Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Điều trị F0 từ xa: Bác sĩ cảnh báo virus lây nhiễm mạnh từ hành lang chung cư

Nghiêm Lan

Thứ hai, 09/08/2021 - 22:10

(Thanh tra) - Tại TP Hồ Chí Minh, các bệnh viện dã chiến, trung tâm y tế và các bệnh viện đang trong tình trạng quá tải bệnh nhân COVID-19 điều trị, khiến một số lượng lớn các F0, không có triệu chứng phải tự cách ly tại nhà. Liệu biện pháp này có làm lây nhiễm đến người thân và cộng đồng hay không?

Bác sĩ Lê Quốc Hùng (Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy). Ảnh: NVCC

Trao đổi với báo chí, bác sĩ Lê Quốc Hùng -Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, hướng dẫn điều trị F0 tại các khu chung cư, khi virus đi vào hành lang dễ dàng tấn công các căn hộ liền kề.

Điều trị tại nhà phụ thuộc rất cao vào ý thức của chính F0

PV: Thưa bác sĩ, TP.HCM hiện nay đang phải đối mặt với hiện trạng nhiều F0 đang phải cách ly tại nhà do ca nhiễm quá cao. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Bác sĩ Lê Quốc Hùng: Nên hiểu rằng F0 điều trị tại nhà có thuận lợi là không bị xáo trộn cuộc sống, cách sinh hoạt, ăn uống, có sự chăm sóc của người thân… F0 sẽ ổn định hơn về tâm lý. Thêm nữa, khi vào điều trị cách ly, F0 không được lựa chọn địa điểm nên sẽ phải cách ly cùng những người lạ, thiếu sự chăm sóc của người thân, chịu một áp lực rất lớn về tâm lý.

F0 không triệu chứng điều trị tại nhà sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều cho Nhà nước và giúp cơ sở y tế tập trung điều trị cho F0 bệnh nặng, cần máy móc thiết bị hỗ trợ.

Thực tế, cần phải nhìn rõ rằng mức độ lây lan nhanh của virus chủng Delta sẽ không chừa một ai, cho nên số lượng cả gia đình cùng là F0 rất nhiều. Nếu F0 không có triệu chứng thì tốt nhất là được ở cùng nhau, tự điều trị tại nhà, sẽ đỡ được tâm lý ly tán bi thương.

Ngày trước số F0 ít, đưa các F0 đi cách ly thì điều kiện rất khác, còn bây giờ khi mỗi ngày thành phố đều có 4.000 đến 6.000 F0 được phát hiện thì điều kiện y tế kiệt quệ, y bác sĩ mệt mỏi, đương nhiên khó được như bệnh nhân mong muốn.

Tuy nhiên, để F0 điều trị tại nhà phụ thuộc rất cao vào ý thức của chính F0. Xã hội đã xảy ra nhiều trường hợp F0 "phá rào", F0 đi lung tung, hoặc cả nhà cùng là F0 nhưng điều kiện cách ly quá chật chội, không đảm bảo, nồng độ virus quá cao dẫn tới dễ lây nhiễm sang môi trường xung quanh, dẫn tới dịch bệnh càng bùng phát mạnh hơn.

PV: Hiện nay, COVID-19 chưa có thuốc đặc trị, nhưng F0 cách ly tại nhà cũng mong biết được một số loại thuốc cơ bản cần có để dự phòng. Xin bác sĩ cho biết, về cơ bản, F0 nên chuẩn bị các loại thuốc gì trong nhà? Khi F1, F0 bắt đầu sốt, đau đầu, đau toàn thân, nên uống thuốc gì, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Lê Quốc Hùng: Khi bắt đầu sốt thì bệnh nhân có thể uống thuốc hạ sốt phổ thông không cần bác sĩ kê toa như Paracetamol, vitamin C, vitamin tổng hợp…

Theo ý kiến cá nhân của tôi, thì y tế địa phương bắt buộc phải gánh trách nhiệm chuyên môn, lập tổ điều trị dã chiến tại các vùng phát hiện F0, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, thậm chí cung cấp các loại thuốc cơ bản chứ F0 khó có thể tự đi mua thuốc mà bây giờ tại TP.HCM mua online cũng không khả thi.

Triệu chứng của COVID-19 có thể từ không triệu chứng đến có triệu chứng, đến trở nặng. Khi F0 trở nặng rất cần sự phối hợp hệ thống để kịp thời cấp cứu F0.

Người dân quận Gò vấp tiêm vaccinne phòng Covid -19. Ảnh: NL

Bình oxy giúp bệnh nhân không nặng thêm

PV: Nhiều gia định hiện nay mua dự phòng bình ô xy trong nhà. Khi F0 đang cách ly tại nhà mà có biểu hiện suy hô hấp, khó thở thì cần làm gì thưa bác sĩ?

Bác sĩ Lê Quốc Hùng: Bình ô xy không phải là phương tiện để cứu bệnh nhân COVID-19 mà chỉ là giải pháp tạm thời giúp bệnh nhân không nặng hơn. Trong khi đó, bình ô xy có thể gây cháy nổ y như bình gas, phải biết cách sử dụng; và còn cần phải xác định tình trạng của bệnh nhân, thì mới quyết định cho thở ô xy.

Khi bắt đầu khó thở, F0 phải gọi cấp cứu 115 càng sớm càng tốt. Kiên trì gọi, đừng bỏ cuộc. Trong khi chờ đợi xe cấp cứu đến thì bệnh nhân có thể giảm các cơn khó thở bằng cách kê cao gối, nằm nghiêng, nằm sấp là yếu tố giúp phế nang phát huy tốt nhất nguồn cung cấp oxy cho người bệnh. Tóm lại là làm cách nào, nằm tư thế nào để cảm thấy dễ thở nhất thì làm.

PV: Bệnh nhân F0 đã bị mất vị giác, khứu giác đã phải là F0 chuyển nặng chưa và cần làm gì thưa bác sĩ?

Bác sĩ Lê Quốc Hùng: Số lượng những F0 bắt đầu chuyển nặng, mất vị giác, khứu giác theo quan sát của chúng tôi thì không nhiều, chiếm khoảng 20% là những người chuyển nặng, 80% còn lại sẽ tự khỏi các triệu chứng. Kể cả các F0 có triệu chứng mất vị giác, khứu giác, nhiều người sẽ tự khỏi sau khoảng 5-7 ngày.

Vấn đề quan trọng nhất là xác định 20% sẽ chuyển nặng này như thế nào. Thường thì nếu F0 có kết nối qua camera với bác sĩ điều trị COVID-19 từ xa, sẽ được hướng dẫn F0 đếm nhịp thở của mình xem mỗi phút bệnh nhân thở được bao nhiêu lần. Tuỳ theo thể lực của từng người, bác sĩ mới chẩn bệnh được là F0 đó có dự báo chuyển nặng không hay là sẽ hết triệu chứng này trong vòng mấy ngày?

Nếu F0 thở trên 20 lần/1 phút thì đây chính là biểu hiện trở nặng, cần liên lạc tới y tế phường hoặc một cơ sở y tế có thể tiếp nhận bệnh nhân vào điều trị cách ly.

Virus lây theo hành lang trong chung cư, F0 phải làm thế nào?

PV: Nhiều chung cư đang gặp phải tình trạng virus lây rất mạnh theo hành lang? Y tế địa phương khuyến cáo các căn hộ phải đóng chặt toàn bộ cửa sổ, cửa chính ra hành lang, đề phòng virus lây lan theo không khí. Tuy nhiên, nếu giường của F0 ở gần cửa sổ thì có nên mở cửa để lấy ô xy? Điều này sẽ tốt hơn cho F0 hay là sẽ khiến virus phát tán ra xung quanh mạnh hơn, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Lê Quốc Hùng:  Theo tôi, các cửa chính ra hành lang chung cư, cửa thông gió ở hành lang, cửa sổ nếu hướng quay ra hành lang hoặc nhìn thẳng sang căn hộ đối diện cần đóng chặt. Virus khi đi vào hành lang chung cư sẽ dễ dàng tấn công các căn hộ liền kề.

Còn các cửa sổ thoáng mở ra bên ngoài không gian rộng, có ánh sáng, có nắng, có khoảng không gian tốt thì nên mở thường xuyên để lấy đủ ô xy cho F0 trong phòng có thể thở được, đồng thời giúp làm loãng tải lượng virus trong phòng. Nếu đóng chặt toàn bộ các cửa thì không khí sẽ rất ngột ngạt, nồng độ virus đậm đặc, chắc chắn các F1 đang cách ly tại nhà sẽ lần lượt nhiễm bệnh hết.

Cửa sổ mở thoáng ra không gian rộng bên ngoài có thể đẩy một tải lượng virus ra ngoài trời nhưng theo nghiên cứu của y văn thế giới đã chứng minh được, rằng tải lượng virus khi đẩy ra không gian ngoài trời không đủ để lây nhiễm, virus sẽ bị nắng diệt khuẩn một cách tự nhiên sau một thời gian. Tại các bệnh viện dã chiến hiện nay cũng đang phải sử dụng cách này để điều trị F0.

PV: Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Kháng thuốc - mối đe doạ hàng đầu đối với sức khoẻ cộng đồng toàn cầu

Kháng thuốc - mối đe doạ hàng đầu đối với sức khoẻ cộng đồng toàn cầu

(Thanh tra) - Kháng thuốc hiện nay là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững. Tổ chức Y tế thế giới đã xếp kháng thuốc vào danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Tình trạng kháng thuốc không chỉ ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực sức khỏe mà còn tác động sâu rộng tới toàn xã hội, vượt qua ranh giới của bất kỳ quốc gia nào.

Phương Anh

15:41 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm