đã dần được buôn làng "khai tử".
Trung Đức
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 12/12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết đang theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh “bí ẩn” khiến nhiều người mắc và tử vong ở Congo, trường hợp có diễn biến mới sẽ đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp.
Phương Anh
13:28 12/12/2024(Thanh tra) - Hà Nội yêu cầu kiểm tra đột xuất các cơ sở khám, chữa bệnh có gia tăng chi phí cao bất thường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, lãng phí trong thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).
Hải Hà
17:09 11/12/2024Phương Anh
21:31 10/12/2024Phương Anh
08:10 09/12/2024Phương Anh
17:12 07/12/2024Phương Anh
Cảnh Nhật
Văn Thanh
Bùi Bình
Hải Hà
Văn Thanh
Bùi Bình
CB
Hải Hà
Chính Bình
Trọng Tài
Thái Hải