Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chuyện giật mình từ hàng trăm phòng khám tại Hà Nội

Thứ năm, 10/10/2013 - 17:32

Chúng tôi đã phản ánh một phòng khám chuyên khoa tại Hà Nội ký hợp đồng vận chuyển rác đúng quy định nhưng buộc phải đổ tất tật bông, băng của phòng khám vào rác sinh hoạt. Tiếp tục tìm hiểu, phóng viên còn phát hiện một sự thật động trời khác: mỗi ngày có hàng trăm phòng khám trên địa bàn Hà Nội cũng tuồn rác y tế vào rác sinh hoạt mà chưa bị cơ quan chức năng “hỏi thăm”.

Danh sách hơn 400 phòng khám không có hợp đồng xử lý rác.

Hợp đồng đối phó

Công ty Urenco 10 là đơn vị có chức năng tiếp nhận, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế tại đa số các cơ sở y tế, phòng khám trên địa bàn Hà Nội. Có đến hơn 90% phòng khám trên toàn TP.Hà Nội ký hợp đồng thu gom vận chuyển, xử lý rác với Urenco 10 vì đây là DN có uy tín.

“Sở Y tế cũng muốn có danh sách của các công ty môi trường nhưng hiện không có nên mỗi khi có người quen hay người dân hỏi thì chúng tôi đều chỉ cho họ tới Urenco 10 để ký hợp đồng xử lý rác vì kỳ thực họ làm ăn cẩn thận, uy tín. Sợ nhất là những “anh” thu gom, vận chuyển được nhưng không xử lý nổi rồi đổ bậy bạ ở đâu không ai biết” -  một cán bộ Sở Y tế Hà Nội giải thích vì sao phần lớn các phòng khám đều ký hợp đồng với Urenco 10.

Như đã nêu, theo quy định của Thông tư 41/2011/TT-BYT ngày 14/11/2011 về hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với cơ sở khám, chữa bệnh thì điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám đa khoa là phải  bảo đảm các điều kiện về quản lý chất thải y tế; còn phòng khám chuyên khoa phải bảo đảm xử lý rác thải y tế theo quy định của pháp luật.

Bởi vậy, tất cả các phòng khám chuyên khoa, đa khoa đều phải ký hợp đồng vận chuyển, xử lý rác thải y tế với đơn vị có chức năng thu gom, xử lý rác thải y tế rồi mới được Sở Y tế tiếp nhận hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động. Trong hợp đồng đó có điều khoản thỏa thuận là phòng khám phải chủ động gọi báo cho bên thu rác biết ngày giờ lấy rác để bên thu gom rác đến lấy.

Nhưng,  một thực tế khó tin đã tồn tại lâu nay là các phòng khám ký hợp đồng chỉ để đối phó yêu cầu về “giấy phép con” xử lý rác trong thủ tục xin mở phòng khám, còn không màng gì đến việc gọi DN lấy rác, DN cũng “quên” khách hàng của mình. Cũng vì thế, hàng ngày rác thải tại các phòng khám được tuồn hết vào rác sinh hoạt.

Trong quá trình tìm hiểu, một bác sỹ phòng khám nhi tại quận Ba Đình tỏ vẻ lạ lẫm chuyện xử lý rác, nói với phóng viên: “Phòng khám của tôi chỉ có mấy cài đè lưỡi khám cho trẻ con thôi, có gì đâu mà phải gọi thu gom, chiều nào tôi cũng đổ vào xe rác sinh hoạt của thành phố hết rồi”.

Một phòng khám khác trên đường Hai Bà Trưng, bác sỹ cũng ngơ ngác trả lời phóng viên không biết mình đã ký hợp đồng thu gom rác chưa. Mở tủ lôi tập hồ sơ xin cấp phép ra thì quả nhiên hợp đồng thu gom rác vẫn nằm yên trong đó. Hợp đồng này “lách” chỉ ký thu gom thời hạn rất ngắn là 6 tháng và đối chiếu với thời điểm phòng khám hoạt động thì hợp đồng cũng đã hết hạn từ trước.

“Nói thật, bây giờ tôi mới sờ đến hợp đồng, cũng không hiểu thu gom thế nào, lâu nay chúng tôi vẫn đổ vào rác sinh hoạt. Nhưng nhà báo đừng viết gì nhé, nhỡ tôi phải đi ký tiếp hợp đồng rác thì phiền” - vị bác sỹ này dặn.

“Hậu kiểm” có vấn đề?

Xác minh tại Urenco 10 - đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, xử lý rác thải y tế cho hơn 90% phòng khám tại Hà Nội, có được con số giật mình: hơn 400 phòng khám đã hết hạn hợp đồng với đơn vị này nhưng không ký lại và có đến 21 phòng khám vẫn còn hạn hợp đồng nhưng cũng không thèm giao rác để xử lý. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi ngày hàng trăm phòng khám tuồn rác y tế vào rác sinh hoạt và bị đưa đi đốt, chôn lấp không đúng quy định, gây hại cho môi trường. Lãnh đạo Urenco 10 cho biết, chuyện ký hợp đồng xong để đối phó là có nhưng đơn vị này không thể xử lý, nhắc nhở vì không có quyền.

Nghe chuyện hàng trăm phòng khám tuồn rác y tế vào rác sinh hoạt, một bác sỹ Bệnh viện K sửng sốt: “Không thể chấp nhận được. Tại sao bác sỹ mà lại nghĩ đơn giản rằng chỉ một cái đè lưỡi không ảnh hưởng gì đến môi trường, vứt đâu cũng được. Xin thưa, cực kỳ nguy hại cho môi trường, vi khuẩn phát tán trong không khí có thể bùng phát những ổ dịch, hay rác thải y tế mà bị chôn lấp, xả ra môi trường thì sẽ thẩm thấu gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Có những bệnh lây qua đường máu, chỉ một vết đứt tay cũng khiến chúng ta bị nhiễm bệnh mà rác y tế không được kiểm soát nghiêm ngặt như vậy thì thật nguy hiểm”.

Thực tế trên cho thấy khâu hậu kiểm sau khi cấp phép cho các phòng khám hoạt động của cơ quan y tế Hà Nội “có vấn đề”. Sở Y tế Hà Nội cần kiểm tra các phòng khám trên địa bàn về việc chấp hành quy định xử lý rác, ngăn chặn ngay việc phát tán rác nguy hại ra môi trường.

Theo Hà Linh (Phapluatvn.vn)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm