Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người dân sẽ được sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao tại bệnh viện tuyến dưới

Phương Anh

Thứ ba, 23/06/2020 - 22:23

(Thanh tra)- Ngày 23/6, tại Hội thảo triển khai Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Đề án sẽ tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân ở vùng nông thôn, nhất là người dân vùng sâu, xa, khó khăn và giảm chi phí khám, chữa bệnh, chi phí bảo hiểm y tế và chi phí của người dân khi được hưởng trình độ khám, chữa bệnh cao ngay tại tuyến dưới.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: PA

Khám, chữa bệnh từ xa - Xu thế tất yếu

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã chỉ đạo về việc giãn cách xã hội, hạn chế người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường công tác khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến dưới, không chuyển người bệnh lên tuyến trên trường hợp bệnh tuyến dưới điều trị được. Các hoạt động này cần có hoạt động khám, chữa bệnh từ xa trợ giúp.

Trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã áp dụng giải pháp công nghệ thông tin (CNTT) triển khai hoạt động tư vấn điều trị từ xa rất hiệu quả. Ban Chỉ đạo Quốc gia đã thành lập "Trung tâm Quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh Covid-19”.

Trung tâm thường xuyên tổ chức hội chẩn trực tuyến, mời các giáo sư đầu ngành cả nước cùng hội chẩn các ca bệnh nặng, bàn các phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh, cùng chia sẻ kinh nghiệm điều trị, chăm sóc người bệnh. Vì vậy, việc ứng dụng CNTT đã giúp tập hợp đội ngũ chuyên gia đầu ngành và các bệnh viện xích lại gần nhau hơn, gần tới mức gần như không có khoảng cách giữa trong Nam, ngoài Bắc, giữa tuyến trên, tuyến dưới.

Việc hội chẩn trực tuyến trên nền tảng CNTT này đã đóng góp quan trọng vào kết quả điều trị người bệnh Covid-19, đến ngày 15/6/2020 chưa có người bệnh tử vong.

Trung tâm Quản lý, điều hành được thành lập đã đánh dấu sự phát triển của hệ thống khám, chữa bệnh trong xu hướng hội nhập, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong điều trị bệnh tật, đặc biệt với bệnh dịch nguy hiểm Covid-19.

"Qua dịch Covid-19 càng khẳng định hiệu quả của việc ứng dụng CNTT trong triển khai hoạt động tư vấn điều trị từ xa mà bệnh nhân phi công - bệnh nhân 91 đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy là một ví dụ điển hình", Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Nhờ đó, nam phi công đã có những hồi phục kỳ diệu, từ chỗ phổi gần như hoàn toàn đông đặc, chỉ 10% hoạt động được, đến nay bệnh nhân có thể hít thở khí trời, phổi có thể nở ra 85%, đã hoàn toàn thở khí phòng, tự ăn uống trên giường bệnh và có đủ điều kiện ra khỏi Khoa Hồi sức tích cực...

24 bệnh viện tuyến trên tham gia mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa

Ngày 22/6/2020, Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025 được Bộ Y tế phê duyệt. Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Đề án được xây dựng với mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới.

Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng, chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.

Trung tâm Quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh Covid-19 đánh dấu sự phát triển của hệ thống khám, chữa bệnh trong xu hướng hội nhập. Ảnh: PA

Theo Đề án, sẽ có 24 bệnh viện tuyến trên tham gia vào mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa. Các bệnh viện cũng thực hiện hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng các chương trình hợp tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, tạo điều kiện cho người bệnh được tiếp cận những dịch vụ, kỹ thuật tốt của các cơ sở y tế với nhau.

Giai đoạn đầu 2020-2021, Đề án tập trung đầu tư vào các chuyên khoa có người bệnh sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa, đặc biệt các chuyên khoa có tình trạng quá tải trên cơ sở thống kê mô hình bệnh tật như tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu, huyết học truyền máu, các bệnh không lây nhiễm và các bệnh khác trong cộng đồng ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Dự kiến đầu tư các bệnh viện tuyến trên và ít nhất 400 bệnh viện tuyến dưới bao gồm bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và bệnh viện tư nhân.

Giai đoạn 2021-2025, Đề án tiếp tục đầu tư bệnh viện tuyến trên có các chuyên khoa như hồi sức cấp cứu, hô hấp, tiết niệu, thần kinh, nội tiết, da liễu, răng hàm mặt… và các chuyên khoa khác có nhu cầu. Các bệnh viện tuyến dưới được mở rộng tương ứng với các chuyên khoa và số lượng bệnh viện tuyến trên.

Giai đoạn sau năm 2025, Bộ Y tế sẽ đánh giá hiệu quả hoạt động đề án, tiếp tục duy trì mặt tích cực và các kết quả tốt của Đề án giai đoạn 2020-2025, đồng thời căn cứ vào nhu cầu thực tế để mở rộng Đề án.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc thực hiện Đề án chính là tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến. Các mạng lưới này được hỗ trợ chuyên môn như nhau.

Để thực hiện được điều này, các bệnh viện phải dành một thời gian nhất định trong ngày để hỗ trợ một bệnh viện về chuyên môn và các bệnh viện khác có thể đăng nhập vào ứng dụng để tham khảo nội dung đó.

Thứ trưởng Bộ Y tế khuyến khích các bác sĩ tuyến trên kết bạn và thành lập nhóm với các bác sĩ tuyến dưới để thuận tiện trong trao đổi nghiệp vụ, hỗ trợ chuyên môn.

“Các đơn vị cần lưu ý tạo ra được 1 mạng lưới y tế không còn giới hạn tới tận các tuyến, để các bệnh viện được hỗ trợ về mặt chuyên môn như nhau. Người dân khám, chữa bệnh ở tuyến dưới phải được hưởng dịch vụ y tế như ở tuyến Trung ương. Điều này sẽ làm thay đổi chất lượng của y tế cơ sở. Tới đây, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phải khai báo các bác sĩ đang làm việc, nguồn nhân lực chính thông qua mạng”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Quốc hội “chốt” được bán thuốc online từ 1/7/2025

Quốc hội “chốt” được bán thuốc online từ 1/7/2025

(Thanh tra) - Từ 1/7/2025, cơ sở kinh doanh dược được bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử với thuốc không kê đơn, trừ thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc hạn chế bán lẻ, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được Quốc hội thông qua.

Hương Giang

15:59 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm