Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ký ức cựu chiến binh về ngày giải phóng miền Nam

Nguyễn Điểm

Thứ năm, 27/04/2023 - 06:36

(Thanh tra) - 48 năm sau ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2023), những người lính Cụ Hồ vẫn còn nhớ như in những cuộc hành quân xuyên đêm, xuyên rừng và những trận đánh sinh tử giữa ta và địch để giành từng tấc đất. Họ là những chứng nhân sống chứng kiến thời khắc lịch sử, chiến thắng của dân tộc, niềm vui khi Nam - Bắc sum họp một nhà.

Cựu chiến binh Lê Xuân Mói kể về những năm tháng làm nên ngày đất nước thống nhất. Ảnh: Nguyễn Điểm

Đến nay, những người lính năm nào vẫn thầm lặng đóng góp sức mình vào sự phát triển của đất nước.

Những người chứng kiến và góp sức làm nên lịch sử

Tôi may mắn tìm và gặp được cựu chiến binh Bàng Nguyên Thất đúng dịp kỷ niệm 48 năm ngày thống nhất đất nước. Ngôi nhà của người cựu chiến binh thông tin năm nào nằm sâu trong ngõ 165, phố Chợ Khâm Thiên (Hà Nội).

Chàng thanh niên Bàng Nguyên Thất lên đường nhập ngũ tháng 9/1972. Sau khi huấn luyện, người chiến sĩ trẻ được biên chế vào Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 - được biết đến là mũi nhọn có vai trò thọc sâu vào tuyến địch, cùng với các lực lượng phối hợp thuộc Lữ đoàn xe tăng 203, đặc công, pháo binh, công binh tạo thành binh chủng hợp thành theo hướng xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn. Cứ thế, cùng với đồng đội của mình, người chiến sĩ trẻ Bàng Nguyên Thất tiến bước theo quân hành, cho đến ngày 30/4 lịch sử.

Phát huy truyền thống anh bộ đội Cụ Hồ, ông Bàng Nguyên Thất luôn nỗ lực vượt lên mọi khó khăn để sống tốt, sống có ích trong xã hội. Ông tâm niệm, chiến tranh còn không khiến mình khuất phục thì những cám dỗ đời thường sao có thể đánh gục những người đã trải qua rèn luyện trong gian khó như ông!

Chia sẻ cảm xúc về ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, với cựu chiến binh Đặng Đình Chiến (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) thì đó là những tiếng reo hò, những giọt nước mắt và những tràng đạn chỉ thiên rộn rã ăn mừng trong rừng cao su.

Theo lời cựu chiến binh Đặng Đình Chiến, năm 1972, ông lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1. Sau thời gian huấn luyện, đơn vị ông hành quân vào chiến trường Quảng Trị đầy khốc liệt. Tới đầu năm 1975, đơn vị ông tiếp tục tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tuy nhiên, theo điều động nên ông cùng đồng đội được phân công “cắm” và đón lõng nhằm ngăn chặn mũi rút lui của địch. Cứ thế, ngày nghe tin miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, ông và đồng đội đang trú đóng trong rừng cứ ôm nhau mà hát, mà reo ca.

Với cựu chiến binh Lê Xuân Mói (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín), ký ức ngày giải phóng là những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài khi đang nằm trên bệnh xá điều trị vết thương do bom đạn.

Ông Mói cho biết, ông sinh năm 1955. Sinh ra và lớn lên tại thôn Đan Nhiễm, tháng 4/1974, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ và được biên chế vào đơn vị bộ binh Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 320, Quân khu 8, đóng quân tại Mỹ Tho - Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong trận đánh ngày 25/4/1975, không hiểu sao mà giặc điên cuồng ném bom oanh tạc căn cứ hậu cần quân khu và Bệnh viện tỉnh Mỹ Tho. Tại trận chiến ác liệt đó, ông Mói còn nhớ như in hình ảnh nhiều đồng chí, đồng đội hi sinh. Bản thân ông khi ấy cũng ngất lịm đi khi mất một chân.

“Ngày tôi biết tin miền Nam giải phóng, khi đó chân tôi vừa mới cắt, vết thương vẫn chưa lành, đầu óc vẫn còn choáng váng, nhưng nghe tin xong, tôi và các đồng đội đang điều trị trong bệnh xá vẫn hét lên vì vui mừng. Tôi vẫn nhớ có đồng đội khi ấy khóc nấc lên, còn tôi thì như vỡ òa trong niềm hạnh phúc…” - cựu chiến binh Lê Xuân Mói bồi hồi kể.

Đóng góp thầm lặng

Có một điều đặc biệt ở những người cựu chiến binh tôi gặp, đó là khi trở về giữa đời thường, bản thân họ luôn trân trọng giá trị của hòa bình và vẫn giữ trọn vẹn tinh thần của người lính cụ Hồ. Suốt nhiều năm nay, họ vẫn nhiệt huyết góp sức mình xây dựng cho quê hương, đất nước, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Cựu chiến binh Đặng Đình Chiến là ví dụ. Sau khi nghỉ hưu, ông Đặng Đình Chiến về sinh hoạt ở tổ dân phố 11, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên. Năm 2017, ông tham gia cấp ủy của phường, được bầu làm Bí thư Chi bộ cho tới nay. Đáng chú ý, với vai trò là Bí thư Chi bộ, bản thân ông luôn giữ vững tinh thần trách nhiệm “miệng nói, tay làm”, sâu sát, gần gũi với bà con khu phố, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Cựu chiến binh Đặng Đình Chiến luôn giữ vững tinh thần trách nhiệm “miệng nói tay làm”, sâu sát, gần gũi với bà con khu phố, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Ảnh: Nguyễn Điểm

Còn nhớ, khi quận Long Biên có dự án mở đường rộng 40m, kéo dài từ cầu Đông Trù nối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn đường này đi qua địa bàn tổ dân phố 11, có 34 hộ dân và một số cơ quan nằm trong diện giải phóng mặt bằng. Bí thư Đặng Đình Chiến đã cùng với cấp ủy và chi bộ chủ động vận động nhân dân giải phóng mặt bằng.

Cá nhân ông Chiến đã đi từng nhà vận động các hộ gia đình là đảng viên, cựu chiến binh gương mẫu giải phóng mặt bằng trước. Chính nhờ sự cố gắng thầm lặng đó, tổ dân phố đồng thuận, góp phần trực tiếp giúp công tác giải phóng mặt bằng được triển khai thuận lợi.

Năm 2022, cựu chiến binh Đặng Đình Chiến đã vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về những đóng góp tích cực cho sự phát triển Thủ đô; giấy khen của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Long Biên về những đóng góp xuất sắc trong công tác mặt trận.

Chiến tranh lùi xa, tháng 10/1977, cựu chiến binh Lê Xuân Mói xuất ngũ trở về địa phương với thương tật hạng 3/4, bệnh binh mất sức lao động 81%. Thời điểm đó, khó khăn bủa vây, với khoản trợ cấp không nhiều, lại phải nuôi 5 người con, trong đó có một người con bị nhiễm chất độc da cam, nhưng cựu chiến binh Lê Xuân Mói vẫn không ngừng nỗ lực vươn lên, chứng minh nghị lực, phẩm chất bộ đội Cụ Hồ “người thương binh tàn nhưng không phế”.

Khi ấy, tại thôn Đan Nhiễm có nghề đan lát, nhưng những sản phẩm bằng tre, nứa tiêu thụ rất khó khăn, ông Mói đã mạnh dạn cùng một số người trong Tổ Thương binh - Hưu trí liên kết với Hợp tác xã Mua bán huyện Thường Tín đứng ra mở tài khoản, nhận bao tiêu sản phẩm bán cho các nhà máy lân cận. Ngôi nhà ông trở thành địa điểm thu gom sản phẩm, giúp bà con trong thôn và gia đình có thêm nguồn thu nhập ổn định vượt qua những năm tháng khó khăn.

Hiện tại, là nạn nhân chất độc da cam, ông Mói cũng tham gia Ban Chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Thường Tín, thường xuyên liên lạc và hỗ trợ các đồng đội cũ trong đời sống hằng ngày. Vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9, ngày thành lập Quân đội nhân dân, Tết Nguyên đán… cựu chiến binh Lê Xuân Mói lại đi vận động ủng hộ để có những suất quà tặng nạn nhân chất độc da cam trong xã. Với những đóng góp thầm lặng của mình, cựu chiến binh Lê Xuân Mói được Chủ tịch UBND huyện Thường Tín tặng giấy khen, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen “Người tốt, việc tốt” năm 2017, giấy khen về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

Chia tay những người cựu chiến binh, những chứng nhân lịch sử ngày đất nước thống nhất, trong tôi vẫn văng vẳng câu chuyện về ngày đất nước chìm trong mưa bom, bão đạn, để rồi trái tim vỡ òa khi đất nước hoàn toàn giải phóng. Một thời tuổi trẻ của những người lính cụ Hồ đã đi qua với biết bao con người đã ngã xuống để thế hệ con cháu được sống trong hòa bình, vững niềm tin để xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp. Những người cựu chiến binh tôi gặp đều bảo, niềm vui sướng lớn nhất của họ là thấy đất nước ngày một phát triển, thấy được lớp trẻ hăng say xây dựng, phát triển kinh tế, đất nước ngày càng có vị thế cao trên trường quốc tế.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Chuẩn bị “từ sớm”, “từ xa” các phương án tiếp công dân để phục vụ Đại hội Đảng các cấp

Chuẩn bị “từ sớm”, “từ xa” các phương án tiếp công dân để phục vụ Đại hội Đảng các cấp

(Thanh tra) - Trong thời gian qua, các địa phương tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo (KNTC) phức tạp, kéo dài, không để phát sinh “điểm nóng”; đồng thời, triển khai các kế hoạch tiếp công dân (TCD) nhằm đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV.

Thái Hải

08:00 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm