Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Về nơi 5 lần được đón Bác

Thứ sáu, 30/08/2019 - 06:35

(Thanh tra)- Về Thanh tra tỉnh Hải Dương vào những ngày cuối tháng 8, tôi được nghe kể nhiều hơn những câu chuyện lịch sử của địa phương, về những lần được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị cha già kính yêu của dân tộc.

Bác Hồ thăm và tìm hiểu về hoạt động sản xuất của nông dân xã Ái Quốc (nay thuộc TP Hải Dương) năm 1957. Ảnh tư liệu

Là người đứng đầu Đảng, Nhà nước, tuy bận trăm công nghìn việc, nhưng Bác Hồ vẫn dành cho Đảng bộ và nhân dân Hải Dương sự quan tâm đặc biệt. Người đã 5 lần về thăm Hải Dương.

Lần đầu tiên Bác Hồ về thăm Hải Dương là ngày 21/10/1946. Sau chuyến thăm nước Pháp, từ Hải Phòng về Hà Nội bằng tàu hoả, Bác Hồ đã dừng chân ở ga Lai Khê (Kim Thành), ga Tiền Trung (Nam Sách), rồi về ga Hải Dương, nói chuyện với nhân dân về tình hình và kết quả đàm phán tại Pháp, về âm mưu của giặc và những khó khăn của đất nước, cũng như quyết tâm của Chính phủ và kêu gọi toàn thể đồng bào phải nêu cao tinh thần cảnh giác, đoàn kết, chuẩn bị tinh thần, lực lượng và vũ khí, sẵn sàng chiến đấu nếu kẻ thù bội ước, để giữ bằng được độc lập, tự do cho dân tộc…

Lần thứ 2, đó là ngày 31/5/1957. Bác về xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, thăm một số gia đình, trong đó có gia đình cụ Vũ Văn Trung ở xóm Vũ Thượng có 3 con đi bộ đội. Đồng thời nói chuyện với trên 400 đại biểu là cán bộ khu, cán bộ tỉnh, bộ đội và các tầng lớp nhân dân. Người căn dặn cán bộ, bộ đội và nhân dân phải nâng cao ý chí phấn đấu với tinh thần đồng cam cộng khổ, luôn đoàn kết chặt chẽ, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt công tác sửa sai trong cải cách ruộng đất và khôi phục kinh tế để củng cố miền Bắc, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Lần thứ 3, ngày 1/4/1959, tại trụ sở làm việc của Tỉnh uỷ (thị xã Hải Dương), nay là nhà khách Bạch Đằng, Bác nói chuyện với các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Uỷ ban Hành chính tỉnh cùng cán bộ các ban, ngành của tỉnh. Bác khen ngợi những thành tích đã đạt được của nhân dân Hải Dương và cán bộ tỉnh Hải Dương, nhất là phong trào sản xuất nông nghiệp, Bác nhắc nhở một số công việc sản xuất trong vụ Đông như cần bón thêm phân và ra sức chống hạn.

Tiếp đó là ngày 26/7/1962, lần thứ 4 Người về thăm Hải Dương. Tại xã Hiệp Lực, Người tham gia guồng nước chống úng cùng với bà con nông dân, căn dặn mọi người phải tích cực chống úng thắng lợi qua 2 câu Kiều “Trăm năm trong cõi người ta. Chống úng thắng lợi mới là người ngoan”.

Người về hội trường Nhà máy Xay Ninh Giang, nói chuyện với cán bộ, công nhân và nhân dân huyện Ninh Giang và Nhà máy Sứ Hải Dương (nay là Công ty Sứ). Thăm các phân xưởng sản xuất, tới phân xưởng vẽ hoa trên sứ, Bác nói “Sứ Việt Nam cần vẽ hoa Việt Nam” rồi cầm bút viết lên bình hoa 5 chữ: “Phải cố gắng tiến bộ”.

lần thứ 5, đó là ngày 15/2/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Hải Dương. Tại xã Hồng Thái (Ninh Giang) - lá cờ đầu của phong trào làm thuỷ lợi toàn miền Bắc, nơi đã được nhận cờ luân lưu của Bác; xã Nam Chính (Nam Sách) - nơi có phong trào vệ sinh khá nhất tỉnh.

Cũng trong lần về thăm này, Bác đã tới thăm Côn Sơn (Chí Linh), đọc bia chùa Côn Sơn, viết vào sổ lưu niệm, căn dặn cán bộ, nhân dân Hải Dương và các sư trụ trì chùa phải tích cực trồng cây phủ xanh di tích, làm cho di tích lịch sử văn hoá trở thành thắng cảnh du lịch của địa phương, “phải biến nơi đây thành Trùng lâm đẹp đẽ”.

Có thể nói, trong những lần về thăm Hải Dương, Bác đã nói chuyện, tặng huy hiệu, tặng quà biểu dương, khích lệ cán bộ, chiến sỹ và nhân dân. Bác khen ngợi những thành tích của nhân dân và cán bộ Hải Dương, đặc biệt là về sản xuất nông nghiệp và phong trào đổi công hợp tác xã. Đó là món quà tinh thần vô giá góp phần cổ vũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh quyết tâm vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bác căn dặn Hải Dương cần đẩy mạnh việc tăng năng suất để đảm bảo hoàn thành và vượt mức kế hoạch; phải chú trọng chống hạn, đề phòng hạn có thể kéo dài, cần bón thêm phân cho lúa và hoa màu; về công tác đê điều cần cố gắng hoàn thành tốt trước mùa mưa; về đổi công hợp tác, phát triển và củng cố phải đi đôi, đảm bảo tốt về đường lối và chính sách của Đảng và Chính phủ.

5 lần vinh dự được đón Bác về thăm, đã để lại những kỷ niệm sâu sắc trong tâm trí, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Hải Dương, làm tăng thêm niềm tin tưởng, phấn khởi. Những lời dạy bảo ân cần, mộc mạc của Bác là những định hướng lớn cho Đảng bộ và nhân dân Hải Dương trong suốt quá trình xây dựng, phát triển đi lên từ một tỉnh thuần nông.

Khắc ghi lời Bác, nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương không ngừng vận dụng sáng tạo lời dạy, lời căn dặn của Người, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn khác nhau.

Đến nay, kinh tế Hải Dương liên tục có những bước tăng trưởng khá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Toàn tỉnh hiện có gần 13 nghìn doanh nghiệp hoạt động, với số vốn đăng ký trên 100 nghìn tỷ đồng. Tỉnh đã có 10 khu công nghiệp được đầu tư hạ tầng và đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 70%. Hải Dương có 397 dự án FDI, với số vốn đăng ký 7,7 tỷ USD. Nhiều sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đảm bảo chất lượng, sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hải Dương đạt 9,1%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 17.000 tỷ đồng; quy mô kinh tế của tỉnh đứng thứ 11 so với cả nước. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đứng thứ 13 trong cả nước. Hải Dương là một trong 16 tỉnh, thành phố trong cả nước tự cân đối thu chi và nộp về ngân sách Trung ương. Phong trào xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả nổi bật, đến nay toàn tỉnh đã có 176 xã đạt nông thôn mới. Hai huyện Kinh Môn, Cẩm Giàng đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Chí Linh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 

Trong 8 tháng đầu năm 2019, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực phấn đấu của các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP theo giá so sánh năm 2010) ước tăng hơn 7,2% so với cùng kỳ năm 2018; sản xuất của các ngành, lĩnh vực cơ bản ổn định; thu ngân sách đạt ở mức cao. 

Khắc ghi lời dạy của Bác và những thành tựu của tỉnh đã đạt được thời gian qua, Hải Dương quyết tâm đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy truyền thống cách mạng, xây dựng đội ngũ cán bộ, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực, tiềm năng của tỉnh. Bên cạnh đó, quan tâm hơn nữa đối với công tác cán bộ, sắp xếp và tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy Nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, sớm đưa Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp, tỉnh kiểu mẫu.

Phương Hiếu

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm