Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đà Nẵng: Hiệu lực quản lý Nhà nước rất thấp do buông lỏng công tác thanh tra

Thứ sáu, 23/11/2018 - 17:09

(Thanh tra) - Thời gian qua, TP Đà Nẵng đã xảy ra nhiều vụ việc sai phạm nghiêm trọng trên lĩnh vực quy hoạch, dự án và đặc biệt là nhà, đất, dẫn đến hàng loạt cán bộ chủ chốt bị xử lý kỷ luật, khởi tố hình sự, thậm chí có người bị bắt giam... Thực tế đó cho thấy, công tác thanh tra, kiểm tra bị buông lỏng, thiếu giám sát nên hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước rất thấp...

Khu tái định tư Hòa Liên 3 sụt lún do chất lượng thi công hạ tầng kém. Ảnh: NP

Chúng tôi đã nhiều lần đến các khu tái định cư Hòa Liên 3, Hòa Liên 4 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), đều nghe nhiều ý kiến phản ánh của người dân: “Đúng ra các khu này hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2014, nhưng đến nay hệ thống đường giao thông, cống rãnh thoát nước... vẫn chưa hoàn chỉnh. Điều đáng nói là đã có hàng chục  nhà dân sau khi xây dựng xong, đưa vào sử dụng chưa bao lâu đã bị sụt lún nền móng, gây hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng...”. Đây chính là sự tắc trách của đơn vị điều hành thi công dự án (DA), đã không thực hiện đúng thiết kế kỹ thuật khi thi công cơ sở hạ tầng.

Đầu năm 2018, sự việc được chính quyền xã Hòa Liên báo cáo lên các ngành chức năng của TP. Qua kiểm tra, đã xác định cao trình hiện trạng 3 DA hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư nêu trên đều thấp hơn so với cao trình theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt, các vị trí kiểm tra có độ chênh lệnh từ hơn 11cm đến 1,047m. Nguyên nhân chủ yếu gây sụt lún do không thực hiện công tác khảo sát địa chất xây dựng theo quy định.

Thanh tra TP tiến hành thanh tra toàn bộ 3 DA, đã phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng và chỉ ra những yếu kém trong công tác quản lý...

Tại DA khu tái định cư Hòa Liên 4 - giai đoạn 1, hồ sơ khảo sát địa chất không đảm bảo tiêu chuẩn xây dựng như: Không có tọa độ các lỗ khoan, số lượng lỗ khoan thăm dò không đảm bảo, không thực hiện công tác giám sát thăm dò... Đặc biệt, việc nghiệm thu, thanh toán hợp đồng khảo sát địa chất DA khu tái định cư Hòa Liên 4, với số lượng 14 lỗ khoan đã thanh toán chi phí 480 triệu đồng, nhưng chủ đầu tư không cung cấp báo cáo kết quả khảo sát địa chất của 12 lỗ khoan cho cơ quan chức năng...

Sự cố sụt lún tại các DA hạ tầng khu tái định cư Hòa Liên 3, Hòa Liên 4 gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý, với dự toán kinh phí khắc phục được lập hơn 30,6 tỷ đồng; cùng với vi phạm các quy định, thiếu trách nhiệm gây lãng phí vốn đầu tư trong công tác quản lý, có dấu hiệu tội phạm...

Thanh tra TP đã chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan Điều tra Công an TP Đà Nẵng tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.

Nhắc đến DA tuyến kênh thoát lũ tổng thể khu vực xã Hòa Liên đã gây “phiền toái” đối với người dân sở tại vì lũ lụt, ông Trương Tấn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên khẳng định: “DA kênh thoát lũ Hòa Liên kéo dài tiến độ, ảnh hưởng lớn đến đời sống hàng nghìn hộ dân nơi đây. Cứ mỗi mùa mưa đến, cả trăm ha ruộng lúa ở các thôn Vân Dương 1 và 2 bị ngập chìm, mất trắng, hàng trăm hộ dân ở các thôn Quan Nam 3, Quan Nam 4, Quan Nam 6 cũng bị ngập chìm trong biển nước”.

DA kênh thoát lũ tổng thể khu vực xã Hòa Liên được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt ngày 13/2/2014 với tổng mức đầu tư hơn 114 tỷ đồng, triển khai theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Đến tháng 5/2018, DA đã chậm tiến độ 16 tháng và cũng chưa biết đến khi nào mới hoàn thành, vì còn nhiều hạng mục chưa thực hiện xong, công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn vướng hàng chục hộ dân chưa di dời.

Thanh tra TP chỉ rõ: DA tuyến kênh thoát lũ Hòa Liên không thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư, thiếu sót về một số thủ tục, hồ sơ quản lý chất lượng, nghiệm thu. Không ban hành văn bản cử cán bộ thực hiện công tác chủ nhiệm khảo sát; chứng chỉ hành nghề tư vấn trưởng và giám sát viên hết hiệu lực; tư vấn giám sát không thực hiện kiểm tra, đôn đốc nhà thầu thi công xây dựng tại hiện trường theo yêu cầu tiến độ thi công...

Về nguyên nhân tiến độ thi công xây dựng DA chậm: Hồ sơ thuyết minh DA chưa đánh giá đầy đủ tính khả thi, các khó khăn vướng mắc về đền bù giải tỏa để bàn giao mặt bằng thực hiện DA. Việc lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kéo dài 2 năm do quá trình lập, thẩm định phải hiệu chỉnh hồ sơ thiết kế tới 4 lần.

Về sự việc người dân thôn Vân Dương 1, 2, xã Hòa Liên liên tục kéo ra chặn xe, không cho công nhân vào làm việc tại Nhà máy Thép Dana -  Ý và Dana - Úc hoạt động tại cụm công nghiệp (CCN) Thanh Vinh, Thanh tra TP chỉ ra nhiều bất cập từ khâu quản lý như: CCN Thanh Vinh không có ngành luyện thép, nhưng năm 2008 - 2009, UBND TP cấp giấy chứng nhận đầu tư, phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho DA Nhà máy Thép Dana - Ý và Dana - Úc hoạt động tại CCN.

Sau khi có ý kiến phản ánh về ô nhiễm môi trường do bụi thép thải ra bên ngoài, UBND TP giao 5,77ha cho 2 nhà máy trồng cây xanh, tạo không gian cách ly giữa CCN với khu dân cư. Thực tế, khoảng cách từ Nhà máy Thép Dana - Ý đo được từ 31,5m đến 80,3m và từ Nhà máy Thép Dana - Úc đến khu dân cư là 27,2m đến 143,3m. Cả 2 nhà máy chưa đủ khoảng cách tối thiểu là 500m như quy định đối với nhà máy độc hại cấp 2.

Việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho DA Nhà máy Thép Dana - Ý và Dana - Úc là không phù hợp với quy định ngành nghề tại CCN theo ĐTM đã được phê duyệt; không phù hợp với chủ trương của UBND TP về việc không cho lắp đặt lò luyện thép mới trong các khu công nghiệp.

Trong quá trình sản xuất, 2 nhà máy trên liên tục sản xuất sản lượng thép vượt công suất so với quy định tại giấy chứng nhận đầu tư, bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường và ĐTM, nhưng không bị phát hiện và chấn chỉnh kịp thời.

Từ năm 2009 đến nay, các nhà máy hoạt động sản xuất nhưng không lập ĐTM bổ sung phù hợp với công suất tại giấy chứng nhận đầu tư; thay đổi một số máy móc nhưng không lập lại, điều chỉnh, bổ sung ĐTM, là không đúng quy định về bảo vệ môi trường.

Kết quả thanh tra còn cho thấy, các nhà máy trên vi phạm về quản lý chất thải nguy hại (chuyển giao cho đơn vị xử lý không có giấy phép), xử lý chất thải rắn rỉ lò không đúng theo ĐTM được phê duyệt...

Để xảy ra các sai phạm trên, trách nhiệm thuộc về các cơ quan tham mưu đã thiếu trách nhiệm trong đề xuất, thiếu kiểm tra, giám sát để phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm của 2 nhà máy thép.

Hậu quả trên còn thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2007 - 2014 trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư và phê duyệt ĐTM đối với 2 nhà máy thép là ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến. Dù UBND TP cấm không cho lắp đặt các lò luyện thép mới trong các khu công nghiệp, nhưng đối với 2 nhà máy thép trên thì được cấp giấy phép vô tư.

Thanh tra TP kiến nghị Chủ tịch UBND TP báo cáo Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cho ý kiến chỉ đạo xử lý.

Thường trực Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan yêu cầu 2 nhà máy chấm dứt hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường khu vực, đảm bảo quy định của pháp luật; theo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy và phù hợp với định hướng, mục tiêu xây dựng Đà Nẵng là TP môi trường.

Điểm sơ một số vụ việc trên cho thấy, nếu công tác thanh tra, kiểm tra của TP được phát huy và duy trì tốt; chắc chắn sẽ hạn chế được những sai phạm và hậu quả nêu trên.

Nguyên Phê

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm