Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Những điều cần biết về bệnh sốt xuất huyết Dengue

Thứ sáu, 09/08/2019 - 21:36

(Thanh tra) - Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây nên. Sở Y tế Hà Nội đã đưa ra các khuyến cáo cũng như những điều nhận biết về bệnh để người dân biết cách phòng, tránh.

Sốt xuất huyết Dengue chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, tự theo dõi sát tại nhà, đến bệnh viện làm xét nghiệm theo hẹn. Ảnh minh họa

Vi rút Dengue có 4 týp thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường gia tăng vào mùa mưa. Người lớn và trẻ em đều có thể mắc bệnh. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền vi rút Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Sở Y tế Hà Nội đã đưa ra các khuyến cáo cũng như những điều nhận biết về bệnh để người dân biết cách phòng, tránh.

Diễn biến của bệnh sốt xuất huyết Dengue:

Bệnh sốt xuất huyết thường khởi phát đột ngột và trải qua ba giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Giai đoạn sốt:

- Sốt cao 39-400C độ, đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày

- Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn.

- Da xung huyết, phát ban.

- Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.

- Biểu hiện xuất huyết như: Chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, nghiệm pháp dây thắt dương tính....

- Xét nghiệm trong giai đoạn: Dung tích hồng cầu (Hematocrit) bình thường, số lượng tiểu cầu bình thường hoặc hơi giảm, số lượng bạch cầu thường giảm.

Giai đoạn nguy hiểm: Thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh

- Người bệnh có thể còn sốt hoặc giảm sốt.

- Thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24-48 giờ) đồng thời với tăng hematocrit.

- Sau khi bạch cầu giảm, số lượng tiểu cầu trong máu bắt đầu giảm và thường xảy ra trước khi thoát huyết tương.

Nếu bệnh nhân hết sốt và không có biến chứng thì đây là những trường hợp sốt xuất huyết thể nhẹ.

Tuy nhiên trong giai đoạn này, một số trường hợp có thể xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm như:

- Vật vã, lừ đừ, li bì.

- Đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan.

- Gan to >2cm.

- Nôn nhiều.

- Xuất huyết niêm mạc biểu hiện: chảy máu cam, đái ra máu, nôn ra máu, ra máu âm đạo bất thường, rong kinh...

- Tiểu ít

- Xét nghiệm máu: Hematocrit tăng cao, tiểu cầu giảm nhanh chóng.

Khi phát hiện các dấu hiệu cảnh báo trên phải đưa người bệnh đến ngay bệnh viện để được điều trị tích cực. Nếu qua được giai đoạn nguy hiểm, bệnh nhân sẽ chuyển sang giai đoạn hồi phục.

Một số ca nặng lên và tiến triển thành sốt xuất huyết Dengue thể nặngvới các triệu chứng, biến chứng như:

- Sốc sốt xuất huyết Dengue:  Suy tuần hoàn cấp với các triệu chứng như vật vã; bứt rứt hoặc li bì; lạnh đầu chi, da lạnh ẩm; mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt hoặc tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp; tiểu ít.

- Xuất huyết nặng: Chảy máu cam nặng, rong kinh nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng, thường kèm theo tình trạng sốc nặng, giảm tiểu cầu, thiếu oxy mô và toan chuyển hóa có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng.

- Suy tạng nặng: Suy gan cấp, suy thận cấp, rối loạn tri giác (sốt xuất huyết thể não), viêm cơ tim, suy tim, hoặc suy chức năng các cơ quan khác.

Giai đoạn hồi phục

Sau 24 - 48 giờ của giai đoạn nguy hiểm, có hiện tượng tái hấp thu dần dịch từ mô kẽ vào bên trong lòng mạch. Giai đoạn này kéo dài 48-72 giờ.

- Người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu nhiều.

- Có thể có nhịp tim chậm và thay đổi về điện tâm đồ.

- Trong giai đoạn này, nếu truyền dịch quá mức có thể gây ra phù phổi hoặc suy tim. 
- Xét nghiệm cho thấy: Hematocrit, tiểu cầudần trở về bình thường.

Những điều cần chú ý khi điều trị sốt xuất huyết Dengue tại nhà

Phần lớn bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở. Do vậy người bệnh cần chú ý những điều sau:

- Sốt xuất huyết Dengue chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, tự theo dõi sát tại nhà, đến bệnh viện làm xét nghiệm theo hẹn.

- Nếu sốt cao ≥ 39 độ C: Cho uống thuốc hạ sốt, nới lỏng quần áo và lau người bằng nước ấm. Thuốc hạ sốt được dùng là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10-15 mg/kg cân nặng/lần, mỗi lần uống cách nhau mỗi 4-6 giờ. Tổng liều paracetamol không quá 60mg/kg cân nặng/24h (một người 50kg không uống quá 3000mg/ngày). 
- Tuyệt đối không dùng aspirin (acetyl salicylic acid), analgin, ibuprofen để điều trị vì có thể gây xuất huyết nặng, toan máu.

- Bù dịch bằng cách uống oresol (pha đúng theo hướng dẫn), nước cam, nước chanh...

- Bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue nên nằm trong màn, phòng tránh muỗi đốt làm lây lan bệnh cho người khác.

- Nếu có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm nào (như đã nêu trên) phải đến bệnh viện ngay đề phòng diễn biến xấu nguy hiểm đến tính mạng.

P.V

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

Năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong do bệnh dại

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong tại 33 tỉnh, thành phố. Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Phương Anh

19:32 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm