Theo dõi Báo Thanh tra trên
Nhóm PV
Thứ năm, 17/10/2024 - 08:31
(Thanh tra) - Trong thời gian qua, trên nhiều trang mạng xã hội, không ít loại thực phẩm chức năng đang được “thần thánh hóa”, coi như sản phẩm vạn năng, trị bách bệnh.
Viên uống thực phẩm chức năng Trinh Nữ Hoàng Cung Crilin Women Health được quảng cáo trên nhiều trang mạng. Ảnh chụp từ mạng xã hội
Láo nháo quảng cáo viên uống Trinh Nữ Hoàng Cung
Chị Nguyễn Thị H., người tiêu dùng cho biết, chị được một trang mạng xã hội mời tư vấn, giới thiệu viên uống thực phẩm chức năng Trinh Nữ Hoàng Cung Crilin Women Health nhằm hỗ trợ phòng ngừa trong việc điều trị u xơ tử cung, u tuyến vú. Theo cách giới thiệu đầu tiên mà người tư vấn quảng cáo, giới thiệu tới người tiêu dùng là “tuy thuốc có tác dụng điều trị nhưng bên em đăng ký nó là thực phẩm chức năng để có thể quảng cáo online, không cần kê đơn”. Người tư vấn giới thiệu bán viên uống này như thuốc, quảng cáo trị “u xơ buồng trứng“ trong khi bệnh này không có.
Cũng theo tư vấn này, viên uống thực phẩm chức năng Trinh Nữ Hoàng Cung Crilin Women Health có thể tiêu các loại u với công dụng: “Hỗ trợ tiêu các loại u nang, u xơ, u vú, u tuyến giáp… điều kinh nguyệt, rối loạn tiền mãn kinh bổ khí huyết, hoạt huyết giảm mệt mỏi, đau bụng trong kỳ kinh, tăng cường hệ miễn dịch, giảm đau xương khớp. Đối tượng sử dụng của viên uống thực phẩm chức năng Trinh Nữ Hoàng Cung Crilin Women Health là nữ giới u xơ tử cung, u tuyến vú lành tính, kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, rối loạn nội tiết tố, mãn kinh, tiền mãn kinh/nam viêm đường tiết niệu, phì đại tuyến tiền liệt.
Gọi điện đến số máy hotline trên bao bì của hộp viên uống thực phẩm chức năng Trinh Nữ Hoàng Cung Crilin Women Health (cũng là số điện thoại được quảng cáo), chúng tôi cũng được giới thiệu y như chị H.. Người quản trị số hotline tên Hường cho biết, công ty chị là đơn vị phân phối độc quyền viên uống thực phẩm chức năng Trinh Nữ Hoàng Cung Crilin Women Health; có bán hàng chính thức qua các trang mạng xã hội của Hằng Du mục, Quang Linh Vlog, anh biên tập viên Quang Minh hay cô Ngân Quỳnh đều là những người nổi tiếng phân phối sản phẩm viên uống thực phẩm chức năng Trinh Nữ Hoàng Cung Crilin Women Health của công ty.
Nhân viên tên Hường nhấn mạnh nhiều lần với chúng tôi, viên uống Crilin là công trình nghiên cứu 30 năm của TS Nguyễn Thị Ngọc Trâm và được Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép vào thị trường Mỹ. Cả 4 loại u là cô Trâm đã nghiên cứu, chỉ trừ u mỡ chưa nghiên cứu nên chưa khẳng định hiệu quả điều trị. Nêu u kích thước còn nhỏ thì chỉ cần 1 liệu trình điều trị giá 3,6 triệu đồng (3 tháng) là hết u.
Tuy nhiên, Báo Thanh tra đã có bài viết giới thiệu về TS Nguyễn Thị Ngọc Trâm, thực tế TS Nguyễn Thị Ngọc Trâm nghiên cứu về cây Trinh nữ Hoàng Cung và sản phẩm cấp phép vào thị trường Mỹ là Crila chứ ko phải Crilin.
Liên quan đến sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ viên Trinh nữ Hoàng Cung Crilin Women Health, tháng 5 năm 2023, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát đi cảnh báo về thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên Trinh Nữ Hoàng Cung Crilin Women Health quảng cáo trên một số website, đường link có nội dung quảng cáo gây hiểu lầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo không phù hợp với giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp phép.
Vi phạm quảng cáo đối với Crilin Women Health đã được báo chí phản ánh năm 2023, đến nay lại tiếp tục diễn ra trên khắp các trang bán hàng và người nổi tiếng với những thông tin không chính xác gây hiểu nhầm cho người bệnh nhằm mục đích tăng doanh số bán hàng. Chẳng lẽ cơ quan quản lý bó tay trước các sai phạm trong quảng cáo liên quan đến sản phẩm này? Để mặc mọi thiệt hại có thể xảy ra đối với người dùng và để cho đơn vị kinh doanh sản phẩm này nhởn nhơ trước các sai phạm?
Hằng Du mục, Quang Linh Vlog hay những người nổi tiếng mà cô nhân viên tên Hường khẳng định với phóng viên Báo Thanh tra là các kênh phân phối chính thức của công ty và những người bán hàng trên mạng có được học về y hay dược? Liệu có hay không việc lợi dụng sự nổi tiếng trên mạng xã hội để bán hàng và tư vấn sản phẩm cho các bệnh lý mà hoàn toàn không có chuyên môn, có thể gây ra hậu quả không mong muốn, chí ít là mất tiền mà không hết bệnh? Hay chính công ty “phân phối độc quyền sản phẩm viên uống thực phẩm chức năng Trinh Nữ Hoàng Cung Crilin Women Health” đang cố tình tiếp tục vi phạm pháp luật về quảng cáo, bán thực phẩm chức năng để hưởng lợi?
Không riêng thực phẩm bảo vệ sức khoẻ viên Trinh nữ Hoàng Cung Crilin Women Health, theo Cục An toàn thực phẩm, trong những năm gần đây đã có rất nhiều cơ sở quảng cáo sai sự thật, quảng cáo quá công dụng của các sản phẩm, gây hiểu nhầm cho người mua giữa thực phẩm bảo vệ sức khỏe với thuốc chữa bệnh và đã bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt.
Đáng nói, rất nhiều trang web vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, nhưng lại nhan nhản những lời quảng cáo là “số 1”, “tốt nhất”, “cứu tinh”, “thần dược”, “cam kết không tái phát”, “chữa dứt điểm đau xương khớp”..., đánh vào tâm lý người tiêu dùng.
Cho những nhãn hàng vi phạm vào "danh sách đen" để cảnh báo
Cơ quan An toàn thực phẩm đã liên tục ra các quyết định xử phạt do quảng cáo không đúng nội dung cấp phép và cảnh báo tới người dùng về một số sản phẩm thực phẩm sử dụng hình ảnh bác sĩ, lấy ý kiến bệnh nhân mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh để quảng cáo sản phẩm.
Tại tọa đàm mới đây về "Đạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng", ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho rằng, đang có tình trạng đăng ký một đằng, sản xuất một nẻo. Thời gian qua cũng tồn tại nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật. Cụ thể, theo luật quy định, các đơn vị chỉ được quảng cáo thực phẩm chức năng những nội dung đã được đăng ký, thẩm định và cơ quan chuyên môn cho phép. Thực tế, nhiều đơn vị cố tình vi phạm về thực phẩm chức năng. Đó là sản xuất sản phẩm thực phẩm chức năng không đúng như đăng ký công bố sản phẩm; nhà sản xuất vì lợi nhuận cho thêm chất cấm, chất độc hại vào thực phẩm chức năng ảnh hưởng đến bệnh tật, nguy hiểm tính mạng người dùng.
Cục An toàn thực phẩm đã nhiều lần cảnh báo hiện nhiều doanh nghiệp quảng cáo không đúng, đặc biệt là những quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Google, Facebook, YouTube... Một số doanh nghiệp đăng ký một đằng nhưng sản xuất một nẻo, thậm chí vì lợi nhuận còn thêm chất cấm, chất độc hại vào thực phẩm chức năng, gây nguy hiểm đến sức khỏe người dùng.
“Mặc dù đã có chế tài đầy đủ để xử phạt vi phạm quảng cáo nhưng việc thực thi còn gặp khó khăn do nơi phát hành quảng cáo thường có máy chủ ở nước ngoài. Khi được mời lên làm việc, các doanh nghiệp thường không thừa nhận quảng cáo là của họ, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc xử phạt”, đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết.
Về vấn đề này, tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, vấn đề quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật là vấn đề nhức nhối trong cộng đồng thời gian qua. Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, việc quảng cáo thực phẩm chức năng hiện nay không chỉ nằm ở đơn vị phát hành quảng cáo, những nền tảng xuyên biên giới như TikTok, Facebook, mà còn cả trí tuệ nhân tạo, các thuật toán. Đây là những khó khăn đặt ra trong việc quản lý, xử lý và cảnh báo người tiêu dùng.
Do đó, để kiểm soát được những nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, một trong các giải pháp là có thể xếp hạng theo chuẩn mực đạo đức trong lĩnh vực quảng cáo. Song song với đó là thống kê, phát hiện và xử phạt vi phạm, nhất là cần cho những nhãn hàng vi phạm vào "danh sách đen" để cảnh báo đến các đơn vị hợp tác và người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia y tế, việc quảng cáo “thổi phồng” công dụng trong lĩnh vực thực phẩm chức năng không chỉ gây thiệt hại về tài chính, mà còn ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người bệnh. Bởi nếu được điều trị đúng cách, người bệnh có thể khỏi bệnh, nhưng tin theo những lời quảng cáo sai sự thật có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh, qua thời gian điều trị vàng.
Các chuyên gia y tế cũng chỉ ra có nhiều cách để nhận diện những sản phẩm kém chất lượng, vi phạm quy định về quảng cáo, trong đó dấu hiệu đầu tiên là những sản phẩm quảng cáo thổi phồng công dụng thật sự của sản phẩm. Thực chất thực phẩm chức năng chỉ là sản phẩm hỗ trợ chức năng các bộ phận cơ thể của con người, có tác dụng nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh. Thực phẩm chức năng không có tác dụng chữa bệnh và không được quảng cáo, ghi nhãn công dụng là điều trị, thay thế thuốc chữa bệnh.
Thời gian qua Bộ Y tế liên tục có khuyến cáo tới người tiêu dùng thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Khi có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời. Tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ trước khi quyết định mua sản phẩm.
Báo Thanh tra sẽ tiếp tục trở lại vấn đề để bạn đọc theo dõi.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Đánh giá chung việc thực hiện môi trường không khói thuốc trên địa bàn, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho biết công tác này còn gặp khó khăn do việc mua bán thuốc lá diễn ra khá dễ dàng, phổ biến, các địa điểm cấm hút thuốc lá thường không đủ lực lượng giám sát, nhắc nhở cũng như không có thẩm quyền xử phạt…
Phương Anh
20:59 22/11/2024(Thanh tra) -Thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn có cơ hội trà trộn vào thị trường, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Phương Anh
20:58 22/11/2024Phương Anh
15:41 22/11/2024Phương Anh
21:05 21/11/2024Hương Giang
15:59 21/11/2024Phương Anh
14:35 21/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương