Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dựa vào “tài nguyên trí tuệ”, “kinh tế tri thức” để phát triển

Hương Giang

Thứ tư, 27/01/2021 - 18:53

(Thanh tra) - TP Hà Nội xác định dựa vào khoa học, công nghệ, "tài nguyên trí tuệ" để xây dựng các chiến lược phát triển Thủ đô. Còn TP Hồ Chí Minh khẳng định, “kinh tế tri thức” là xu hướng tất yếu, đảm bảo cho phát triển nhanh và bền vững.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong. Ảnh: N.Y

Hà Nội là “nơi hội tụ của các tài năng”

Ngày 27/1, phát biểu tham luận tại Đại hội XIII của Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, tuy chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp vào nền kinh tế - tài chính quốc gia trên 16% GDP, gần 19% thu ngân sách, trên 20% thu nội địa.

Dù kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá, nhưng theo ông Phong, Hà Nội vẫn chưa tạo được các “đột phá lớn”, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô; chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn chậm được cải thiện.

Cạnh đó, chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch, phát triển đô thị còn nhiều hạn chế. Quản lý đất đai, trật tự xây dựng, xử lý úng ngập, bảo vệ môi trường, tình trạng ùn tắc, an toàn giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu…

“Tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, còn để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự ở nông thôn. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở còn thấp”, ông Phong nói.

Nhận định nền kinh tế còn nhiều nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro, song thuận lợi và cơ hội lớn cho phát triển đất nước, cho Hà Nội vẫn là nhân tố chính, xu thế chủ đạo, ông Phong cho hay, “Đảng bộ Hà Nội nhận thức sâu sắc và tự tin có đủ năng lực, điều kiện thực hiện trách nhiệm “phải gương mẫu, đi đầu về tất cả mọi phương diện...” như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo tại Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP.

Với khát vọng đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển, TP Hà Nội đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành TP “Xanh - Thông minh - Hiện đại” có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế và đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là TP kết nối toàn cầu.

“Trong quá trình phát triển, Thăng Long - Hà Nội có một lợi thế đặc biệt, một tiềm năng to lớn. Lợi thế, tiềm năng đó - được tạo ra từ sự hội tụ tinh hoa của cả nước. Trải qua hơn 1010 năm kể từ khi Đức vua Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô, Thăng Long - Hà Nội đã trở thành nơi hội tụ của các tài năng đến từ mọi miền Tổ quốc”, ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Ông Phong đưa ra những con số chứng minh như Hà Nội là nơi tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước với hơn 80% trường đại học, trung tâm nghiên cứu, học viện, 65% đội ngũ trí thức và nhà khoa học trong cả nước (gồm giáo sư, tiến sĩ). Đặc biệt, theo thống kê, Hà Nội đang là một trong những TP có cơ cấu dân số vàng (với 51,7% dân số trẻ) với một cộng đồng sáng tạo đông đảo, phong phú….

Để triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, theo ông Phong, “Hà Nội xác định phải dựa vào khoa học, công nghệ, vào văn hóa, vào tài nguyên trí tuệ để xây dựng các chiến lược phát triển Thủ đô”.

“Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo cùng với văn hóa, con người là nhân tố quan trọng bậc nhất để phát triển nhanh và bền vững Thủ đô”, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội phát biểu.

Đề xuất xây dựng mô hình phát triển “kinh tế tri thức”

Tham luận với chủ đề về "kinh tế trí thức", Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong viện dẫn, từ những năm 1980 trở lại đây, với sự phát triển của khoa học công nghệ, nền kinh tế thế giới đang biến đổi sâu sắc. Trong đó kinh tế tri thức trở thành xu hướng chung của các nền kinh tế phát triển.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong. Ảnh: N.X

“Đúc kết những kinh nghiệm từ thực tiễn thành công của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới, TP Hồ Chí Minh luôn xác định tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế tri thức trong định hướng, chiến lược phát triển”, ông Phong nhấn mạnh.

Theo đó, TP Hồ Chí Minh từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng hàm lượng tri thức, tập trung phát triển các ngành công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Nguyễn Thành Phong cũng cho hay, TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành chương trình chuyển đổi số. TP cũng đang xây dựng khu đô thị sáng tạo phía Đông gắn với TP Thủ Đức, thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao.

Để phát triển “kinh tế tri thức” trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh đề nghị 7 giải pháp trong tâm.

Trong đó, xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế tri thức giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, đánh giá đúng thực trạng, xác định rõ quan điểm phát triển “kinh tế tri thức”, chỉ rõ mô hình, mục tiêu, khâu đột phá và định hướng phát triển kinh tế tri thức, đồng thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung đề ra.

Mô hình phát triển kinh tế tri thức vừa mang tính tổng thể ở tầm vĩ mô, vừa phải cụ thể hóa sát với điều kiện, thế mạnh của đất nước, từng địa phương, cấp, ngành và từng lĩnh vực.

"Trong chiến lược cần xác định và triển khai lộ trình, bước đi và giải pháp thích hợp, xác định rõ những khâu, những bước đột phá, không dàn trải; trước mắt ưu tiên phát triển kinh tế tri thức những ngành ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, các đô thị lớn, các vùng kinh tế trọng điểm để tạo nền tảng, lan tỏa đến các ngành, địa phương khác", Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nêu.

Ngoài ra, cần phát triển mạnh nguồn lao động chất lượng cao, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài; tăng cường năng lực khoa học - công nghệ quốc gia để có thể tiếp thu, làm chủ, vận dụng sáng tạo các tri thức khoa học - công nghệ mới nhất của thế giới cần thiết cho phát triển của đất nước, từng bước sáng tạo công nghệ đặc thù của đất nước, xây dựng nền khoa học - công nghệ tiến tiến của Việt Nam…

Theo ông Nguyễn Thành Phong, trong xu thế toàn cầu hóa và bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chắc chắn rằng tăng trưởng kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và lao động rẻ sẽ nhường chỗ cho nền kinh tế tăng trưởng dựa vào hàm lượng công nghệ cao, đa dạng hóa và nâng cao giá trị gia tăng.

“Để tiếp tục nâng cao tiềm lực, vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, phát triển kinh tế tri thức là xu hướng tất yếu, đảm bảo cho đất nước ta phát triển nhanh và bền vững, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm