Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không chủ quan với bệnh dịch hạch

Thứ năm, 27/11/2014 - 23:11

(Thanh tra)- Ngay sau khi Bộ Y tế Madagascar thông báo về việc bùng phát dịch hạch (ngày 21/11/2014), ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam đang tiến hành giám sát dịch hạch trên chuột tại các cửa khẩu và các vùng có nguy cơ.

Mặc dù tại Việt Nam 12 năm trở lại đây không ghi nhận trường hợp mắc dịch hạch, nhưng theo ông Phu, nguy cơ lây lan bệnh dịch hạch từ nước ngoài vào nước ta là rất lớn.

Để chủ động phòng, chống bệnh dịch hạch, ngăn chặn kịp thời không để lan truyền vào Việt Nam, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo cộng đồng đảm bảo thực phẩm ăn, uống phải được che, đậy an toàn... tránh để chuột tiếp xúc.

Thường xuyên vệ sinh môi trường, bố trí và sắp xếp vị trí cũng như cấu trúc nhà ở và kho tàng hợp lý tránh chuột chui rúc và làm tổ. Thực hiện các biện pháp diệt chuột, bọ chét, phá huỷ nơi sinh sản của chuột. Khi thấy nhiều chuột chết bất thường phải khai báo ngay cho cơ quan y tế nơi gần nhất; không diệt chuột và bọ chét khi đang xảy ra dịch ở chuột và ở người. Khi có các biểu hiện nghi dịch hạch (sốt, nổi hạch…) phải đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Cục Y tế dự phòng cũng lưu ý, những địa phương có dịch hạch lưu hành và những vùng có nguy cơ phải thường xuyên theo dõi kết quả giám sát dịch tễ học dịch hạch để chủ động phòng chống  bệnh dịch.  Phối hợp với các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu kiểm tra, giám sát chặt chẽ phương tiện vận chuyển, hàng hóa, động vật nhập khẩu vào nước ta.

Ước tính của Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho thấy, trước năm 1980 số ca mắc bệnh ở Việt Nam là cao nhất thế giới. Trong thời kỳ 1960 và 1970, mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 ca bệnh (chủ yếu ở miền Nam). Từ 1996  -  2000,  cả nước chỉ còn khoảng 140 trường hợp với 7 ca tử vong. Hai ca mắc bệnh cuối cùng tại Việt Nam được ghi nhận vào tháng 8/2002.

Ở Việt Nam, bệnh dịch hạch thường phát triển mạnh vào mùa khô, phù hợp với mùa phát triển của chuột và bọ chét. Bệnh dịch hạch ở người gồm có các thể: Thể hạch, thể nhiễm khuẩn huyết, thể phổi và thể màng não, thường gặp hơn cả là thể hạch. Bệnh dịch hạch biểu hiện triệu chứng đột ngột, ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, sau đó toàn phát với các triệu chứng đặc trưng là nhiễm khuẩn, nhiễm độc và sưng hạch.

Dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh là bệnh nhân bỗng nổi hạch và đau đớn. Nhiều trường hợp, đặc biệt trong nhiễm trùng huyết và viêm phổi, không có dấu hiệu rõ ràng. Khi đó, việc chẩn đoán dựa vào các xét nghiệm mẫu bệnh phẩm như máu hay dịch từ hạch bạch huyết. Nếu xác định chính xác là dịch hạch, bệnh nhân cần được điều trị ngay lập tức.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, bệnh dịch hạch vô cùng nguy hiểm nhưng có thể chữa được bằng các kháng sinh thông thường và sẵn có. Phát hiện bệnh sớm và can thiệp kịp thời sẽ mang lại cơ hội hồi phục hoàn toàn. Những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân bị dịch hạch thể phổi cần được theo dõi và cách ly. Điều trị kháng sinh dự phòng với những người này có thể cần thiết, tùy thuộc vào từng thể bệnh và thời gian tiếp xúc với người bệnh.

Theo các chuyên gia y tế, dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm tiến triển cấp tính, lây lan mạnh với tỷ lệ tử vong cao, được xếp vào diện phải kiểm dịch và khai báo quốc tế. Bệnh do trực khuẩn Yersinia Pestis gây ra, lưu hành trong quần thể động vật thuộc những loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột) và bọ chét ký sinh trên chúng. Bệnh lây truyền sang người qua trung gian bọ chét nhiễm khuẩn.

Phương Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm