Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn làm Bí thư Đảng ủy Bộ Thông tin và Truyền thông

Giang Thân

Thứ tư, 19/08/2020 - 10:11

(Thanh tra) - Sau 2 ngày làm việc (17- 18/8), Đại hội Đại biểu lần thứ V, nhiệm kỳ 2020-2025 Đảng bộ Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã kết thúc tốt đẹp. Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Phó Bí thư Đảng ủy Khối Huỳnh Tấn Việt và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ TT&TT nhiệm kỳ 2020 - 2025 ra mắt Đại hội. Ảnh: TG

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 33 người. Ban Chấp hành Đảng bộ đã họp phiên thứ nhất bầu Ban Thường vụ gồm 11 người. Đại hội cũng đã bầu 5 đại biểu chính thức dự Đại hội Đảng bộ Khối Các cơ quan Trung ương và 1 đại biểu dự khuyết.

Báo cáo Chính trị trình bày tại Đại hội cho thấy, trong nhiệm kỳ IV, Đảng bộ đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương, của Ban Cán sự Đảng và của Đảng ủy Bộ TT&TT; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; tham mưu giúp Chính phủ, Quốc hội hoạch định nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia tiếp tục được xây dựng đồng bộ, hiện đại và rộng khắp. Công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu trong ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước và đời sống xã hội. Công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trên không gian mạng được tăng cường; lĩnh vực báo chí, truyền thông đã phản ánh đúng dòng chảy của thời đại, góp phần tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường.

Cũng theo báo cáo chính trị, năm 2019, tổng doanh thu toàn ngành dự kiến đạt 3.100.000 tỷ đồng (gần 135 tỷ USD), tăng 2,5 lần so với năm 2015; nộp ngân sách đạt 99.820 tỷ đồng (hơn 4,3 tỷ USD), tăng 1,6 lần so với năm 2015.

Hiện nay, ngành TT&TT đã có một số doanh nghiệp lớn có thương hiệu và thứ hạng quốc tế. Trong bảng xếp hạng quốc tế về an toàn, an ninh mạng toàn cầu do ITU đánh giá, Việt Nam vươn lên mạnh mẽ từ thứ hạng 100 năm 2017 lên thứ hạng 50 năm 2019.

Đối với công tác xây dựng Đảng, trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Bộ TT&TT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng chi bộ, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng; thực hiện nghiêm túc chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng; từng bước đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành ý thức tự giác, thành việc làm thường xuyên của cả chi bộ và mỗi đảng viên.

Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ TT & TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, nhiệm kỳ tới Đảng bộ Bộ TT&TT sẽ xoay xung quanh 8 chương trình trọng tâm nhằm đưa ngành TT&TT thành một đôi cánh cho đất nước bay lên. Và đó cũng là sứ mệnh mới của ngành TT&TT đối với đất nước.

Thứ nhất, chuyển đổi bưu chính từ chuyển phát thư báo thành hạ tầng của dòng chảy vật chất của nền kinh tế số. Xây dựng hạ tầng bưu chính để đảm bảo dòng chảy vật chất của nền kinh tế số bên cạnh dòng chảy dữ liệu.

Thứ hai, chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng của nền kinh tế số. Triển khai 5G, mỗi người một máy điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình 1 đường internet cáp quang…

Thứ ba, đưa Việt Nam thành cường quốc an ninh mạng, với trọng tâm làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an ninh mạng, để đảm bảo sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Đảm bảo chủ quyền không gian mạng. Không gian mạng Việt Nam là môi trường sống mới nên phải đảm bảo sạch và lành mạnh.

Thứ tư, chuyển đổi từ Chính phủ điện tử thành Chính phủ số. Đưa mọi hoạt động của Chính phủ lên môi trường số, sáng tạo ra nhiều dịch vụ hữu ích cho người dân, tương tác của người dân với chính quyền nhiều hơn.

Thứ năm, chuyển đổi từ gia công lắp ráp thành phát triển sản phẩm. Chương trình Make in Vietnam, với trọng tâm là nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G, IoT, các nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Thứ sáu, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Từ 50.000 doanh nghiệp sẽ trở thành 100.000 doanh nghiệp, có cả doanh nghiệp làm chủ công nghệ cốt lõi, cả doanh nghiệp phát triển sản phẩm, cả doanh nghiệp triển khai và khởi nghiệp sáng tạo.

Thứ bảy, báo chí truyền thông phải bảo vệ được chủ quyền quốc gia về thông tin, phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận xã hội, tạo niềm tin xã hội, lan toả năng lực tích cực, góp phần tạo ra sự ổn định để phát triển đất nước, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phát vươn lên.

Thứ tám, chuyển đổi từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số. Dẫn dắt và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Toàn quốc chuyển đổi số. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạnh toàn dân, toàn diện. Đưa toàn bộ hoạt động của kinh tế, xã hội lên môi trường số cũng phải đi song song với việc bảo vệ chủ quyền số.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất